Tổng cục Thống kê: Đề xuất 6 giải pháp thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế năm 2022

Tổng cục Thống kê đề xuất 6 giải pháp nhằm khắc phục khó khăn, đồng thời chủ động khai thác các cơ hội nhằm thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.
Để ứng phó trước những khó khăn của dịch bệnh, Tổng cục Thống kê đã đề xuất 6 giải pháp thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế năm 2022. (Ảnh: Int)
Để ứng phó trước những khó khăn của dịch bệnh, Tổng cục Thống kê đã đề xuất 6 giải pháp thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế năm 2022. (Ảnh: Int)

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2022 tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, số ca mắc mới ghi nhận hằng ngày trong cộng đồng có xu hướng tăng ở nhiều địa phương, đặc biệt là tại Hà Nội. Bên cạnh đó, thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài trong tháng cũng đã gây ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây trồng và vật nuôi ở các tỉnh phía Bắc.

Trước diễn biến trên, Tổng cục Thống kê đề xuất cần tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.” Cụ thể:

Thứ nhất, tập trung ưu tiên triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Đây là yếu tố nền tảng để đảm bảo cho sự phục hồi của nền kinh tế.

Thứ hai, là đẩy mạnh phục hồi và phát triển sản xuất các ngành công nghiệp.

Theo Tổng cục Thống kê, cần theo dõi sát diễn biến thị trường xăng, dầu thế giới và trong nước; có các giải pháp bảo đảm cung cầu xăng, dầu trong nước và hạn chế mức tăng giá. Bên cạnh đó, có phương án, giải pháp cung cấp, cân đối hàng hóa thiết yếu trên thị trường trong điều kiện các nguồn cung truyền thống có thể bị suy giảm. Phát triển mạnh thị trường trong nước gắn với thúc đẩy xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tìm kiếm thị trường mới...

Thứ ba, là triển khai mạnh mẽ, hiệu quả các giải pháp phục hồi và ổn định, phát triển thị trường lao động; kết nối cung cầu, điều tiết thị trường lao động, đáp ứng đủ lao động cho các địa phương công nghiệp trọng điểm.

Hiện tại, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, số lượng F0, F1 phải cách ly nhiều nên các chuyên gia lo ngại rằng, tình trạng thiếu nhân lực có thể xảy ra.

Thứ tư, là hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp tiếp cận vốn để phục hồi sản xuất - kinh doanh, nhanh chóng triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất tín dụng 2% đối với các khoản vay thương mại trong chương trình hỗ trợ phục hồi theo Nghị quyết 11 của Chính phủ.

Bên cạnh đó, các gói vay lãi suất thấp trong thời hạn từ 3 đến 6 tháng để hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho người lao động trong giai đoạn khôi phục kinh tế cần được triển khai mạnh mẽ.

Thứ năm, là triển khai sớm lộ trình mở cửa trở lại hoạt động du lịch, bảo đảm tính tổng thể, liên thông, thống nhất, nhất quán với hoạt động giao thông - vận tải trong mọi loại hình và an toàn, khoa học, phù hợp, hiệu quả; phấn đấu mở cửa du lịch trên phạm vi toàn quốc.

Và thứ sáu, là có các giải pháp phù hợp để tiếp tục duy trì ổn định thị trường tiền tệ, thị trường ngoại hối.

Theo đó, điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Cùng với đó, Tổng cục Thống kê cho rằng, cần kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Có thể bạn quan tâm