TP. HCM sẽ "chốt" nhiều đề án đặc thù để tăng tốc

Nếu thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù mà chậm trễ thì cơ hội để TP. HCM thí điểm sẽ ngắn lại nhưng không phải vì thế mà làm vội vàng.
TP. HCM sẽ "chốt" nhiều đề án đặc thù để tăng tốc

Hôm nay 15/3, HĐND TP HCM khóa IX nhiệm kỳ 2016-2021 sẽ tổ chức phiên họp bất thường để thảo luận và thông qua một số đề án thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP của UBND TP.

"Đầu tư" con người

Đầu tiên phải kể đến đề án thí điểm chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức (CB-CC-VC) thuộc khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do TP quản lý. Dựa trên nguyên tắc "căn cứ vào hiệu quả công việc và không cào bằng", dự kiến trong ngay năm 2018, TP sẽ tăng thu nhập cho CB-CC-VC lên 0,6 lần. Đến năm 2019, mức tăng thêm này là 1,2 lần và năm 2020 là 1,8 lần.

Nguồn kinh phí thực hiện chi trả thu nhập tăng thêm lấy từ nguồn cải cách tiền lương của đơn vị từ năm trước chuyển sang, nguồn tiết kiệm 10% chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước cấp, nguồn cải cách tiền lương được trích lập từ nguồn thu được để lại hằng năm theo quy định của cấp có thẩm quyền…

Theo đề án, để được hưởng mức chi tăng thêm, CB-CC-VC phải được cơ quan có thẩm quyền đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Tuy nhiên, chính điều kiện này vấp phải ý kiến của nhiều chuyên gia bởi hiện nay, tiêu chí phân loại đánh giá CB-CC-VC rất định tính. PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Giám đốc Học viện Cán bộ TP HCM, cảnh báo "coi chừng "giàu" rồi lại mất đoàn kết". Do đó, theo ông Ngân, phải đánh giá CB-CC-VC làm sao để công bằng. Để làm được điều này cần có thêm đề án đánh giá CB-CC kèm theo đề án này.

Một đề án khác cũng hướng đến đầu tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho TP là thu hút chuyên gia, nhà khoa học và lao động sáng tạo trẻ về công tác ở các sở, ban, ngành, các khu công nghệ cao của TP giai đoạn 2018-2022. Ngay khi được tuyển chọn, người tài được trợ cấp từ 80-100 triệu đồng. Họ được hưởng mức thu nhập theo bảng lương chuyên gia cao cấp. TP cũng có chính sách khuyến khích nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, bố trí nhà ở công vụ; hỗ trợ 50% thuế thu nhập cá nhân... Với đề án này, vấn đề làm sao áp dụng chính sách lương cao, nhiều đãi ngộ sao cho công bằng nhận được nhiều ý kiến phản biện.

Cụ thể, GS-TS Nguyễn Ngọc Giao, Chủ tịch Liên hiệp Các hội Khoa học Kỹ thuật TP HCM, cho rằng không nên phân biệt nhà khoa học trong nước và ngoài nước mà cần có chính sách lương bổng như nhau, chỉ nên khác là hỗ trợ cho nhà khoa học nước ngoài về ăn ở, đi lại. Còn Chủ tịch Hội Luật gia TP Võ Thị Kim Hồng đặt vấn đề: "CB-CC-VC đang làm việc trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập không thuộc đối tượng đề án nhưng "lỡ" họ cũng có nhiều công trình nghiên cứu, sáng tạo hiệu quả, đủ tiêu chuẩn theo đề án thì tính sao. Nếu họ không được chế độ đãi ngộ tương xứng thì tài năng sẽ bị thui chột".

Nói rõ thêm, GS-TS Chu Phạm Ngọc Sơn lưu ý một trong những mục tiêu của đề án là thu hút đội ngũ lao động sáng tạo trẻ về làm tại các đơn vị, cơ quan nhà nước thì họ sẽ làm chung với CB-CC đương nhiệm. Làm cùng nhau, cùng một công việc mà lương chênh lệch thì chưa chắc tốt, nhiều khi còn bị phá.

Tăng phí đậu xe, môi trường

Hai đề án điều chỉnh tăng mức thu phí sẽ được UBND TP trình HĐND TP trong kỳ họp lần này là sử dụng tạm thời lòng đường để đỗ ô tô và bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp trên địa bàn TP. Theo đó, phí tạm dừng đậu ô tô trên lòng đường được tính cao nhất 40.000 đồng/giờ, trong khi hiện tại là 5.000 đồng/lượt.

Mức phí cũng tính tăng lũy tiến theo giờ chứ không theo lượt như hiện nay và áp dụng cho 2 nhóm là ô tô đến 9 chỗ; xe tải dưới 1,5 tấn và ô tô từ 10 chỗ; xe tải trên 1,5 tấn đến dưới 2,5 tấn. Nếu đề án được thông qua, tính riêng 35 tuyến đường được phép đậu xe, dự kiến mỗi tháng thu về 31 tỉ đồng. UBND TP cho rằng mức phí hiện nay quá lạc hậu nên cần phải tăng lên. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng việc đề xuất tăng phí lên gấp 10 lần là quá đột ngột.

Đối với phí bảo vệ môi trường, TP hiện có gần 2.790 cơ sở sản xuất đang nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải với tổng lưu lượng gần 143.500 m3/ngày đêm. TP muốn tăng phí với nhóm này. Ngoài ra, UBND TP đề xuất bổ sung 2 đối tượng vào danh sách thu phí nước thải công nghiệp là cơ sở y tế, bệnh viện, phòng khám chữa bệnh; cơ sở xử lý chất rắn, bãi chôn lấp rác thải. Sau khi tăng, TP có thể thu được 60 tỉ đồng mỗi năm so với 8 tỉ đồng như trước đây.

Nhanh nhưng phải chặt chẽ

Ngay trong ngày 13-3, các ban của HĐND TP đã tiến hành thẩm tra những đề án trên của UBND TP. Phó trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Cao Thanh Bình nhìn nhận UBND TP rất nỗ lực trong việc chuẩn bị các tờ trình, đặc biệt là các đề án thực hiện Nghị quyết 54.

Tuy nhiên, ông Bình cũng đánh giá về mục đích, ý nghĩa trong các đề án chưa được nêu sâu. Cụ thể như đề án chi thu nhập tăng thêm cho CB-CC-VC mới nói năng suất lao động của TP gấp 2,7 lần cả nước, trong đó CB-CC-VC cao gấp 1,5 lần. Từ đó cần phải tăng nhưng không nói khi tăng thì hiệu suất lao động, tinh giản biên chế và sắp xếp lại bộ máy gọn nhẹ và hiệu quả ra sao thì tờ trình chưa đề cập sâu.

Theo ông Bình, vấn đề này cần nói rõ thêm để khi triển khai tạo động lực cho CB-CC-VC cũng như tính hiệu quả của đề án. Một điểm khác ông Bình cũng lưu ý đối với đề án này là làm sao đánh giá đúng cán bộ. Việc đánh giá này nên theo quý và chi thu nhập tăng thêm theo quý chứ theo năm không tạo được động lực. TP muốn tạo điều kiện cho cán bộ có nguồn thu nhập để an tâm công tác và cải thiện đời sống thì nên chi tăng theo quý.

Với đề án thu hút nhân tài, phó trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP cho rằng còn nhiều điều cần làm rõ. Nếu tính không xong khó bảo đảm công bằng cho đối tượng thụ hưởng.

Đối với phí bảo vệ môi trường, ông Bình lưu ý cần làm rõ quản lý nguồn thu, hình thức thu, sử dụng nguồn phí. Về phí đậu xe trên lòng đường, qua khảo sát các quận - huyện còn một số ý kiến đề nghị điều chỉnh tuyến đường được phép đậu. Do đó cần nghiên cứu lại. Bởi chính quận - huyện là đơn vị sát thực tế sẽ thấy được tình trạng kẹt xe, giao thông của địa bàn. Bên cạnh đó, đề án cũng chưa làm rõ tiêu chí nào để căn cứ phân loại khu vực 1, khu vực 2.

Trong quá trình phát sinh những tuyến đường thì tính vào khu vực 2 cũng chưa phù hợp. Ngoài ra, năng suất khai thác lòng đường 60% là không có cơ sở, nếu không tính rõ thì nguồn ngân sách sẽ thất thu. Theo ông Bình, thực hiện đấu thầu sẽ đem lại hiệu quả rất lớn mà bộ máy không phải cồng kềnh.

"Nếu thực hiện Nghị quyết 54 mà chậm trễ thì cơ hội để TP thí điểm sẽ ngắn lại. Khi đánh giá hiệu quả cũng không đủ dữ liệu, lúc đó khó thực hiện quyền tự chủ, tự quyết của TP" - ông Bình bày tỏ.

Ông Cao Thanh Bình cho hay nếu kỳ họp bất thường sắp tới thông qua được thì tốt nhưng nếu chưa thông qua thì những gì còn lưu ý các sở - ngành phải thận trọng khi tổ chức triển khai. Việc tổ chức thực hiện cũng phải hết sức chặt chẽ. 

Tại kỳ họp lần này, UBND TP HCM cũng sẽ trình tờ trình chủ trương thực hiện đầu tư 9 dự án đầu tư công nhóm A, tổng vốn là hơn 13.900 tỉ đồng. Trong đó, nhiều nhất là các dự án xây dựng bệnh viện. Cụ thể là xây dựng mới bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức, Củ Chi, Hóc Môn. 

Họp chuyên đề về cải cách hành chính

UBND TP đã có bước chuẩn bị để kỳ họp HĐND lần này ra Nghị quyết về giám sát cải cách hành chính "Nâng cao sự hài lòng của người dân và tổ chức về dịch vụ hành chính công", nhằm phát huy vai trò của HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ trong giám sát, phản biện hoạt động cải cách hành chính.

Theo UBND TP, tỉ lệ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với việc giải quyết thủ tục hành chính năm 2017 đạt trên 80%; tỉ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn đối với tổng số thủ tục hành chính được giải quyết đạt trên 95%. Cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức viên chức là những nội dung có tính chất quyết định đến kết quả đánh giá, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp dành cho cơ quan nhà nước.

Theo Phan ANh/NLD

Có thể bạn quan tâm