Thị trường M&A bất động sản “khát” dự án “sạch”

Từ đầu năm đến nay, nhiều thương vụ M&A đình đám đã diễn ra trên thị trường bất động sản. Nhưng theo JLL Việt Nam, xu hướng này sẽ chậm lại do thiếu các dự án “sạch” và các dự án sẵn sàng đón nhận đầu
Thị trường M&A bất động sản “khát” dự án “sạch”

Tập đoàn Keppel Land bán lại 70% cổ phần tại dự án Waterfront City cho Tập đoàn Nam Long

Thị trường bất động sản Việt Nam 2019 bắt đầu với thương vụ M&A của Tập đoàn Keppel Land tại dự án Waterfront City (Đồng Nai). Theo thông cáo báo chí Keppel Land đưa ra vào tháng 1 năm nay, Tập đoàn Keppel Land bán lại 70% cổ phần tại dự án Waterfront City cho Tập đoàn Nam Long với tổng số tiền là 2.313 tỷ đồng (tương đương khoảng 100 triệu USD). Tập đoàn Keppel Land và Tập đoàn Nam Long sẽ cùng phát triển khu dân cư rộng 170ha tọa lạc tại xã Long Hưng, Biên Hòa, Đồng Nai.

Tập đoàn Keppel Land gần đây cũng đã công bố thông tin về việc mua lại 3 khu đất tại TP.HCM. Thông qua công ty con, Tập đoàn Keppel Land đã ký kết hợp đồng mua bán có điều kiện với Tập đoàn Phú Long cho 60% cổ phần của toàn khu đất, với tổng số tiền đầu tư là 1.304 tỷ đồng (tương đương 56 triệu USD).

Theo thông báo chính thức của Keppel Land, tổng diện tích của 3 khu đất là 6,2ha, thuộc huyện Nhà Bè, mỗi khu đất cách nhau 400m và nằm dọc theo tuyến đường huyết mạch Nguyễn Hữu Thọ. Chủ đầu tư có kế hoạch phát triển khu đất với 2.400 căn hộ cao cấp và nhà phố thương mại, dự án sẽ cung cấp khoảng 14.650m2 không gian thương mại cho khu vực. Tổng chi phí phát triển cho dự án, bao gồm chi phí đất đai, dự kiến sẽ hơn 7.400 tỷ đồng (tương đương 320 triệu USD).

Bên cạnh đó, Công ty CP Lotte FLC, một liên doanh giữa Tập đoàn FLC và công ty Lotte Land (công ty con của tập đoàn Lotte), đã được thành lập với số vốn điều lệ là 556,5 tỷ đồng (khoảng 24,1 triệu USD) để hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, theo báo cáo của Cục quản lý Đăng kí Kinh doanh. Công ty Lotte Land sẽ sở hữu 60% cổ phần của công ty Lotte FLC và phần còn lại sẽ do Tập đoàn FLC và các công ty con nắm giữ. Theo chia sẻ của Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết, liên doanh được thành lập nhằm mục đích phát triển một khu đất rộng 6,4ha tại P.Đại Mỗ, Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Theo bà Nguyễn Thị Vân Khanh, Giám đốc cấp cao, Thị trường vốn, JLL Việt Nam, việc rà soát, kiểm soát chặt chẽ hơn đối với các dự án bất động sản có thể tác động đến lợi nhuận kinh doanh trong ngắn hạn của một số doanh nghiệp và dẫn đến sự trì hoãn tạm thời của những nhà đầu tư đang sẵn sàng chờ rót vốn vào thị trường.

Những quỹ đất “sạch” và đã bồi thường giải phóng mặt bằng cho các dự án nhà ở và thương mại trong khu vực trung tâm hoặc khu vực đã phát triển ngày càng khan hiếm, khiến cho việc tìm kiếm những cơ hội đầu tư bất động sản chất lượng cũng ngày càng khó khăn.

Tuy nhiên, theo nhận định của JLL Việt Nam, các biện pháp hiện tại sẽ thúc đẩy việc cải thiện tính minh bạch trên thị trường, đồng thời sẽ đảm bảo năng lực cạnh tranh của Việt Nam và thu hút nhiều nhà đầu tư bất động sản trong khu vực.

Một trong những điểm đáng chú ý là trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung tiếp tục leo thang, xu hướng dịch chuyển lĩnh vực sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á sẽ tiếp tục mang lại lợi ích cho cả khu vực, bao gồm cả Việt Nam.

Các nhà đầu tư không ngừng tìm kiếm các tài sản công nghiệp và hậu cần, thông qua liên doanh với các nhà phát triển công nghiệp địa phương hoặc mua lại quỹ đất và các bất động sản đang hoạt động.

Việc thiếu hụt những tài sản công nghệ cao, không gian kho bãi hiện đại và nhu cầu mạnh mẽ từ những doanh nghiệp trong khu vực đang thúc đẩy tiềm năng của thị trường bất động sản công nghiệp.

“Chất lượng tài sản, tốc độ tăng trưởng giá thuê, quy mô giao dịch và thời hạn còn lại của quyền sử dụng đất là những yếu tố mấu chốt cho quyết định của nhà đầu tư”, bà Khanh nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm