Thương mại điện tử thiếu nhân lực

Hiện mới có 30% nhân lực ngành thương mại điện tử trải qua đào tạo chính quy; 55% đến từ các ngành có liên quan gần (như kinh doanh, thương mại, công nghệ thông tin); 15% còn lại đến từ các ngành nghề khác
Thương mại điện tử thiếu nhân lực

Theo Hiệp hội TMĐT Việt Nam (Vecom), quy mô thị trường TMĐT Việt Nam có thể đạt 39 tỉ USD vào năm 2025 nhưng lại đang thiếu nhân lực chất lượng cho ngành này.

Bà Vũ Thị Minh Tú, Giám đốc đối ngoại của Lazada thừa nhận, nhu cầu nhân lực có kiến thức, kỹ năng TMĐT đang tăng rất nhanh và nguồn cung chưa đáp ứng đủ cầu. Đó là lý do các doanh nghiệp, sàn TMĐT khi tuyển dụng không chỉ tập trung vào sinh viên có kiến thức chuyên ngành mà phải linh hoạt mở rộng ra nhiều ngành khác liên quan như quản trị kinh doanh, marketing…để vận hành doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch Vecom còn cho biết, thiếu nhân sự được đào tạo nên hệ thống tuyển dụng nhân sự của ngành TMĐT vẫn đang quanh quẩn, luân phiên chuyển từ công ty này sang công ty khác, từ Tiki qua Shopee, rồi qua Lazada hay Sendo… Số lượng nhân sự chưa nhiều, chưa thỏa mãn được nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.

Điều này có thể thấy, bức tranh về nhân lực qua đào tạo trong lĩnh vực này còn đang chờ được lấp đầy. Đồng nghĩa với việc, dư địa cho lĩnh vực đào tạo chính quy ngành TMĐT còn rất lớn, nhất là trong bối cảnh quy mô TMĐT Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á.

Nguyên nhân là do kênh chủ yếu để đào tạo nhân lực TMĐT hiện chỉ có ở các trường đại học, cao đẳng, nhưng phần lớn nhân lực khi đi làm lại phải đào tạo lại.

Cả nước hiện có khoảng 76 trường có đào tạo ngành và chuyên ngành TMĐT, 53 trường đã giảng dạy học phần TMĐT, nhưng các trường chỉ đào tạo tín chỉ, học phần khá dàn trải, chưa chuyên sâu.

Chưa kể những trở ngại như giảng viên, học liệu, chương trình đào tạo, hợp tác giữa các trường, gắn đào tạo với thực tiễn...

Trong khi đó, doanh nghiệp cần nhân sự có khả năng "thực chiến", chuyên sâu các mảng logistics, bán hàng, quản trị TMĐT…

Hơn nữa, sinh viên thế hệ Z có đặc điểm nhanh chán, ưa trải nghiệm, định vị bản thân còn mơ hồ, kiến thức và kỹ năng tương tác xã hội kém, nên phải đào tạo lại từ đầu.

Vecom cho rằng, để hoạt động đào tạo nguồn nhân lực của ngành đạt hiệu quả, chất lượng, đơn vị này đưa ra một số đề xuất như cần khảo sát định kỳ tình hình đào tạo TMĐT tại các cơ sở giáo dục đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp, xây dựng mạng lưới các cơ sở đào tạo TMĐT, hay bồi dưỡng giảng viên TMĐT.

Có thể bạn quan tâm