Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự hội nghị Davos trong ngày 18/1

Chiều 17/1 (theo giờ Việt Nam), Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm 2017 đã khai mạc tại thành phố Davos của Thụy Sĩ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự hội nghị Davos trong ngày 18/1

Với chủ đề "Lãnh đạo chủ động và có trách nhiệm," hội nghị lần này tiếp tục quy tụ lãnh đạo cấp cao nhiều quốc gia và chủ tịch các tập đoàn trên thế giới bàn luận về những vấn đề kinh tế-phát triển và thời sự thế giới.

"Theo kế hoạch, đoàn đại biểu Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu, sẽ tham dự hội nghị này vào ngày 18/1. Cùng với việc tham dự Hội nghị, dự kiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ có nhiều cuộc tiếp xúc song phương với lãnh đạo các nước và các đối tác phát triển. Đây cũng là dịp để Việt Nam quảng bá về vị thế, vai trò của Việt Nam trên cương vị chủ nhà APEC 2017.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng thống nước chủ nhà Doris Leuthard bày tỏ lo ngại tại nhiều khu vực trên thế giới, chủ nghĩa dân tộc và bảo hộ đang chiếm ưu thế và xu hướng này tạo ra nhiều mối quan ngại và thách thức cho sự kết nối của cộng đồng toàn cầu và gây trở ngại cho nỗ lực hợp tác của các quốc gia.

Sự hiện diện của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Diễn đàn WEF năm nay đánh dấu lần đầu tiên nhà lãnh đạo cao nhất của quốc gia đông dân nhất thế giới tham gia diễn đàn này. Phát biểu tại hội nghị, ông Tập Cận Bình cho rằng theo đuổi chính sách bảo hộ giống như việc tự cô lập bản thân.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc khẳng định có rất nhiều vấn đề đang tồn tại trên thế giới mà không phải do tiến trình toàn cầu hóa kinh tế gây nên. Để cập tới nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mai giữa các cường quốc, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh sẽ không có nước nào chiến thắng trong cuộc chiến này.

Chủ tịch Trung Quốc cũng cho biết bất chấp kinh tế toàn cầu đang đình đốn, kinh tế Trung Quốc dự báo đạt mức tăng trưởng 6,7% trong năm 2017, mức tăng trưởng cao nhất trong các nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Diễn đàn WEF lần này thu hút sự tham gia của gần 3.000 đại biểu từ khắp các châu lục, trong đó có các đoàn đại biểu chính phủ của hơn 70 quốc gia, với sự tham gia của gần 50 nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ, 40 người đứng đầu các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, WTO, Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế…; lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu thế giới, các học giả uy tín, các nhà hoạt động xã hội, đại diện các tổ chức phi chính phủ.

Hội nghị có tổng số 446 phiên họp, ưu tiên tập trung thảo luận tìm giải pháp cho các thách thức mang tính toàn cầu: thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu; đảm bảo tăng trưởng phải bao trùm; làm chủ và tận dụng lợi thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; và định hình lại phương hướng và mô hình hợp tác toàn cầu để giải quyết hiệu quả các vấn đề hòa bình, phát triển, các vấn đề nhân đạo, di cư, môi trường...

Mỹ sẽ có hai đoàn đại biểu đại diện với một bên là Phó Tổng thống mãn nhiệm Joe Biden và Ngoại trưởng của chính quyền Obama, John Kerry, và một bên là nhiều thành viên trong nhóm chuyển giao của Tổng thống mới đắc cử Donald Trump, người sẽ nhậm chức vào ngày 20 /1, tức là ngày bế mạc Diễn đàn WEF 2017.

Có thể bạn quan tâm