Tin vui cho diêm dân Bình Thuận

UBND tỉnh Bình Thuận vừa chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp các đơn vị liên quan triển khai kế hoạch sản xuất muối niên vụ 2021 một cách hiệu quả, đáp ứng nhu cầu muối tiêu dùng, nguyên liệu cho các ngành công nghiệp.
Tin vui cho diêm dân Bình Thuận

Theo đó, để sản xuất muối niên vụ năm 2021 có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu muối tiêu dùng và làm nguyên liệu cho các ngành công nghiệp, ông Lê Tuấn Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận vừa có văn bản yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện Tuy Phong, Hàm Thuận Nam, TP.Phan Thiết kiểm tra, rà soát thực trạng cơ sở hạ tầng đồng muối, diện tích sản xuất và kế hoạch sử dụng đất làm muối tại các địa phương.

Cụ thể, trước hết cần tổ chức triển khai thực hiện đề án phát triển ngành muối giai đoạn 2021 - 2030 theo Quyết định số 1325/QĐ-TTg ngày 31/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 766/QĐ-BNN-KTHT ngày 24/02/2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Sau đó, kiểm tra, rà soát thực trạng cơ sở hạ tầng đồng muối, diện tích sản xuất và kế hoạch sử dụng đất làm muối tại các địa phương. Đối với diện tích thực tế đang sử dụng vào mục đích sản xuất muối, không chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác. Kiểm tra tình hình thực hiện liên kết sản xuất, chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm muối theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ.

Đồng thời, rà soát khả năng cân đối giữa năng lực sản xuất với sản lượng bình quân tiêu thụ hàng năm, hạn chế dư thừa không tiêu thụ hết, gây khó khăn cho diêm dân. Trên cơ sở đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nghiên cứu, đề xuất chủ trương đầu tư cơ sở hạ tầng đồng muối sử dụng vốn đầu tư do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quản lý theo đề án phát triển ngành muối giai đoạn 2021 - 2030.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tuấn Phong cũng yêu cầu củng cố, tổ chức lại các tổ chức của diêm dân (tổ hợp tác, hợp tác xã muối) theo hướng áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, đầu tư phát triển hạ tầng sản xuất, liên kết với doanh nghiệp chế biến theo chuỗi giá trị để ổn định sản xuất.

Tùy vào điều kiện cụ thể của từng địa phương, thực hiện việc bảo tồn và phát triển cánh đồng, cộng đồng làm nghề muối thủ công độc đáo gắn với phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Thực hiện đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ quản lý sản xuất cho cán bộ tổ hợp tác, hợp tác xã và người sản xuất muối.

“Giữ ổn định diện tích các đồng muối công nghiệp hiện có để phát triển sản xuất muối công nghiệp phục vụ cho công nghiệp hóa chất, tiến tới giảm dần nhập khẩu, tạo điều kiện tiêu thụ muối thủ công cho diêm dân. Rà soát, xác định những diện tích sản xuất muối tại các vùng muối sản xuất thủ công có tiềm năng, chất lượng tốt, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chế biến muối nhằm đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao năng suất, chất lượng, cung cấp cho tiêu dùng trong nước, đặc biệt dùng cho ăn uống trực tiếp, công nghệ chế biến thực phẩm và xuất khẩu”, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tuấn Phong chỉ đạo.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tuấn Phong cũng yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thông cần tạo điều kiện cho tổ chức và hộ gia đình phát triển các sản phẩm OCOP đối với muối và các sản phẩm từ muối tại địa phương.

Thực hiện lồng ghép giới thiệu sản phẩm muối trong các hội chợ nông sản kết nối sản xuất và tiêu thụ, hội chợ OCOP các vùng miền, địa phương, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý xuất xứ hàng hóa, bảo hộ sở hữu thương hiệu cho sản phẩm muối, xúc tiến thương mại các sản phẩm muối, sau muối.

Có thể bạn quan tâm