Tiếp tục tranh cãi việc quản lý Grab

Các hiệp hội taxi truyền thống tiếp tục yêu cầu “siết” loại hình Grab, trong khi nhiều chuyên gia cho rằng việc “gò” Grab vào mô hình cũ sẽ triệt tiêu sáng tạo.
Tiếp tục tranh cãi việc quản lý Grab

Sau bốn lần trình Chính phủ và hàng chục cuộc họp lấy ý kiến, đến nay Bộ GTVT vẫn tiếp tục nhận được rất nhiều ý kiến tranh luận căng thẳng về việc quản lý loại hình Grab. “Cuộc họp hôm nay chắc chắn vẫn có nhiều ý kiến trái chiều, vì vậy các đại biểu cần nêu thẳng quan điểm, tránh tranh luận căng thẳng…” - Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể mở đầu buổi họp lấy ý kiến về dự thảo nghị định thay thế Nghị định 86/2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô ngày 13/7

Cũng như các cuộc họp trước, đại diện Hiệp hội Taxi các địa phương liên tục đứng lên bày tỏ mong muốn Bộ GTVT “quản” loại hình Grab như taxi truyền thống (nghĩa là đồng tình với dự thảo của Bộ). Ông Trương Đình Quý, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun), cho rằng sau khi Bộ GTVT có Quyết định 24/2016 cho thí điểm xe hợp đồng điện tử, số lượng xe hoạt động taxi tăng vọt. Riêng TP.HCM đến tháng 3-2018 là 34.000 xe. Tuy nhiên, tổng doanh thu vận tải đường bộ tại TP.HCM giảm 3.600 tỉ đồng. “Như vậy ở đây có nghịch lý và liệu chúng ta có thất thoát thuế không?” - ông Quý đặt câu hỏi.

Tiếp lời, ông Nguyễn Ngọc Long, Phó Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, cho rằng thực tế có hàng ngàn xe dưới chín chỗ sử dụng phần mềm kết nối nhưng không có nhận diện thương hiệu, không chấp hành điều kiện vận tải cũng như nghĩa vụ thuế. Chính điều này gây ra sự bất bình của doanh nghiệp taxi.

“Tôi đề nghị xe hợp đồng dưới chín chỗ sử dụng phần mềm kết nối đều được xem là taxi và chịu chung quy định quản lý. Ngoài ra, taxi công nghệ phải gắn mào tránh tình trạng doanh nghiệp lách luật. Đồng thời Bộ GTVT cần chỉ đạo Grab dừng hoạt động tại các địa phương chưa được phép thí điểm” - ông Long kiến nghị.

Tuy nhiên, PGS-TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế-tài chính, cho rằng dự thảo nghị định buộc các doanh nghiệp công nghệ phải đáp ứng điều kiện của toàn bộ quá trình kinh doanh vận tải là một sự bất công. Quy định này không những làm biến đổi bản chất hoạt động của đơn vị cung cấp phần mềm mà còn triệt tiêu phần lớn những ưu điểm mà các dịch vụ kết nối mang lại. Vô hình trung nó cản trở sự sáng tạo của ngành kinh tế số, tạo ra gánh nặng thực thi và chi phí vô lý cho các doanh nghiệp để rồi cuối cùng ảnh hưởng tới người tiêu dùng.

“Vì vậy, tôi kiến nghị Bộ GTVT điều chỉnh dự thảo, không buộc các đơn vị công nghệ cung cấp dịch vụ kết nối hành khách phải đáp ứng các điều kiện như một đơn vị vận tải thực thụ. Cần lưu ý, quy định tại nghị định này sẽ được áp dụng chung cho tất cả đơn vị công nghệ, không chỉ là Uber hay Grab mà còn bao gồm rất nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam còn thiếu kinh nghiệm, yếu tài chính…” - ông Ngô Trí Long nói.

Đồng tình, đại diện Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng việc “gò” các loại hình mới vào cái cũ sẽ triệt tiêu sự sáng tạo của doanh nghiệp trong và ngoài nước. “Nên chăng Bộ GTVT xem lại điều kiện kinh doanh vận tải truyền thống do có quá nhiều điều kiện bó buộc, những rào cản về điều kiện kinh doanh khiến doanh nghiệp chùn bước” - đại diện CIEM nhấn mạnh.

Một số đại diện công ty công nghệ cũng yêu cầu Bộ GTVT xem xét lại khái niệm trong dự thảo. Vì nhiều công ty công nghệ hiện đang xây dựng các phần mềm (app) gọi xe cho các doanh nghiệp vận tải. “Khi nghiên cứu xong các app, chúng tôi bán lại cho doanh nghiệp và họ sử dụng để kinh doanh nên không thể xem các công ty công nghệ là doanh nghiệp vận tải được” - ông Đào Kiến Quốc, giảng viên Trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội, kiến nghị.

Có thể bạn quan tâm