TP.HCM xin chuyển đổi 384,2 ha đất nông nghiệp để phát triển đô thị

UBND TP.HCM vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh cục bộ khu đất 384,2ha tại xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn để phát triển đô thị.
TP.HCM xin chuyển đổi 384,2 ha đất nông nghiệp để phát triển đô thị

Cụ thể, UBND TP.HCM trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch chung xây dựng thành phố đến năm 2025 tại vị trí khu đất 384,2ha từ chức năng đất dự trữ phát triển, cây xanh, thể dục thể thao thành chức năng dịch vụ đô thị kết hợp khu đô thị sinh thái bao gồm: Chức năng thể dục thể thao - công viên cây xanh tập trung cấp đô thị; chức năng dịch vụ đô thị hỗ trợ khu công nghiệp ứng dụng công nghệ cao và doanh nghiệp khởi nghiệp; chức năng khu đô thị sinh thái phục vụ nhu cầu về nhà ở cho chuyên gia, công nhân kỹ thuật cao làm việc tại khu công nghiệp 380ha kế cận và nhu cầu về nhà ở cho người dân TP.HCM.

Theo UBND TP.HCM lý do điều chỉnh quy hoạch là do khu đất này bị nhiễm phèn, việc phát triển nông nghiệp không đảm bảo hiệu quả kinh tế. Hơn nữa, thành phố đang có chủ trương chuyển đổi quỹ đất sản xuất nông nghiệp không hiệu quả sang quỹ đất công nghiệp và dịch vụ đô thị để tăng hiệu quả sử dụng đất, tạo nguồn lực phát triển đô thị.

Bên cạnh đó, khu đất 384,3ha còn tiếp giáp với các trục giao thông chính cấp đô thị, thuận lợi để phát triển các chức năng dịch vụ đô thị khai thác quỹ đất dọc tuyến.

Đồng thời, việc chuyển đổi chức năng khu đất cũng nhằm khai thác quỹ đất, tăng hiệu quả sử dụng đất và thu hút đầu tư phát triển đô thị là phù hợp với hiện trạng sử dụng đất và chủ trương chuyển đổi quỹ đất nông nghiệp dự trữ sang quỹ đất công nghiệp và dịch vụ đô thị; khai thác quỹ đất dọc theo tuyến vành đai để tăng hiệu quả sử dụng đất, tạo nguồn lực phát triển đô thị, phù hợp Luật Quy hoạch đô thị.

Ngoài ra, theo định hướng quy hoạch chung của TP.HCM tại khu vực Tây - Bắc sẽ hình thành một trung tâm đô thị mới (diện tích khoảng 6.000ha) và đang được thành phố tổ chức đầu tư phát triển theo quy hoạch để tạo động lực phát triển đô thị cho khu vực này.

Đặc biệt, việc hình thành khu đô thị mới hoàn chỉnh nhằm kéo dãn dân từ khu vực nội thành, giảm áp lực hạ tầng và giao thông cho khu vực nội thành hiện hữu; phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM trong giai đoạn hiện nay và sau năm 2025.

Có thể bạn quan tâm