Tin nóng: Armenia bắt sống xe tăng T-90, bắn hạ trực thăng của Azerbaijan

Lực lượng Armenia trên vùng Nagorno-Karabakh thu giữ chiến lợi phẩm một xe tăng T-90S của quân đội Azerbaijan, bị bỏ lại trong khu vực giao chiến ác liệt giữa các bên.

Truyền thông Armenia công bố một số bức ảnh cho thấy chiếc xe tăng T-90 đã bị rách nát, có thể do trúng nhiều phát đạn RPG-7, trên một đoạn đường gần chiến tuyến Nagorno - Karabakh. Đây có thể là đường tiến công của tăng thiết giáp quân đội Azerbaijan.

Chiếc xe tăng T-90S bị quân đội Azerbaijan bỏ lại trên chiến trường

Trong 5 ngày giao chiến, lực lượng Armenia - còn được gọi là Quân đội Phòng thủ Artsakh - thu giữ được một số phương tiện tăng thiết giáp của quân đội Azerbaijan, trong đó có cả các xe chiến đấu bộ binh BMP (APC).

Truyền thông Armenia công bố một video, tuyên bố lực lượng phòng không quốc gia này bắn hạ một máy bay trực thăng của Azerbaijan. Trong video, khó có thể làm rõ đó là máy bay loại nào, những phương tiện bay phát nổ dữ dội khi rơi xuống đất.

Ngày 1/9, Bộ Quốc phòng Armenia thông báo Quân đội Quốc phòng Artsakh bắn hạ 2 máy bay trực thăng. Ngoài ra, lực lượng phòng không Armenia cũng bắn rơi một số máy bay không người lái (UAV) của Azerbaijan tiếp cận thủ đô Yerevan của Armenia.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng, bà Shushan Stepanyan cho biết, giao chiến đang diễn ra khốc liệt trên nhiều hướng Nagorno - Karabakh, Quân đội Quốc phòng Artsakh gây thương vong nặng nề cho sinh lực và vũ khí trang bị của đối phương, đặc biệt là xe tăng, xe thiết giáp.

Ngày 2/10, truyền thông Armenia cáo buộc lực lượng vũ trang Azerbaijan tấn công một trạm thủy điện phía bắc khu vực Kashatagh của quốc gia này. Hành vi này vi phạm các nguyên tắc luật quốc tế, được ghi trong Điều 48 và 52 Nghị định thư I bổ sung cho Công ước Geneva.

Cùng ngày quân đội Azerbaijan tấn công phá hủy một cây cầu trên khu vực Nagorno - Karabakh bằng tên lửa đạn đạo do Israel sản xuất.

Cây cầu này nối liền Armenia với Nagorno - Karabakh gần làng Asagi Sus, bị tấn công bởi một tên lửa đạn đạo chiến thuật LORA (Long Range Attack). Cuộc tấn công chính xác đã phá hủy hoàn toàn cây cầu.

Tên lửa đạn đạo LORA của Azerbaijan phá hủy 1 cây cầu ở Nagorno-Karabakh

LORA là tên lửa chiến thuật tầm gần do Israel Aerospace Industries phát triển, có đường kính là 600 mm, tầm bắn 400 km. Tên lửa được điều khiển bằng hệ thống dẫn đường quán tính INS, hỗ trợ định vị vệ tinh GPS với đầu dẫn phát hiện mục tiêu quang học giai đoạn cuối. Hệ thống dẫn đường tiên tiến cho phép LORA đánh trúng mục tiêu với bán kính độ sai lệch là 10 mét. Năm 2018, Lực lượng vũ trang Azerbaijan đã nhập một số hệ thống tên lửa LORA từ Israel.

Đây là vụ tấn công bằng tên lửa đạn đạo đầu tiên kể từ khi bắt đầu trận chiến ở Nagorno-Karabakh ngày 27/9.

Bộ Quốc phòng Azerbaijan cáo buộc lực lượng Armenia nhiều lần phóng tên lửa đạn đạo chiến thuật OTR-21 Tochka. Chính quyền Yerevan bác bỏ hoàn toàn những cáo buộc này, nhưng đây là lần đầu tiên có chứng cứ chính xác cho thấy Azerbaijan sử dụng tên lửa đạn đạo chiến thuật.

Cùng trong thời gian nay, nhiều quốc gia lên tiếng kêu gọi ngừng bắn và chấm dứt các hành động thù địch. Nhưng cả Armenia và Azerbaijan đều từ chối các hoạt động đàm phán.

Moscow cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron kêu gọi ngừng "hoàn toàn" chiến sự ở Karabakh và sẵn sàng tăng cường các nỗ lực ngoại giao để giúp giải quyết xung đột.

Điện Kremlin cho biết: “Vladimir Putin và Emmanuel Macron kêu gọi các bên tham chiến ngừng bắn hoàn toàn và càng sớm càng tốt, giảm leo thang căng thẳng và thể hiện sự kiềm chế tối đa”.

Trong một cuộc điện đàm, hai nhà lãnh đạo bày tỏ "sẵn sàng" thay mặt cho các đồng chủ tịch Nhóm Minsk - Nga, Pháp và Mỹ -  kêu gọi chấm dứt "ngay lập tức" chiến tranh và bắt đầu tiến trình đàm phán.

Trong các cuộc điện đàm riêng với những người đồng cấp ở cả hai quốc gia, ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tái khẳng định Moscow "sẵn sàng tổ chức một cuộc gặp". Nhưng cả hai nhà lãnh đạo đều không sẵn sàng cho các cuộc đàm phán.

Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev tuyên bố, quân đội quốc gia này sẽ tiếp tục chiến đấu cho đến khi đánh đuổi hoàn toàn được quân Armenia khỏi Karabakh. Ông nói khi thăm các thương binh sau cuộc chiến: “Nếu chính phủ Armenia đáp ứng yêu cầu, giao tranh và đổ máu sẽ chấm dứt, hòa bình sẽ được thiết lập trong khu vực,”

Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan cho biết không "thích hợp lắm" khi nói về các cuộc đàm phán "vào một thời điểm có nhiều xung đột thù địch".

Một điều đặc biệt là tuyên bố độc lập của Karabakh, ly khai khỏi Azerbaijan đã làm bùng phát một cuộc chiến vào đầu những năm 1990, khiến hơn 30.000 người thiệt mạng. Nhưng nước Cộng hòa tự xưng này vẫn không được bất kỳ quốc gia nào, kể cả Armenia, công nhận là độc lập. Dù có bộ máy lãnh đạo riêng, nhưng mọi vấn đề của Karabakh phụ thuộc hoàn toàn vào Armenia.

Có thể bạn quan tâm