Toyota Việt Nam tiếp tục đề xuất Chính phủ ưu đãi để duy trì sản xuất trong nước

Quy mô thị trường ô tô Việt Nam nhỏ nhưng có tiềm năng tăng trưởng tốt vì dân số đông và GDP tăng trưởng nhanh. Để phát triển ngành ô tô, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, Toyota Việt Nam muốn Chính phủ ban
Toyota Việt Nam tiếp tục đề xuất Chính phủ ưu đãi để duy trì sản xuất trong nước

Trong khi đó, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, sẽ chỉ khuyến khích đầu tư với dự án có công nghệ hiện đại.

Thất vọng về đề xuất của Toyota Việt Nam

Kéo dài tới chiều muộn ngày 25/6, Hội thảo "Thu hút và chuyển giao công nghệ trong khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài" đã trở thành diễn đàn tranh luận giữa Toyota Việt Nam với đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cùng các chuyên gia kinh tế trong nước.

Ông Shinjiro Kajikawa, Phó Giám đốc khối hoạch định chiến lược Công ty Toyota Việt Nam cho biết chi phí sản xuất xe ô tô và linh kiện trong nước đã cao hơn nhập khẩu. Ngành sản xuất ô tô phải khó khăn để cạnh tranh và tồn tại, trong bối cảnh thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ ASEAN về 0%.

"Nội địa hóa sẽ rất khó khăn. Chúng tôi đề xuất Chính phủ giữ chính sách thuế và các chính sách liên quan đến ô tô ổn định, nhằm giúp thị trường tăng trưởng bền vững. Thứ hai, về hỗ trợ sản xuất, trong ngắn hạn, cần giảm/bãi bỏ thuế nhập khẩu vật tư và linh kiện nhỏ cho các nhà cung ứng nhập khẩu. Đồng thời, ưu đãi sản xuất cho các nhà sản xuất/lắp ráp ô tô để duy trì sản xuất trong nước, khi thị trường chưa đủ lớn. Về dài hạn, hỗ trợ việc nội địa hóa cho cả nhà sản xuất ô tô và các nhà sản xuất linh kiện" – ông Shinjiro Kajikawa tóm tắt đề xuất của Toyota Việt Nam.

Sau phát biểu của đại diện Toyota Việt Nam, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong đã bày tỏ sự thất vọng trước hội thảo. Ông cho rằng, đã có sự "ngộ nhận" về lòng tốt của doanh nghiệp FDI trong vấn đề chuyển giao công nghệ.

"Toyota, một doanh nghiệp rất yêu Việt Nam, nhưng khi Chính phủ giảm thuế thì doanh nghiệp ấy lại dọa bỏ. Nghe đề nghị của họ, tôi thấy khá thất vọng. Nó cảnh báo một giai đoạn mới, khó khăn hơn, khi Việt Nam tham gia vào CPTPP (một hiệp định có sự tham gia của Nhật Bản). Việc bắt buộc doanh nghiệp nước ngoài phải chuyển giao công nghệ, gắn với ưu đãi là không còn nữa" – ông Nguyễn Minh Phong nói.

Về phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương cho rằng, Toyota cần tính tới việc phát triển phương tiện thân thiện với môi trường trong giai đoạn tới. Ô tô điện là giải pháp phù hợp với cam kết về giảm phát thải khí nhà kính tại Liên Hiệp Quốc về Biến đổi Khí hậu 2015 (COP 21 – Paris).

Phản hồi lại các ý kiến kiến liên quan, đại diện Toyota Việt Nam khẳng định, công ty có mong muốn và đã phát triển chuỗi cung ứng trong nước. Toyota cũng muốn phát triển công nghệ xe lai (Hybrid – sử dụng xăng và điện) để giảm thiểu lượng khí CO2 thải ra môi trường. Nhưng việc thiếu các điểm sạc điện là lý do khiến quyết định đầu tư cho công nghệ này tại Việt Nam là chưa phù hợp. Nhà nước cần có chính sách cụ thể, khuyến khích phát triển xe lai.

Rất khó tiếp cận công nghệ của doanh nghiệp FDI

Thực tế, trên đây chỉ là một tranh luận nhỏ, thể hiện sự chưa hài lòng của các cơ quan chức năng đối với kết quả chuyển giao công nghệ trong khu vực doanh nghiệp FDI. Sau 30 năm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, doanh nghiệp FDI đã phát triển mạnh mẽ và chiếm tới tới 72,6% tổng kim ngạch xuất khẩu. Doanh nghiệp trong nước có phát triển nhưng rất ít nhận được hỗ trợ về công nghệ từ các doanh nghiệp FDI.

"Chuyển giao công nghệ qua kênh này rất thấp. Hội của chúng tôi gồm 3.000 đơn vị, nhưng cũng không cảm nhận được công nghệ trong khu vực FDI vào doanh nghiệp chúng tôi như thế nào" – ông Hàn Mạnh Tiến, Chủ tịch Hội các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam chia sẻ.

Theo công ty cổ phần In và Bao bì Goldsun, 1 trong 3 đơn vị đang cung cấp bao bì cho Samsung tại Việt Nam, không có một sự chuyển giao công nghệ nào được thực hiện. Doanh nghiệp này đã phải tự đầu tư thiết bị từ châu Âu để sản phẩm đáp ứng được các yêu cầu của Samsung.

Nghiên cứu của Trung tâm Thông tin dự báo Kinh tế - Xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chỉ ra rằng, tỉ lệ doanh nghiệp sử dụng công nghệ hiện đại trong khoảng thời gian 5 năm gần đây chỉ là 14%. Phần lớn công nghệ được sử dụng là trong thời gian trên 10 năm.

"Có sự chuyển giao công nghệ theo chiều dọc, nhưng không từ doanh nghiệp FDI mà từ doanh nghiệp Việt Nam. Chỉ một số doanh nghiệp tiên phong mới tiếp cận được công nghệ mới. Các doanh nghiệp nhỏ hơn đi theo doanh nghiệp lớn trong nước và nhận chuyển giao" – ông Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế thế giới, Trung tâm Thông tin Dự báo KTXH quốc gia.

Đỗ trễ 5-7 năm về công nghệ là điều được ghi nhận trong những cuộc chuyển giao. Tiếp cận công nghệ mới, hiện đại của doanh nghiệp FDI là việc rất khó khăn và gần như không thể đối với doanh nghiệp trong nước.

Để khắc phục hạn chế này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang dự tính chiến lược mới trong thu hút vốn đầu tư FDI. Trước mắt, việc cần làm là tổng kết những vấn đề tồn tại trong 30 năm qua.

Đáp lời đại diện Toyota Việt Nam về kỳ vọng chính sách liên quan đến phát triển xe hybrid, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã khẳng định những điểm quan trọng trong chính sách thu hút đầu tư của Chính phủ.

"Cám ơn ý kiến của Toyota. Xe hybrid đã được phát triển ở Nhật Bản lâu rồi. Hiện nay, các nước đang tập trung vào xe điện. Tại Việt Nam, tập đoàn Vingroup đang chuẩn bị sản xuất ô tô Vinfast chạy điện, để tiếp ngay với hiện đại và giảm thiểu tác động tới môi trường… Như tôi đã nói, chiến lược thu hút đầu tư luôn khuyến khích dự án có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, sử dụng tiết kiệm năng lượng, nguyên vật liệu" – Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương nói.

Theo Trí thức trẻ

Có thể bạn quan tâm