Thời điểm của những giải pháp bất thường

Doanh nghiệp và cả nền kinh tế đang đối mặt với những khó khăn không chỉ do COVID-19 đem đến.
Thời điểm của những giải pháp bất thường

Bức tranh... không màu

Sức khoẻ của doanh nghiệp luôn là chủ đề lớn mỗi khi nền kinh tế gặp khó khăn. Nhưng lần này, điều mà ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhắc đến là là những phần “không màu” trong bức tranh doanh nghiệp.

Theo các số liệu thống kê vừa được công bố, nửa đầu năm 2021, đã có khoảng 60 ngàn doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh, ngừng hoạt động hay làm thủ tục giải thể. So với năm 2020, con số này đã tăng tới 23% và là một mảng xám khá lớn trong bức tranh doanh nghiệp. Ở phần màu sáng, vẫn có hơn 55 ngàn doanh nghiệp thành lập mới, hơn 22 ngàn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động.

“Nhưng phần không màu là trong số các doanh nghiệp rút lui, tuổi thọ trung bình thế nào; trong số các doanh nghiệp đang hoạt động, tỷ lệ tăng trưởng quy mô, lớn lên nằm ở nhóm doanh nghiệp nào... Đặc biệt, khu vực hộ kinh doanh rất thiếu thông tin, dù đang đóng góp tới 30% GDP...”, ông Cương phân tích.

Vấn đề là phần không màu này đang làm khó cho nhiệm vụ thiết kế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Có thể thấy ngay trong kết quả thực hiện nhiều gói hỗ trợ doanh nghiệp năm ngoái đạt mức thấp, dù được ban hành sớm. Thậm chí, chính sách hỗ trợ gián tiếp cho doanh nghiệp mới đạt chưa đến 1%, còn hỗ trợ cho người lao động theo hợp đồng phải chấm dứt hợp đồng và một số trường hợp khác cũng chưa đến 1%, chỉ đạt 0,22 đến 0,49%...

Lúc này, khi đợt dịch thứ tư bùng phát, lan rộng với những diễn biến phức tạp, một lần nữa câu hỏi có cần thêm các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hay không, bên cạnh việc gia hạn các gói chính sách tài khóa, tiền tệ của năm ngoái liên tục được bàn đến, ở cả phía cơ quan hoạch định chính sách và cả doanh nghiệp. Song, đến giữa tháng 6/2021, câu trả lời vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu, xây dựng.

Nhiều động lực tăng trưởng đang bị bào mòn

Ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM đang cảm thấy nóng ruột. “Cần phải có các quyết sách muộn nhất trong tháng 7/2021. Nền kinh tế đang cần những chính sách để kích thích các động lực tăng trưởng”, ông Cung nhấn mạnh.

Đợt dịch thứ tư đang gây nên những tác động lớn tới nền kinh tế khi quy mô lớn, nguồn lây nhiều phức tạp, tốc độ lan nhanh, tập trung vào các khu công nghiệp, trung tâm công nghiệp chế biến xuất khẩu, trung tâm kinh tế.

Lần này, không chỉ các doanh nghiệp dịch vụ du lịch, vận tải hành khách, nhất là hàng không, nhà hàng, khách sạn tiếp tục chịu tác động nặng, nhiều doanh nghiệp không thể trụ lại, mà các doanh nghiệp sản xuất cũng bị đảo lộn hoạt động do công tác phòng, chống dịch. Có thể thấy trước khả năng sản lượng công nghiệp sẽ giảm do ngừng, thu hẹp sản xuất do giảm năng suất lao động. Tốc độ tăng sản lượng công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến sẽ giảm. Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu, nhất là xuất khẩu sản phẩm chế tác, có thể giảm; nhập siêu có thể quay trở lại...

Kết hợp các loại tác động trên thì tăng trưởng quý II/2021 nhiều khả năng sẽ thấp hơn kế hoạch, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm cũng rơi vào tìnhhuống tương tự.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ còn nhắc đến sự hồi phục mạnh của nhiều nền kinh tế trên thế giới, như Mỹ, Trung Quốc... và các gói hỗ trợ người dân, doanh nghiệp của các nước này đang tạo nên áp lực cho lạm phát toàn cầu. Là nền kinh tế có độ mở cao, Việt Nam đương nhiên sẽ chịu tác động lớn.

Có thể thấy ngay trong sự chững lại của giải ngân đầu tư công, khi giá cả nguyên vật liệu tăng, giá thép tăng tới 55% tính từ quý 3/2020 đến giờ, nhiều nhà thầu buộc phải chọn giải pháp dừng thi công để giảm thiệt hại. Không chỉ các dự án đang thi công bị ảnh hưởng, nhiều gói thầu đang chào cũng gặp khó khi các doanh nghiệp chưa dám chốt các phương án trong lúc giá cả đang trong thế phi mã.

Đợt dịch thứ 4 bùng phát không chỉ các doanh nghiệp dịch vụ du lịch, vận tải hành khách, nhất là hàng không, nhà hàng, khách sạn tiếp tục chịu tác động nặng và các doanh nghiệp sản xuất cũng bị đảo lộn hoạt động do công tác phòng, chống dịch. Nhập siêu có thể quay trở lại. 

Thời điểm của những giải pháp... bất thường

Chưa bao giờ các doanh nghiệp lại sốt sắng tìm kiếm nguồn cung vaccine như bây giờ. Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái kể, ngay khi Chính phủ mở cơ chế cho phép doanh nghiệp tiếp cận nguồn cung vaccine, các thành viên Câu lạc bộ Sao Đỏ đã trao đổi, dùng mọi mối quan hệ với các đối tác nước ngoài để tìm nguồn mua.

“Chúng tôi đã tính, số tiền vài tỷ đồng để có vaccine tiêm cho cán bộ, công nhân thấp hơn rất nhiều con số mất đi khi sản xuất bị ngưng trệ do có lao động bị nhiễm bệnh. Nhìn rộng ra nền kinh tế cũng vậy, tập trung mọi nguồn lực để sớm đạt được tỷ lệ miễn dịch cộng đồng sau khi tiêm vaccine rẻ hơn số tiền bỏ ra cho các đợt dịch chưa biết bao giờ ngưng”, ông Đoàn nói.

Chỉ vài tháng trước, ông Đoàn và nhiều doanh nghiệp khác chưa hề có trong đầu kế hoạch này. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp khi xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2021 cũng không tính tới khả năng số người nhiễm COVID-19 ở Việt Nam có thể lên tới 10 ngàn người.

Đây cũng là lý do ông Kiên cho rằng, điều hành kinh tế vĩ mô 6 tháng cuối năm đang đòi hỏi sự linh hoạt và trách nhiệm rất lớn của người đứng đầu.

“Quan điểm của tôi là tiếp tục 3 hướng, vừa tiếp tục phòng chống dịch, xử lý ách tắc trong đầu tư công và mở cửa tạo thông thoáng cho nền kinh tế. Lúc này, không thể để giao thương ách tắc, ngay cả khi thực hiện các biện pháp phòng chống dịch”, ông Kiến khuyến nghị.

Không phải bỗng nhiên ông Kiên nhắc đến đề xuất này. Chỉ trong vài tháng đầu năm, hàng loạt quyết định “ngăn sông cấm chợ” khiến cả doanh nghiệp, người dân, đặc biệt là nông dân lao đao.

Trong đợt bùng phát dịch thứ ba hồi tháng 1/2021, khi Hải Dương thực hiện giãn cách xã hội toàn tỉnh, ngay lập tức, lãnh đạo TP. Hải Phòng đã yêu cầu dừng tiếp nhận tất cả các công nhân và hàng hóa từ Hải Dương về Hải Phòng khiến người dân, doanh nghiệp ở Hải Dương điêu đứng. Gần trăm ngàn tấn rau quả đang đến kỳ thu hoạch gặp khó trong tiêu thụ vì hàng nông sản không thể đưa ra cảng ở Hải Phòng để xuất khẩu.

Khi đó, lãnh đạo Hải Dương đã phải gửi công văn “kêu cứu” tới Bộ Công thương, TP. Hải Phòng, Quảng Ninh và các địa phương có cửa khẩu để được tạo điều kiện thông thương hàng hóa. Rồi khi dịch phát sinh tại Hải Phòng, tới lượt Quảng Ninh ngăn người và xe từ Hải Phòng sang và UBND TP. Hải Phòng lại có công văn đề nghị Quảng Ninh điều chỉnh quyết định vì giao thương hàng hóa ách tắc... Trong đợt dịch thứ tư, tình trạng lặp lại ở với TP.HCM và Đồng Nai cùng các tỉnh lân cận...

Cần phải có các quyết sách muộn nhất trong T7/2021. Nền kinh tế đang cần những chính sách để kích thích các động lực tăng trưởng. 

Ông Nguyễn Đình Cung

Ông Nguyễn Đình Cung cho rằng, bản chất vấn đề là ở tư duy điều hành cát cứ, theo địa phương, theo ngành... Bên cạnh đó, thói quen làm việc theo các quy định hiện hành để đảm bảo an toàn, thay vì dám đưa ra các phương án mới, các giải pháp vì lợi ích chung cũng đang làm tình hình khó thêm.

“Để thúc đẩy giải ngân đầu tư công, đảm bảo chất lượng và tiến độ, sẽ phải thay đổi nhiều văn bản, cách làm hiện nay. Tương tự, để hạn chế đến mức tối đa việc hạn chế, gây khó khăn cho vận chuyển hàng hóa giữa các địa phương; hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân, chính quyền các địa phương không thể chỉ nhìn vào mục tiêu phòng chống dịch, mà phải cân nhắc tới mục tiêu phát triển kinh tế. Lúc này là lúc cần các giải pháp bất thường để xử lý tình huống không bình thường do dịch bệnh”, ông Cung nói.

Đây là lúc những người đứng đầu phải thể hiện rõ trách nhiệm.

Có thể bạn quan tâm