Thông điệp gì từ lệnh "khủng" của SHB và STB?

Trong những phiên giao dịch gần đây, câu chuyện tăng trần với thanh khoản khủng của cổ phiếu SHB và STB đang trở thành chủ đề "nóng" trong giới đầu tư chứng khoán. Vậy, đằng sau những giao dịch gây sốc này là gì?
Thông điệp gì từ lệnh "khủng" của SHB và STB?

Các cổ phiếu ngân hàng có thêm phiên giao dịch ngày 30/3 ấn tượng với hầu hết đều tăng điểm. Có thể kể đến các cổ phiếu tăng mạnh và thanh khoản đang rất lớn như STB của Sacombank, LPB của LienVietPostBank, VIB của VIB, MBB của MB, TCB của Techcombank. Tuy nhiên, sự chú ý của nhà đầu tư tập trung nhiều hơn vào 2 cổ phiếu là STB và SHB.

Những "cú đánh" nghìn tỷ

Kết thúc phiên giao dịch ngày 30/3, cổ phiếu STB của Sacombank và SHB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn- Hà Nội (SHB) đều tăng trần, song cổ phiếu của Bầu Hiển tạm thời nhường “ngôi vua” thanh khoản cho STB. Dòng tiền như thác đổ vào STB khiến cổ phiếu này tăng trần 7% lên 20.500 đồng/cp, thanh khoản gần 100 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị 2.050 tỷ đồng.

Đây là mức thanh khoản kỷ lục trong lịch sử các ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán. Mức thanh khoản này cũng chính thức xô đổ kỷ lục mà SHB thiết lập trong phiên giao dịch ngày 26/3 là 80 triệu cổ phiếu.

Đáng chú ý, khối ngoại mua ròng 3,7 triệu cổ phiếu STB trong phiên 30/3, tương ứng 750 tỷ đồng. Vốn hoá của STB sau phiên hôm nay cũng đạt 34.630 tỷ đồng. Sacombank là một trong những ngân hàng đại chúng nhất trong số các doanh nghiệp niêm yết với 86.000 cổ đông.

Mức tăng "quán nhanh, quá nguy hiểm" của SHB
Mức tăng "quán nhanh, quá nguy hiểm" của SHB

Trước đó, "quá nhanh – quá nguy hiểm” (Fast and Furious) là cụm từ được giới chứng khoán dùng để miêu tả các giao dịch khủng trong thời gian vài phút của cổ phiếu SHB. Liên tiếp hai phiên liền vào ngày 26/3 và 29/3, cổ phiếu SHB thay đổi trạng thái chỉ trong vài phút.

Cụ thể, trong phiên 26/3 khi cả thị trường đỏ lửa, Vn-Index "bốc hơi" 25 điểm, cổ phiếu SHB đã "lội ngược dòng" ngoạn mức từ 17.100 đồng/cp tăng trần lên 19.500 đồng/co, tương ứng tăng 9,6% chỉ trong vài phút.

Tổng khối lượng giao dịch trong phiên này là 80 triệu cổ phiếu, tương ứng 1.560 tỷ đồng, chiếm gần một nửa giá trị giao dịch trên HNX-Index (3.484 tỷ đồng).

Phiên giao dịch ngày 29/3, cổ phiếu này cũng tiếp tục tăng trần lên 21.400 đồng/cp với gần 55,8 triệu cổ phiếu được khớp lệnh, tương đương giá trị giao dịch đạt hơn 1.150 tỷ đồng.

Diễn biến này lại tiếp tục xảy ra vào trong phiên 30/3, ngay từ đầu phiên, SHB ghi nhận lượng khớp lệnh gần 10 triệu cổ phiếu . Thị giá cổ phiếu này theo đó bật từ mức 22.000 đồng/cp (tăng 2,8% so với tham chiếu) lên 23.500 đồng/cp (tăng 9,8% so với tham chiếu) và được duy trì đến cuối phiên. Tổng giá trị giao dịch đạt hơn 1.041 tỷ đồng, tương ứng gần 45 triệu cổ phiếu được khớp lệnh.

Thực tế, cổ phiếu SHB đã có mức tăng khủng trong hơn 1 năm qua. Theo đó, tại ngày 4/12/2019 giá của mã này mới chỉ ở mức 4.900 đồng/cp nhưng đến phiên giao dịch ngày 7/1/2021 thị giá của cổ phiếu này đã là 19.200 đồng/cp, tương đương mức tăng gần 400% và tính đến thời điểm hiện tại thì con số này đạt gần 500%.

Giao dịch khủng của STB trong phiên 30/3
Giao dịch khủng của STB trong phiên 30/3

Đằng sau đà tăng

Thực tế, những giao dịch "khủng" bất thường trên không khỏi gợi ra nhiều nghi vấn cho các nhà đầu tư, những ai đã sẵn lòng rút hầu bao gom lượng cổ phiếu SHB và STB với mức giá cao như vậy?

Được biết, SHB niêm yết trên HNX từ năm 2009, lượng cổ phiếu lưu hành hiện nay lên tới hơn 1,75 tỷ cổ phiếu. Tính tới cuối năm 2019, CTCP Tập đoàn T&T là cổ đông duy nhất của SHB với tỷ lệ sở hữu gần 10%. Từ đó tới nay, thị trường chưa ghi nhận giao dịch nào đối với cổ phiếu SHB của cổ đông lớn này.

Bên cạnh Tập đoàn T&T do bầu Hiển làm Chủ tịch HĐQT thì chính bản thân vị Chủ tịch này cũng đang trực tiếp năm giữ 2,74% cổ phần tại SHB. Ngoài ra, con trai và chỉ gáí ông Hiển lần lượt nắm giữ 2,98% (ông Đỗ Quang Vinh), 2,05% (bà Đỗ Thị Thu Hà) cổ phần tại SHB; CTCP Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) - doanh nghiệp có liên quan đến ông Đỗ Quang Hiển cũng đang sở hữu 2,15% cổ phần SHB.

Đà tăng giá và bùng nổ của SHB được lý giải một phần từ kết quả kinh doanh tốt lên của nhà băng cùng kế hoạch chia cổ tức hấp dẫn.

Sau nhiều năm lận đận do sáp nhập với Habubank, năm 2021 SHB đặt kế hoạch lợi nhuận tăng 70%, lên mức 5.555 tỷ đồng. Ngân hàng trình đại hội cổ đông mức chia cổ tức 10% cho năm 2019 và 10,5% cho năm 2020. Tổng mức cổ tức bằng cổ phiếu của SHB cho 2 năm là 20,5%.

Đáng chú ý, giới đầu tư lại đang kháo nhau về việc có bàn tay tham dự của một thế lực nhằm "làm giá" cổ phiếu SHB cho một mục đích khác. Tuy nhiên, đây chỉ là những nhận định vô căn cứ của các nhà đầu tư.

Trong khi đó, đà tăng của STB xuất phát từ tin đồn về chuyển nhượng một số lô cổ phiếu lớn liên quan đến các cổ đông nội bộ của nhà băng này.

Đầu năm nay, phía Kienlongbank cho biết, năm 2020 do phát sinh dịch Covid-19, Kienlongbank chưa thể hoàn thành việc bán lô cổ phiếu STB để giảm nợ xấu. Tính đến 31/12/2020, Kienlongbank đã bán được một phần cổ phiếu STB, giảm được 369 tỷ nợ xấu.

Theo Tổng giám đốc Trần Tuấn Anh, Kienlongbank đã đẩy mạnh bán STB trong tháng 1/2021 để giảm nợ xấu của nhà băng này xuống dưới 3%. Kienlongbank cũng đặt mục tiêu hoàn thành việc bán toàn bộ cổ phiếu STB nói trên và tất toán nợ vay có liên quan chậm nhất là ngày 31/3/2021.

Kienlongbank đã nhiều lần từng chào bán hơn 176 triệu cổ phiếu STB với giá mong muốn 24.000 đồng/cp để thu hồi nợ, vì đây là tài sản đảm bảo cho khoản vay của một số cá nhân tại Kienlongbank nhưng đã quá hạn. Việc bán lô cổ phiếu khá khó khăn khi thị trường không thuận lợi. Điều này cũng ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh của Kienlongbank trong năm 2020.

Có thể bạn quan tâm