Tiền đang “mắc kẹt” trong hệ thống ngân hàng?

Nguồn cung tiền đã trở thành dư thừa và “ứ đọng” trong hệ thống ngân hàng, biểu hiện qua lãi suất tiền đồng giảm xuống thấp kỷ lục trong tuần vừa qua do khả năng chuyển hóa nguồn tiền dư này thành tài sản sinh lời có dấu hiệu suy giảm.
Tiền đang “mắc kẹt” trong hệ thống ngân hàng?

Trên thị trường tiền tệ, lãi suất USD  kỳ hạn qua đêm đã giảm về 0,1-0,2% vào trung tuần tháng 5, trong khi lãi suất tiền đồng cùng kỳ hạn có lúc đã giao dịch ở mức 0,1% trong tuần vừa qua. Điều này cho thấy có quá nhiều tiền trên thị trường và chi phí sử dụng chúng đang gần như bằng 0%.

Nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh lãi suất huy động liên tiếp được điều chỉnh giảm thì thanh khoản dư thừa có thể do hệ quả của việc gia tăng cung tiền trong thời gian qua và khả năng chuyển hóa từ nguồn vốn sang các tài sản sinh lời của các tổ chức tín dụng có dấu hiệu giảm.

Trong năm 2018 và 2019 lượng cung tiền luôn ghi nhận sự tăng trưởng năm sau cao hơn năng trước chủ yếu thông qua các hoạt động mua vào ngoại tệ của NHNN và một phần từ cho vay trên thị trường mở.

Trong khi đó, lượng cho vay khách hàng và chứng khoán là hai “đầu ra” chiếm tỷ trọng cao nhất của các ngân hàng lại đang có dấu hiệu chững lại khiến việc thừa vốn tại ngân hàng kéo dài.

Cụ thể, theo số liệu của NHNN, tính đến hết tháng 5/2020, mức tăng trưởng tín dụng của ngành là 1,96%, thấp hơn nhiều so với mức tín dụng tăng 5,74% của cùng kỳ năm ngoái. Báo cáo tài chính qúy I/2020  cũng cho thấy nhiều ngân hàng tăng trưởng tín dụng âm như Vietinbank, Saigonbank,...

Nguyên nhân của việc tăng trưởng tín dụng có thể là do nhu cầu đi vay trong nền kinh tế suy giảm do tác động từ dịch Covid-19 làm suy giảm tăng trưởng kinh tế tại hầu hết các quốc gia trên thế giới, gia tăng thất nghiệp và giảm thu nhập người dân, tăng tỷ lệ phá sản doanh nghiệp, khiến cầu tiêu dùng và sản xuất sụt giảm, gián đoạn chuỗi cung ứng và dòng thương mại toàn cầu.

Theo thống kê từ NHNN, hết tháng 3/2020, hoạt động thương mại, vận tải và viễn thông có dư nợ tín dụng đạt khoảng 2 triệu tỉ đồng - tương ứng với 20% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, chỉ tăng 0,89% so với cuối 2019. Đây cũng là lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề từ Covid-19 do hạn chế thương mại và du lịch toàn cầu

Lĩnh vực nông, lâm, thủy sản tuy chiếm tỷ trọng không cao trong cơ cấu dư nợ, song chỉ tăng 0,69% so với cuối năm trước. Dư nợ của lĩnh vực này tăng trưởng yếu có thể do cầu tiêu thụ từ nước ngoài sụt giảm vì tác động của dịch Covid-19 làm giảm nhu cầu vay vốn. Theo Tổng cục Thống kê trong qúy I/2020 , xuất khẩu lĩnh vực này giảm 4,5%; riêng ngành thủy sản giảm 11,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, tác động từ dịch bệnh lên nhu cầu tín dụng là hiện hữu.

Ngoài ra, việc ngân hàng trở nên thận trọng trong việc cấp mới tín dụng cũng là một nguyên nhân dẫn đến việc nguồn vốn dư thừa. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, lãi suất dù hạ nhưng vẫn còn khá cao so với khó khăn mà họ đang đối mặt. Hơn nữa, thủ tục và hồ sơ xét duyệt cũng là trở ngại lớn để các doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay ngân hàng.

Đối với hoạt động cho vay chứng khoán, hiện sản phẩm mà ngân hàng đầu tư chủ yếu là trái phiếu chính phủ (TPCP)  nhưng hiện thị trường này gần đây đang kém sôi động. Việc đầu tư TPCP đang gặp nhiều rủi ro khi dư địa giảm thêm lãi suất điều hành thấp, đi kèm bội chi ngân sách áp lực tăng. Vì vậy, việc mở rộng danh mục TPCP thời điểm hiện tại không phải xu thế tại nhiều ngân hàng.

Như vậy, do tính chất rủi ro của các tài sản sinh lời đi kèm nhu cầu vay vốn có dấu hiệu chững lại đã khiến dòng vốn “tắc nghẽn” tại ngân hàng - trung gian tài chính của nền kinh tế.

Có thể bạn quan tâm