Tội lỗi mang tên URC: Cảnh báo nguy hại khi bị nhiễm độc chì

Bác sĩ Ngô Hà, Chuyên khoa nội tổng quát (ngoha.md@gmail.com - TP.HCM) cho biết: “Chì là một kim loại nặng rất độc với cơ thể con người, đặc biệt với sự phát triển của trẻ em và phụ nữ mang thai. Chì
Tội lỗi mang tên URC: Cảnh báo nguy hại khi bị nhiễm độc chì

Bác sĩ Ngô Hà, Chuyên khoa nội tổng quát (ngoha.md@gmail.com - TP.HCM) cho biết: “Chì là một kim loại nặng rất độc với cơ thể con người, đặc biệt với sự phát triển của trẻ em và phụ nữ mang thai. Chì lại dễ phơi nhiễm, thẩm thấu và tác dụng lên hầu hết các cơ quan của cơ thể, gây ngộ độc kéo dài, mất nhiều thời gian điều trị và tốn kém tiền của” (Báo Người tiêu dùng).

Sau khi được hấp thụ vào cơ thể, gần như 100% chì đi vào máu, ức chế tổng hợp hồng cầu, rút ngắn tuổi thọ của hồng cầu do làm hồng cầu dễ bị vỡ... gây ra tình trạng thiếu máu. Chì thẩm thấu vào các tổ chức mềm, gây tổn thương tế bào, làm chết tế bào thần kinh. Chì còn gây tổn thương gan, thận, phổi, đường tiêu hóa, làm tăng co bóp thành mạch máu dẫn tới tăng huyết áp, suy giảm trí nhớ... Chì cũng tập trung nhiều ở xương, làm giảm hình thành xương mới và mất cân bằng các tế bào xương... Bác sĩ Ngô Hà đặc biệt nhấn mạnh: “Chì cực kỳ nguy hiểm với trẻ em. Nhiễm độc chì ở trẻ em dẫn đến các khả năng chậm phát triển về thể chất; suy giảm thần kinh nhận thức và trí tuệ dẫn đến khờ khạo, học kém; dễ mắc chứng tăng động - giảm chú ý; ảnh hưởng đến độ phát triển của xương, giảm chiều cao”. Phụ nữ có thai bị nhiễm độc chì lại càng nguy hiểm hơn, có thể khiến thai nhi không chịu được dẫn đến nguy cơ sẩy thai cao hoặc thai nhi kém phát triển. Về lâu dài, đứa trẻ sinh ra chậm phát triển trí tuệ, tăng tỷ lệ các dị tật, dễ mắc các bệnh về máu, gan, xương... Mặc dù, chì được cảnh báo là rất nguy hiểm với sức khỏe con người nhưng biểu hiện bệnh nhiễm độc chì lại rất kín đáo, dễ bị bỏ sót, chỉ có thể phát hiện khi làm xét nghiệm máu. “Trong trường hợp bị ngộ độc nặng, thời gian dài thì mới có những triệu chứng thể hiện bên ngoài nhưng cũng rất mơ hồ, chung chung như một số bệnh phổ biến (cảm, sốt...), mệt mỏi, nhức đầu, chóng mặt, mờ mắt, khó ngủ, buồn nôn, ăn uống kém...”, bác sĩ Ngô Hà chia sẻ thêm. Một khi đã bị nhiễm độc chì, theo bác sĩ Ngô Hà, bắt buộc phải lọc máu và dùng thuốc để đào thải dần độc tố. Nếu để biến chứng nặng ở gan, thận, xương... thì khắc phục rất khó; đòi hỏi phải điều trị lâu dài và tốn kém... Dù vậy, vẫn không cách nào loại thải hoàn toàn chì ra khỏi cơ thể, nó vẫn để lại nhiều di chứng nặng nề và trẻ em bị nhiễm chì thì càng khó loại bỏ hơn người lớn. Bác sĩ Ngô Hà cũng khuyến cáo NTD cần ngưng sử dụng ngay 2 sản phẩm nước ngọt của Công ty TNHH URC là Trà xanh C2 và nước tăng lực Rồng đỏ chứa kim loại chì vượt mức cho phép nhiều lần như Bộ Y tế đã công bố.

Theo bác sĩ Hà, chì có trong thực phẩm, nước uống được hấp thụ vào cơ thể một cách dễ dàng và nhanh chóng nhất, nó không gây chết người ngay mà tích tụ trong cơ thể, lâu sẽ thành bệnh. Song, biểu hiện bệnh lại rất kín vì vậy người thường xuyên uống Trà xanh C2 và Rồng đỏ chứa chì nên sớm đi làm các xét nghiệm để kiểm tra nồng độ chì trong máu ở mức nào. Bên cạnh đó, bác sĩ Ngô Hà cũng khuyến cáo NTD không nên nổ máy xe trong nhà, không tiếp xúc nhiều với các loại sơn, xăng, không dùng giấy báo để gói thức ăn... bởi chúng ít nhiều đều chứa chì.

Cho tới thời điểm này, Công ty URC chưa công bố hoặc không muốn công bố số lượng sản phẩm Trà xanh C2 và nước tăng lực Rồng đỏ bị nhiễm chì là bao nhiêu. Nhưng, theo những nguồn tin được cho là rò rỉ từ nội bộ URC thì số hàng thuộc 3 lô Trà xanh C2 và nước tăng lực Rồng đỏ trong diện thu hồi lần đầu (lô sản phẩm sản xuất vào 4/2/2016, 19/2/2016 và 10/11/2015) là 38.390 thùng, tương đương 921.360 chai, đã được phân phối ra thị trường cả nước sau khi sản xuất, hiện không còn hàng tồn kho. Theo tính toán nhanh, số sản phẩm đó chứa xấp xỉ 30 kg chì. Mỗi kg chì tương đương với 1.000.000 mcg. Chiếu theo các kết quả nghiên cứu đã được công bố, ngay cả khi chì trong máu dưới 10mcg/dl đã có thể gây thiếu máu; làm giảm chỉ số IQ của trẻ em và có nguy cơ mắc bệnh tăng động - giảm chú ý. Ở phụ nữ mang thai, chì trong máu trên 15 mcg/dl đã làm tăng nguy cơ chậm phát triển của thai; dưới 25 mcg/dl có thể rút ngắn thời gian mang thai, giảm cân nặng của trẻ sau sinh. Ngộ độc chì còn gây giảm chức năng sinh sản ở cả nam và nữ. Giảm chức năng nội tiết của tinh hoàn, giảm số lượng tinh trùng, thay đổi bất thường hình thái và tính di chuyển của tinh trùng, đặc biệt khi chì trong máu trên 40 mcg/dl. (Thông tin từ Trung tâm chống độc - Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) Như vậy, nếu thông tin trên là sự thật thì với 30 kg chì của URC đã có thể khiến 3.000.000 người bị thiếu máu hoặc đe dọa đến sức khỏe và sự an toàn của 2.000.000 thai phụ.

La Giang

Có thể bạn quan tâm