Thu phí BOT Cai Lậy: Cần cách giải quyết hài hoà lợi ích

Sự việc thu phí với "cơn mưa tiền lẻ" tại trạm thu phí BOT Cai Lậy một lần nữa lại cho thấy, để đảm bảo lợi ích của cả người dân lẫn những nhà đầu tư BOT thì cả hai bên phải cùng nỗ lực để đảm bảo hài
Thu phí BOT Cai Lậy: Cần cách giải quyết hài hoà lợi ích

Nhiều tài xế dùng tiền lẻ mua vé khiến hàng trăm ôtô bị ùn tắc từ hai hướng Sài Gòn về Cần Thơ và ngược lại. Đây là sự việc cho thấy, người dân đang có những phản ứng khá gay gắt với những dự án BOT thời gian gần đây.

Trước đó, đã có rất nhiêu dự án BOT "mọc lên" và làm "dậy sóng dư luận" khi xây dựng bất hợp lý, tiền thu phí cao... Vừa mới đây, Phó chủ nhiệm UB Kinh tế của QH Nguyễn Đức Kiên cũng nhấn mạnh, một việc làm bao giờ cũng có ý kiến trái chiều, đó là chuyện bình thường.

Khi đa phần người dân cho rằng, nhà đầu tư BOT là gian tham, móc túi dân nhưng những thống kê về giá trị của các dự án BOT đã phần nào chứng minh lợi ích đối với nền kinh tế. Các thống kê cũng cho thấy, chỉ có 8% các dự án BOT gây bức xúc. Và để tỷ lệ này không tăng lên, thậm chí có thể giảm đi thì cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng.

Không để “ông” muốn làm gì thì làm

Trước đó, trong buổi làm việc với cơ quan Kiểm toán nhà nước về việc thực hiện chính sách pháp luật trong đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thực hợp đồng xây dựng - kinh doanh – chuyển giao (BOT), Phó tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Quang Thành cho biết theo quy định vị trí trạm thu phí phải có khoảng cách 70km nhưng thực tế xảy ra 2 tình trạng. 

Một là trạm thu phí cho dự án nhưng đặt trên tuyến đường khác và không gắn với dự án, dẫn đến tình trạng người dân không đi trên đường được đầu tư bằng BOT nhưng vẫn phải trả phí cho nhà đầu tư.

Hai là khoảng cách giữa các trạm thu phí không đảm bảo tối thiểu 70km nhưng đều được sự chấp thuận giữa Bộ GTVT, Bộ Tài chính và địa phương. Việc này làm cho mật độ trạm thu phí càng dày đặc thêm. 

Bên cạnh, hầu hết các dự án trạm thu phí BOT đều theo hình thức chỉ định thầu, gây khó khăn cho quản lý, kiểm tra kiểm soát. 

Cũng tại cuộc họp này, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kỹ thuật cầu đường VN Nguyễn Ngọc Long đặt câu hỏi có ai chống lưng cho 'ông BOT' không mà 'ông' muốn làm gì thì làm.

Ông Long cho rằng các quy định vai trò của cấp thẩm quyền quyết định đầu tư là “hữu danh vô thực” làm cho vai trò quản lý nhà nước đối dự án BOT giảm sút. 

“Ông phó ban quản lý dự án lại đi làm thuê cho ông BOT thì còn bảo được ai nữa”, ông Long ngao ngán và cho biết đa phần các nhà đầu tư BOT “tự tung tự tác” chả ai quản lý, từ đó làm cho chất lượng công trình không đảm bảo. 

Nguyên Chủ nhiệm UB Kinh tế Hà Văn Hiền nêu việc kiểm soát các dự án BOT còn hạn chế để các chủ đầu tư tự tung tự tác, dẫn đến thất thoát, tiêu cực từ tài chính, chất lượng, thời gian, tiến độ.

Chính vì vậy, để người dân nhận thấy, BOT là những dự án đem lại lợi ích cho người dân thì cần phải có những chế tài, những cách quản lý hợp lý để tạo nên tính minh bạch.

Cần sự thống nhất của 3 bên

Trước sự việc này, sáng nay (14/8), Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN Nguyễn Văn Huyện cho biết, Tổng cục làm việc với tỉnh Tiền Giang và chủ đầu tư để xem các bên có kiến nghị, tìm phương án giải quyết.

Về mức phí qua trạm thu phí Cai Lậy được người dân phản ánh là quá cao, Bộ GTVT sẽ xem xét và cùng chính quyền địa phương nghiên cứu, nếu thực sự cao sẽ có chính sách miễn giảm.

“Bất cập phí cao cần phải nghiên cứu. Sau khi địa phương khảo sát số xe trong vùng ảnh hưởng qua trạm thu phí sẽ có chính sách miễn giảm. Bộ GTVT sẽ cùng với địa phương tìm phương án giải quyết”, ông Huyện nói.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật khẳng định: Việc đặt trạm thu phí đã có sự thống nhất của chính quyền địa phương.

Hơn nữa, ngoài việc làm đường tránh, chủ đầu tư đã bỏ tiền nâng cấp hệ thống đường cũ nên họ đặt trạm trên QL1 là để đảm bảo phương án tài chính cho nhà đầu tư.

Ông Nhật nói rõ, dựa trên các kiến nghị của người dân, Bộ GTVT sẽ xem xét giải quyết những vấn đề cụ thể trên tinh thần đúng luật.

Về tình trạng người dân dùng tiền lẻ trả phí qua trạm Cại Lậy gây tắc đường QL1, ông Huyện cho hay, chủ đầu tư có thể hướng dẫn cho xe vào ven đường để thu phí xong rồi cho đi để không xảy ra tình trạng tắc đường.

Trong trường hợp xe ùn tắc từ 500m - 1km, theo quy định của Bộ GTVT, chủ đầu tư phải xả trạm cho phương tiện đi qua, bất kể là lý do gì.

Như vậy, các dự án BOT không "tự dưng" cũng như tự ý "mọc lên". Mỗi dự án đều là sự thống nhất của chủ đầu tư và chính quyền địa phương. Và chìa khoá cho sự thống nhất này, có lẽ không còn dựng lại ở sự thống nhất của "hai bên" mà còn cần sự "phối hợp" của bên thứ ba là dư luận, người dân.

>> Thêm 2 trạm thu phí BOT bị giám sát doanh thu

Có thể bạn quan tâm