Tiếp bài keg bia chứa rẻ rách, ống nhựa...: Công ty CP bia Hà Nội - Hải Dương vi phạm nhiều quy định pháp luật!

Do Công ty Cổ phần bia Hà Nội - Hải Dương (HAD) vi phạm nhiều quy định của pháp luật nên người tiêu dùng có thể khiếu nại đến các cơ quan có thẩm quyền để các cơ quan đó vào cuộc xác minh, xử lý.
Tiếp bài keg bia chứa rẻ rách, ống nhựa...: Công ty CP bia Hà Nội - Hải Dương vi phạm nhiều quy định pháp luật!

Liên quan đến sự việc anh Trường trú tại thôn Cẩm Lý, xã An Lâm, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương “tố” khi anh cùng mọi người khui một keg bia Hà Nội – Hải Dương phát hiện nhiều dị vật gồm khẩu trang y tế, rẻ rách, lò so, vỏ bánh, ống nhựa và dây chuối khô, Luật sư Nguyễn Thị Thúy Kiều – Giám đốc Công ty Luật Bắc Nam cho rằng: Theo quy định của Bô Luật Dân sự năm 2015 và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 thì người tiêu dùng được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, quyền và lợi ích hợp pháp khác khi sử dụng hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp.

Theo Luật sư Kiều, người tiêu dùng có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, cam kết.

Như vậy, nếu sản phẩm trên là của Cổ phần bia Hà Nội - Hải Dương (HAD) cung cấp bán ra thị trường cho người dân sử dụng thì doanh nghiệp đã vi phạm Điều 10 của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đó là đã thực hiện hành vi bị cấm, đó là kinh doanh hàng hoá không đảm bảo chất lượng ảnh hưởng đến sức khoẻ của người tiêu dùng.

Về mặt đạo đức của doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng thực phẩm, đồ uống cho con người, khi nhận được khiếu nại của khách hàng nhưng chưa tích cực để xử lý sự việc, không thăm hỏi xem sự ảnh hưởng của sản phẩm kém chất lượng đó đối với khách hàng như thế nào, xin lỗi kịp thời và khắc phục những sai sót của mình như phản ánh thể hiện sự yếu kém trong quản lý, sự xuống cấp về đạo đức kinh doanh, Luật sư Kiều nói.

Phân tích rộng hơn, Luật sư Kiều cảnh báo hiện nay vấn nạn thực phẩm bẩn đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới tính mạng và sức khoẻ của con người đang là thực trạng nhức nhối ở đất nước ta. Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng thực phẩm cần phải được các cơ quan có thẩm quyền quản lý, xử lý nghiêm minh.

Trong sự việc liên quan đến Công ty Cổ phần bia Hà Nội - Hải Dương (HAD), người tiêu dùng có thể khiếu nại đến các cơ quan có thẩm quyền để các cơ quan đó vào cuộc xác minh, xử lý theo quy định. Cụ thể, theo quy định tại Điều 8, Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 thì Quyền của người tiêu dùng: Được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp; Được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch và thông tin cần thiết khác về hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng đã mua, sử dụng….; Góp ý kiến với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ về giá cả, chất lượng hàng hóa, dịch vụ, phong cách phục vụ, phương thức giao dịch và nội dung khác liên quan đến giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ…; Yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết; Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Trong khi đó Điều 10 của Luật này quy định Các hành vi bị cấm: Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng.

Và Điều 11 cũng của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 quy định về Xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Cá nhân vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật; Tổ chức vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, Điều 608 Bộ Luật Dân sự năm 2015 quy định về Bồi thường thiệt hại do vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng: Cá nhân, pháp nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng hàng hoá, dịch vụ mà gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì phải bồi thường.

Ở một diễn biến liên quan, thông tin với Phóng viên Thương Gia, ông Trần Huy Loãn – Giám đốc Công ty cho biết, do nhận thấy có nhiều dấu hiệu không bình thường cộng với diễn biến của dịch bệnh phức tạp nên phía công ty vẫn đang chờ để thu thập các thông tin cần thiết.

Có thể bạn quan tâm