Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Không để người dân nào bị bỏ lại phía sau

Phát biểu trước Quốc hội trước khi trực tiếp trả lời chất vấn của các ĐB Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc tới mục tiêu đưa đất nước phát triển không ngừng, tạo không gian cho người dân phát h
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Không để người dân nào bị bỏ lại phía sau

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm thôi thúc Chính phủ hành động

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ cảm ơn với sự tín nhiệm các vị đại biểu Quốc hội dành cho cá nhân ông cũng như các thành viên Chính phủ.

Thủ tướng cho rằng, kết quả bỏ phiếu tín nhiệm của Quốc hội, dù tín nhiệm cao hay tín nhiệm thấp đều có chung ý nghĩa thôi thúc Chính phủ hành động, thực hiện tốt hơn nữa các nhiệm vụ phát triển đất nước còn rất nhiều thách thức ở phía trước.

Thủ tướng nhắc tới mục tiêu đưa đất nước phát triển không ngừng, tạo không gian cho người dân phát huy cao nhất năng lực, sức sáng tạo, không để người nào bị bỏ lại phía sau. Theo người lãnh đạo đứng đầu Chính phủ, đây cũng chính là mục tiêu xuyên suốt của Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân.

Nói về tình hình kinh tế xã hội, Thủ tướng khái quát, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong ba thập niên kể từ khi đổi mới là rất ấn tượng. Tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 1986- 2017 đạt 6,63%/năm. 20 năm gần đây tăng bình quân 6,3%/năm, 10 năm trở lại đây tăng 6%/năm, riêng năm 2017 tăng 6,81%, năm 2018 dự kiến tăng trên 6,7%.

Việt Nam đã chuyển từ nhóm thu nhập thấp sang thu nhập trung bình, và quy mô nền kinh tế hiện đứng thứ 44 thế giới theo GDP danh nghĩa và thứ 34 khi tính theo sức mua tương đương quốc tế.

Về chất lượng tăng trưởng, những năm qua, Chính phủ kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao hiệu quả đầu tư, giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường, thúc đẩy tiến bộ và công bằng xã hội, đảm bảo các quyền con người, quyền tài sản và quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.

Thủ tướng nêu quan điểm, để bảo vệ các thành quả đã đạt được, duy trì mức tăng trưởng thì cần luôn kiên định, quyết tâm, không chỉ trong nhiệm kỳ này mà cả những nhiệm kỳ kế tiếp. Sau 30 năm đổi mới, giờ cần định hình cho chặng đường 30 năm tiếp theo và xa hơn nữa. Theo tính toán của Thủ tướng, đến 2045 – mốc lịch sử kỷ niệm 100 năm lập nước, quy mô GDP đất nước sẽ đạt 2.500 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người khoảng 18.000 USD.

Mục tiêu này, theo Thủ tướng, là thách thức rất lớn vì mỗi lúc, việc đạt thêm mỗi % tăng trưởng sẽ càng khó khăn hơn.

“Thế hệ chúng ta hôm nay cần ý thức sâu sắc trách nhiệm nặng nề, đó là lát một viên đá trên con đường lịch sử hướng đến sự thịnh vượng cho dân tộc” – Thủ tướng chia sẻ.

Xét từ khía cạnh thành quả kinh tế mang lại cho người dân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, không thước đo tăng trưởng nào có thể lượng hóa được mọi nhu cầu này của người dân, từ việc “ăn ngon mặc đẹp” tới yêu cầu về không gian phát triển rộng mở hơn, hội nhập hơn với xu thế tiến bộ toàn cầu.

Thách thức từ cách mạng 4.0

Phát triển kinh tế thể hiện quá trình đổi mới tư duy và nhận thức. Yêu cầu đổi mới tư duy và nhận thức càng cấp bách khi làn sóng công nghệ đột phá ra đời và đang lan rộng toàn cầu.

Thủ tướng nhấn mạnh: “Việt Nam chúng ta đang ở giai đoạn cần có xung lực mới cho phát triển, chúng ta không thể đứng ngoài cuộc và cũng không được phép đi sau trong thời đại cách mạng công nghiệp này. Tôi tin rằng nhiệm vụ phát triển đặt ra cho Việt Nam trong 5- 10 năm tới và xa hơn đòi hỏi chúng ta phải nắm bắt những xu thế công nghệ và chuyển động của thế giới toàn cầu hóa mà chúng ta đang phải đối mặt”.

Người lãnh đạo đứng đầu cơ quan hành pháp dẫn chứng về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đem đến khả năng đi tắt đón đầu và cả nguy cơ bị bỏ lại phía sau với những nước đang phát triển, nếu không biết nắm bắt cơ hội hoặc bàng quan vô cảm trước các chuyển động xu thế công nghệ và tiến trình toàn cầu hóa.

Một trong những thách thức nổi lên từ Cách mạng 4.0 là làm tăng nguy cơ mất việc làm trong một số ngành công nghiệp truyền thống. Những lao động giản đơn rất dễ bị thay thế, trong khi đây lại là đối tượng dễ bị tổn thương thu nhập. Việt Nam cần chuẩn bị những điều kiện then chốt, trong đó, trọng tâm là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Thủ tướng lưu ý, Việt Nam có trách nhiệm trước lịch sử cũng như với thế hệ hôm nay trước sứ mệnh đưa tài nguyên con người trở thành ưu thế chủ đạo của đất nước bởi Việt Nam là quốc gia có cơ cấu dân số vàng, quy mô dân số lớn thứ 14 thế giới với truyền thống hiếu học đã được hun đúc trong suốt chiều dài lịch sử.

Lãnh đạo Chính phủ cũng nhấn mạnh về thách thức về lợi thế cạnh tranh khi trong hơn nửa thế kỷ qua, số các quốc gia thoát được đói nghèo để đạt mức thu nhập trung bình là không nhiều, và số các quốc gia vượt qua bẫy thu nhập trung bình để gia nhập nhóm các quốc gia phát triển còn ít hơn nữa. Tại Việt Nam, giai đoạn chuyển đổi đầy khó khăn khi tiền lương đang có xu hướng gia tăng, tốc độ tăng lực lượng lao động có xu hướng giảm khá nhanh.Muốn duy trì và nâng cao tốc độ tăng trưởng kinh tế, chúng ta buộc phải đẩy nhanh tốc độ tăng năng suất lao động.

Thời gian tới, theo dự báo, mỗi năm Việt Nam có khoảng 1,5 triệu người gia nhập tầng lớp trung lưu. Nhắc lại nhiệm vụ kiến tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy giảm nghèo nhanh và bền vững, mọi người dân đều có cơ hội cùng tiến lên, không phải bị bỏ lại phía sau, Thủ tướng dẫn câu nói “một đàn chim muốn bay nhanh không chỉ do con chim đầu đàn quyết định mà còn phụ thuộc vào con chim cuối đàn”.

“Nhưng tôi cũng xin chia sẻ thêm với các đại biểu: đàn chim sẽ bay nhanh hơn rất nhiều nếu mọi con chim cuối đàn đều có chung khát vọng, vượt lên chính mình, bay nhanh hơn nữa để có cơ hội gia nhập vào nhóm đầu đàn” – Thủ tướng kêu gọi, 63 tỉnh thành, cả hệ thống cùng chung khát vọng đó trong mọi hoàn cảnh, chắc chắn Việt Nam sẽ tiến bước dài trên con đường thịnh vượng.

Ông thuật lại nguyện vọng của nguyên Tổng Bí thư Lê Duẩn năm 1976, sau khi đất nước thống nhất là “các ông bà già, trẻ con mỗi bữa có một quả trứng, một cốc sữa”. Mục tiêu của cố Tổng Bí thư khi đó rất giản dị, “trong vòng mười năm nữa, mỗi gia đình ở Việt Nam sẽ có một radio, một TV và một tủ lạnh”.

40 năm trôi qua, đời sống của đại bộ phận người dân đã khá giả hơn rất nhiều nhưng thực tế vẫn còn không ít người, vùng khó khăn ở những “lõi nghèo”.

“Thực tế khó khăn đó luôn làm cho chúng ta day dứt, trăn trở, đầu tư nhiều nguồn lực và giải pháp nhằm cải thiện tình hình nhưng vẫn có một bộ phận cán bộ, công chức dửng dưng, vô cảm trước đời sống của nhân dân. Tình trạng trên nóng – dưới lạnh, trên bảo – dưới không nghe vẫn tiếp tục tồn tại. Có những người nhiệt huyết cải cách nhưng bị nỗi sợ rủi ro ngăn cản, có người còn do dự với cải cách vì sợ mất quyền lợi; cũng có người chờ đợi người đi trước dẫn đường, có người muốn thấy hết lối đi mới cất bước” – Thủ tướng chia sẻ bức xúc, kêu gọi một tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Trước Quốc hội, ông yêu cầu mọi thành viên Chính phủ, toàn bộ đội ngũ cán bộ công chức thấm nhuần tinh thần “khoan thư sức dân” bằng cách giảm chi phí, tiết kiệm thời gian cho người dân và doanh nghiệp, kiên quyết loại trừ nạn quan liêu, tham nhũng, kể cả tham nhũng vặt.

Không chỉ vậy, tất cả cán bộ công chức, đặc biệt là cấp lãnh đạo phải là những tấm gương về tinh thần làm việc tận tụy, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả, vì lợi ích chính đáng của người dân và doanh nghiệp.

Dẫn ví dụ từ vụ việc Con Cưng hay vụ phạt tiền 90 triệu đồng với người đổi 100USD, Thủ tướng cho rằng, hơn lúc nào hết, cần hoàn thiện thể chế, cải cách tư pháp, bảo vệ quyền tài sản, quyền công dân, đấu tranh không khoan nhượng với tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, chạy chức, chạy quyền, chạy dự án, cải cách bộ máy, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Có thể bạn quan tâm