Tổng cục Hải quan: Bắt giữ hàng hoá vi phạm hơn 1.280 tỷ đồng

Trong quý I/2022, toàn ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ, tổng số 3.706 vụ việc vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính hơn 1.282 tỷ đồng. Số thu ngân sách đạt gần 70 tỷ đồng, cơ quan hải quan khởi tố 17 vụ; chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 21 vụ.
Trong 3 tháng đầu năm, Hải quan bắt giữ tổng số hàng hoá ước hơn 1.282 tỷ đồng. (Ảnh: Int)
Trong 3 tháng đầu năm, Hải quan bắt giữ tổng số hàng hoá ước hơn 1.282 tỷ đồng. (Ảnh: Int)

Theo Tổng cục Hải quan, lợi dụng nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của người dân trong dịp Tết nguyên đán tăng cao cùng với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới cùng với phương thức, thủ đoạn tinh vi khó lường như: không khai báo, khai hải quan không đúng với thực tế hàng hóa; che giấu nguồn gốc, tuyến đường của lô hàng; tang vật vi phạm được cất giấu tinh vi, giấu lẫn trong hàng hóa không vi phạm nhằm trốn tránh sự kiểm soát của các cơ quan chức năng trong và ngoài nước.

Để ngăn chặn tình trạng trên, Tổng cục Hải quan đã quyết liệt triển khai Kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại hàng giả, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới dịp Tết Nguyên đán, Kế hoạch triển khai công tác kiểm soát hải quan năm 2022. Qua đó, góp phần ngăn chặn tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, đặc biệt là mặt hàng pháo nổ đã giảm hơn so với năm trước.

Bên cạnh đó, Tổng cục hải quan đã chỉ đạo, hướng dẫn các Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố triển khai thực hiện các Nghị quyết, Kế hoạch, Chiến dịch…về chống buôn lậu, bảo vệ sở hữu trí tuệ… Đồng thời, tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại thuốc lá điếu, đường cát, xăng dầu, than. Cảnh báo việc lợi dụng loại hình vận chuyển độc lập để buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Trong quý I/2022, tình hình vận chuyển trái phép các chất ma túy từ nước ngoài qua địa bàn các Cục Hải quan tỉnh, thành phố diễn biến khá phức tạp, mang tính chất nghiêm trọng. Tội phạm ma túy trong và ngoài nước đã câu kết chặt chẽ với nhau, hình thành đường dây, tổ chức tội phạm xuyên quốc gia, hoạt động với phương thức che giấu nhân thân và ngụy trang tinh vi, thủ đoạn vận chuyển ngày càng manh động, mang tính liều lĩnh.

Lực lượng Hải quan đã phát hiện, bắt giữ nhiều vụ vận chuyển trái phép cần sa từ Mỹ, Canada và ma túy tổng hợp MDMA (thuốc lắc) với quy mô, số lượng lớn từ một số quốc gia châu Âu dưới hình thức quà biếu phi mậu dịch thông qua đường hàng không, bưu điện, chuyển phát nhanh vào Việt Nam và xuất ma túy tổng hợp methamphetamine trái phép sang Hồng Kông.

Đặc biệt, từ đầu năm 2022 đến nay, các lực lượng chức năng đã phát hiện và bắt giữ nhiều vụ vận chuyển trái phép ma túy tổng hợp methamphetamine, heroin cực lớn từ Myanmar, Lào, Campuchia xâm nhập qua các cửa khẩu đường bộ chuyển về TP. Hồ Chí Minh, sau đó tập kết xuất sang Đài Loan, Philippines bằng đường biển, đây là hiện tượng đáng báo động.

Trước tình hình đó, Tổng cục Hải quan đã tham mưu, đề xuất lãnh đạo Bộ Tài chính phân công triển khai thi hành Luật Phòng, chống ma túy 2021, đồng thời tham gia ý kiến với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy – Bộ Công an về dự thảo Nghị định quy định danh mục các chất ma túy và tiền chất.

Kết quả, trong quý I/2022, toàn ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ, tổng số 3.706 vụ việc vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính hơn 1.282 tỷ 369 triệu đồng; Số thu ngân sách đạt 69 tỷ 916 triệu đồng, Cơ quan hải quan khởi tố 17 vụ; chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 21 vụ.

Có thể bạn quan tâm