TP.HCM: "Mỏi mắt" tìm nhà ở bình dân

Tình trạng thiếu nguồn cung và lệch pha giữa các phân khúc bất động sản tại TP.HCM vẫn chưa thể cải thiện, thậm chí mấy năm gần đây, phân khúc nhà ở bình dân, hợp túi tiền không xuất hiện trên thị trường.
Nhà ở bình dân không còn thấy xuất hiện trên thị trường. (Ảnh: Int)
Nhà ở bình dân không còn thấy xuất hiện trên thị trường. (Ảnh: Int)

Phát biểu tại hội thảo "Phát triển bền vững thị trường bất động sản trong bối cảnh mới", ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, trước việc nguồn cung khan hiếm như hiện nay, chính quyền TP.HCM đang nỗ lực tháo gỡ ách tắc về pháp lý cho nhiều dự án nhưng thị trường luôn có độ trễ.

Bởi theo quy trình, một dự án từ án từ thời điểm nhận quyết định chủ trương đầu tư đến khi triển khai bán hàng mất vài năm nên nguồn cung trên thị trường không thể được cải thiện ngay.

Hiện, thị trường bất động sản những năm vừa qua thiếu nguồn cung, nguyên nhân là do cung cầu lệch pha, thừa nhà ở cao cấp nhưng thiếu nhà ở bình dân và trung cấp. Ông Châu nhận xét, nhà ở vừa túi tiền không còn tồn tại ở TP.HCM. Dẫn số liệu từ Sở Xây dựng TP.HCM năm vừa qua, Chủ tịch HoREA cho biết, không có bất kỳ sản phẩm căn hộ phân khúc bình dân nào được đưa ra thị trường. Tỷ lệ này trong năm 2020 là 1%.

Theo ông Châu, trong năm qua, các dự án trung cấp tại TP.HCM cũng được chủ đầu tư đẩy lên mức giá cao cấp khiến thị trường không còn sản phẩm căn hộ vừa túi tiền phù hợp với đông đảo người dân có nhu cầu.

Với riêng phân khúc nhà ở xã hội, ông Châu chỉ ra các chính sách không xuất phát từ cuộc sống nên có nhiều bất cập. Đơn cử như với quy định cũ, dự án có 10 ha trở lên phải bố trí 20% quỹ đất cho nhà ở xã hội nhưng trong thực tế nhiều dự án tại TP.HCM diện tích hàng chục ha không hề có căn nhà xã hội nào. 

Trong khi đó, quy định mới yêu cầu dự án có diện tích từ 2 ha trở lên đã phải dành 20% diện tích đất cho nhà ở xã hội lại càng bất khả thi. Ông lấy ví dụ nếu một dự án thương mại dành 4.000 m2 xây nhà ở xã hội nhưng giá bán lên tới 35-40 triệu đồng/m2 thì người thuộc nhóm được mua nhà ở xã hội cũng không kham nổi. Thêm vào đó, họ cũng khó có khả năng chi trả cho các dịch vụ nội khu thuộc tổng thể dự án nhà thương mại cao cấp.

Hiện chính sách mới nhất lại càng làm khó doanh nghiệp khi chỉ cho phép Ngân hàng Chính sách Xã hội cho vay với nhà ở xã hội, không để các ngân hàng thương mại tham gia. Trong khi đó, Ngân hàng Chính sách Xã hội không chuyên về cho vay bất động sản nên doanh nghiệp rất khó làm việc.

Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), cũng thừa nhận thị trường đang lệch pha cung cầu rất lớn giữa các phân khúc. Nguồn cung nhà cao cấp rất lớn trong khi đa số người lao động khó tiếp cận nhà giá thấp. 

Ông Khởi nhấn mạnh nếu thu được tiền cho ngân sách từ lĩnh vực bất động sản nhưng lại không đảm bảo được vấn đề an sinh, nhà ở cho người dân, đây cũng không phải là chủ trương Nhà nước mong muốn. Bộ Xây dựng là cơ quan đang được Chính phủ giao chủ trì nghiên cứu hoàn thiện các chính sách pháp luật về nhà ở, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc phát triển nhà ở xã hội, nhà cho công nhân.

Tại Hội nghị Tổng kết thực hiện nhiệm vụ năm 2021 và xác định phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 của ngành Xây dựng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đề nghị các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp trực thuộc Bộ và các Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch - Kiến trúc các địa phương quan tâm tập trung chỉ đạo thực hiện nhiều nhiệm vụ và giải pháp.

Trong đó, đẩy mạnh công tác quản lý phát triển nhà ở, thị trường bất động sản; nhất là tập trung phát triển nhà ở xã hội, nhà cho phân khúc thu nhập thấp, thu nhập trung bình. Thực hiện cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, tăng cường quản lý đảm bảo thị trường bất động sản phát triển ổn định, bền vững.

Có thể bạn quan tâm