Thiền định: Kỹ năng mềm để trở thành nhà lãnh đạo tỉnh thức

Trong hành trình trở thành nhà lãnh đạo tỉnh thức, thiền định và chánh niệm là một kỹ năng mềm - “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt có thể giúp bạn tìm kiếm sự kết nối bên trong, dần thấu hiểu chính mình để thấu
Thiền định: Kỹ năng mềm để trở thành nhà lãnh đạo tỉnh thức

“Thiền có khó không”, đây là câu hỏi khá thường xuyên đến với tôi khi khai vấn lãnh đạo tỉnh thức tại Coach for Life. Tôi có thể trả lời là không quá khó, nhưng cũng không hề dễ. Thiền không phải là tôn giáo và nên được nhìn nhận là một bộ môn khoa học thực nghiệm, một kỹ năng mềm có thể rèn luyện được. Trong suốt gần 10 năm thực hành thiền, tôi đã trải qua nhiều sự thăng trầm: có giai đoạn hào hứng, nhiệt tình; có giai đoạn bị chững lại, hoang mang vì không thấy có sự tiến bộ; có giai đoạn có quá nhiều câu hỏi mà không biết nên làm gì và thay đổi như thế nào, và rồi hạnh phúc khi tìm thấy lối đi và những trải nghiệm mới... Trong bài viết này, tôi sẽ chia sẻ những kinh nghiệm, những bài học nhỏ từ những trải nghiệm trên, hy vọng sẽ giúp cho hành trình học, và thực hành thiền để trở thành một nhà lãnh đạo tỉnh thức của bạn có thêm định hướng.

Tại sao thiền vẫn quá khó với bạn?

Tôi đã cố tìm hiểu điều gì khiến thiền định trở thành quá khó đối với nhiều người, và dưới đây là ba nguyên nhân chính.

• Niềm tin giới hạn

Rất nhiều người có suy nghĩ thiền là cái gì đó siêu việt, thiền chỉ phù hợp với một số người nhất định,... Bản thân tôi là người đã từng nghĩ rằng mình không thể hợp thiền. Tôi từng lo là thiền sẽ làm cho đầu óc tôi chậm chạp, phản ứng không nhạy bén. Tôi từng nghĩ là dậy sớm 10-15 phút để thiền là điều không thể... Sau này, tôi hiểu ra, nguyên nhân là vào thời điểm đó tôi chưa thực sự cam kết với nó, chưa tin là thiền định sẽ đem lại cho tôi những lợi ích to lớn.

Ở Mỹ, ước tính năm 2012 có khoảng 18 triệu người thiền, chiếm khoảng 8% dân số người lớn, và con số này đến năm 2017 là khoảng 14%. Một số phương pháp thiền như thiền chánh niệm, thiền siêu việt đã được đưa vào rất nhiều chương trình đào tạo từ cấp tiểu học lên đến sau đại học. Vậy thì thiền không thể là cái gì đó quá cao siêu và chỉ dành cho một số ít người được!

• Làm chưa đúng và chưa đủ

Làm chưa đúng trước tiên liên quan đến việc chưa hiểu đúng hoặc chưa tìm thấy phương pháp phù hợp, nhưng cũng phần lớn xuất phát từ việc chúng ta dễ dãi với bản thân. Thay vì thức dậy và khởi động cho tỉnh táo trước khi thiền thì chúng ta lựa chọn thiền trên giường; thay vì để cho tâm trí được nghỉ ngơi thì chúng ta lại tranh thủ lúc thiền để suy nghĩ, tính toán công việc;... Hệ quả của việc làm chưa đúng, và hơn nữa là chưa đủ đều đặn dẫn đến thiền không đem lại những hiệu quả rõ rệt, và từ đó không tạo được niềm tin, sức mạnh để họ có quyết tâm và hứng thú để thực hành nhiều hơn.

• Không có người đồng hành và giải đáp thắc mắc.

Thiền là quá trình đi sâu vào bên trong, nhận biết những gì đang diễn ra bên trong mình về mặt nhận thức, suy nghĩ, cảm xúc và cơ thể. Trải nghiệm của mỗi người sẽ vô cùng đa dạng, phong phú và có thể nói là không ai giống ai. Do đó, việc có người hướng dẫn, cùng bạn phân tích để hiểu những gì đang diễn ra bên trong bạn là cực kỳ quan trọng. Trong khi, chúng ta thường có người thầy hướng dẫn, kèm cặp trong hầu hết mọi lĩnh vực mình muốn học, nhưng đối với thiền, một môn học trừu tượng, thì đa số lại không có người hướng dẫn.

Thiền như thế nào cho hiệu quả?

Dưới đây là 3 gợi ý của cá nhân tôi, hi vọng qua đó giúp các nhà lãnh đạo có niềm tin và thực hành thiền định dễ dàng hơn.

Đầu tiên, hãy dỡ bỏ suy nghĩ rằng thiền là cái gì đó không với tới được. Nếu một em bé có thể học thiền thì không lý do gì bạn không học được. Tiếp theo, hãy tự hỏi lý do gì khiến bạn muốn thiền và viết xuống tất cả những lý do đó. Những kỹ năng này sẽ đem lại được lợi ích gì cho cuộc sống, công việc và các mối quan hệ của bạn? Bạn có thể trả lời những câu hỏi này dựa trên những gì bạn đọc được, nghe được hoặc trải nghiệm được.   

Bước tiếp theo, hãy bắt đầu từ những bước nhỏ, nhưng điều quan trọng là làm đều đặn và kiên trì. Thiền không phải là một thứ mà bạn có thể đốt cháy giai đoạn, bằng cách thực hành liên tục trong nhiều giờ thì sẽ giỏi được, thay vào đó chỉ cần bạn thiền tập trung  5’ mỗi buổi sáng, bạn sẽ cảm nhận được sự thay đổi rõ rệt trạng thái tinh thần của mình trong buổi sáng hôm đó. Ngoài ra, hãy thử những phương pháp khác nhau, có thể thiền tĩnh phù hợp với người khác nhưng với bạn thì thiền động (trong khi đi lại hoặc hành động) sẽ đem lại nhiều hứng thú hơn. Có thể thiền ngoài thiên nhiên sẽ giúp bạn có cảm giác bình an, hạnh phúc và tập trung hơn rất nhiều khi bạn ngồi trong phòng kín. Hãy ghi chép lại những thay đổi của mình mỗi ngày, điều này sẽ giúp bạn đào sâu và rút ra những phương pháp phù hợp nhất với mình.

Điều cuối cùng là chớ có kỳ vọng và tìm kiếm những trải nghiệm giống như người khác đã có. Như tôi đã nói ở trên, trải nghiệm thiền của mỗi cá nhân vô cùng đa dạng, phong phú. Giống như việc bạn không thể tìm được bất kỳ người nào giống hệt như bạn, mỗi trải nghiệm cá nhân cũng là của riêng bạn. Hãy chỉ cần quan sát những diễn biến, thay đổi, những bước tiến bộ hoặc thụt lùi của mình, và trao đổi với một người đủ kinh nghiệm và đủ hiểu biết trong lĩnh vực này để dẫn dắt bạn.

Lời kết

Có thể đến thời điểm này, bạn thấy rằng thiền vẫn quá khó. Nhưng tôi mong bạn hãy kiên nhẫn với chính mình, và đừng mất niềm tin. Nếu đã cố gắng mà vẫn không thể thiền, có thể là chưa đúng thời điểm của bạn, và nhớ quay lại vào một thời điểm khác phù hợp hơn. Tôi thừa nhận rằng, thiền định là một con đường gập ghềnh có lúc lên, lúc xuống, có khúc bằng phẳng, có đoạn chông gai. Nó đòi hỏi bạn sẽ phải có sự tò mò khám phá; suy ngẫm và sáng tạo để tìm ra cách phù hợp nhất với mình. Thế giới bên trong mỗi chúng ta thực sự là một tiểu vũ trụ, vô cùng phong phú, to lớn và hấp dẫn, đến nỗi tôi chưa bao giờ cảm thấy bị nhàm chán trong hành trình khám phá, và hoàn thiện bản thân và trở thành một lãnh đạo tỉnh thức này.

Đến đây, bạn đọc có thể sẽ hỏi tôi rằng: khi đã luyện tập thiền thành công, đã cố gắng tiến từng bước trên hành trình chuyển hoá trở thành lãnh đạo tỉnh thức, thì đích đến cuối cùng là gì? Từ quá trình khai vấn với không ít nhà lãnh đạo, tôi cho rằng quan trọng nhất vẫn là sự cân bằng (well-being), là việc vừa thành công, vừa có thể bình an và hạnh phúc. Đó cũng chính là nội dung cuối cùng trong chuỗi bài về “Lãnh đạo tỉnh thức” mà tôi sẽ chia sẻ trong bài viết tiếp theo. 

(*) Về tác giả: Coach Quách Hương – người sáng lập Coach for Life – Chuyên gia Khai vấn Cân bằng cho cấp Lãnh đạo. 

Thiền định: Kỹ năng mềm để trở thành nhà lãnh đạo tỉnh thức ảnh 1

Trong một chuỗi bài viết về chủ đề “Lãnh đạo tỉnh thức”, coach Quách Hương sẽ cố gắng không chỉ dừng ở việc chia sẻ khái niệm hay lý thuyết, thay vào đó sẽ cung cấp các công cụ, phương pháp, và trải nghiệm của cá nhân hoặc của những khách hàng mà cô đã có cơ hội cùng làm việc trên hành trình chuyển hoá trở thành lãnh đạo tỉnh thức. Qua đó, cô hi vọng sẽ khiến cho khái niệm cấp tiến, nhưng có phần trừu tượng này, trở nên gần gũi và thực tế hơn với mọi người.

Cùng đón đọc những bài viết tiếp theo của coach Quách Hương. 

Có thể bạn quan tâm