Trả giá vì chậm chuẩn bị cho “cuộc chơi” AEC

Gần một năm trước đây, Việt Nam đã rất hứng khởi với việc gia nhập sân chơi chung là Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), với cơ hội và thách thức đan xen.
Trả giá vì chậm chuẩn bị cho “cuộc chơi” AEC

Nhưng dường như chúng ta chưa tận dụng được cơ hội, trong khi bắt đầu phải “trả giá” vì chậm chuẩn bị cho cuộc chơi lớn này. Có một phần rất nhỏ trong bản báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng đầu năm mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình lên Chính phủ trong phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 10 vừa qua.

Trong khi hàng loạt vấn đề nổi cộm của nền kinh tế, như tăng trưởng kinh tế khó đạt mục tiêu đề ra, chỉ số giá tiêu dùngtăng cao trở lại, nợ xấu chưa được xử lý dứt điểm, nợ công đang tăng nhanh… đang trở thành tâm điểm của dư luận, thì cái “phần nhỏ” ấy có lẽ chưa thực sự nhận được sự quan tâm của nhiều người.

Tuy nhiên, các con số trong phần nhỏ này thực sự rất đáng lưu tâm. Đó là, 10 tháng đầu năm 2016, trong khi ước xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc tăng 23,9%, vào thị trường Mỹ tăng 15%, vào thị trường EU tăng 7,4%..., thì xuất khẩu sang thị trường ASEAN lại giảm tới 7,4% so với cùng kỳ.

Thậm chí, phân tích cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, 10 tháng qua, Việt Nam chỉ đạt tăng trưởng xuất khẩu dương với 3 thị trường ASEAN, đó là Myanmar (tăng 21,1%), Philippines (tăng 13,8%) và sang Thái Lan (tăng 11,6%), trong khi xuất khẩu giảm với 6 thị trường còn lại.

“Nguyên nhân khiến kim ngạch xuất khẩu sang thị trường ASEAN giảm sút trong thời gian gần đây là do tính tương đồng trong cơ cấu hàng xuất khẩu và những rào cản phi thương mại khiến các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam gặp khó khăn khi tìm chỗ đứng tại thị trường này.

Bên cạnh đó, nếu so với các sản phẩm cùng loại của Thái Lan hay Singapore, nhiều sản phẩm của Việt Nam vẫn chưa cạnh tranh được về giá và sự đa dạng chủng loại hàng hóa”, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.

Cũng cần phải nhắc lại rằng, một năm trước, khi AEC chuẩn bị được hình thành, Việt Nam đã rất hứng khởi với việc gia nhập sân chơi chung này. Thậm chí, rất nhiều quan điểm cho rằng, Việt Nam sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ AEC, ít nhất là trên khía cạnh thúc đẩy giao thương.

Lý do rất đơn giản, ASEAN là một trong các đối tác thương mại quan trọng hàng đầu và động lực quan trọng giúp nền kinh tế Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng và xuất khẩu trong nhiều năm qua.

Các nước thành viên ASEAN hiện là đối tác đứng thứ ba cung cấp hàng hóa cho Việt Nam (chỉ sau Trung Quốc và Hàn Quốc) và là thị trường xuất khẩu lớn thứ tư của Việt Nam (sau Hoa Kỳ, EU và Trung Quốc).

Tất nhiên, kèm theo cơ hội cũng là những thách thức cạnh tranh với các đối thủ trong khu vực, nếu như cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam chưa có sự chuẩn bị sẵn sàng.

Thực tế, diễn biến xem ra đang đi theo chiều hướng ngược lại. Không những chưa tận dụng được cơ hội từ AEC, mà chúng ta đã bắt đầu phải “trả giá” vì chậm chuẩn bị cho cuộc chơi lớn này.

Sự sụt giảm trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào ASEAN ít nhiều cho thấy điều đó, và đây thực sự là điều cần cảnh báo. Ba tháng trước, khi công bố báo cáo về tình hình kinh tế vĩ mô quý II/2016, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã dành một phần đáng kể trong báo cáo này đề cập việc xử lý những thách thức từ việc tham gia AEC.

Và một cách thẳng thắn, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM đã nhấn mạnh việc các cơ quan quản lý và doanh nghiệp còn chưa nhận thức đầy đủ, chưa lưu tâm đúng mức về những áp lực cạnh tranh trong hội nhập AEC. “Quá nhiều lưu tâm dành cho TPP và FTA với EU, trong khi các hiệp định này đang chờ phê chuẩn, còn AEC thì đã đi vào triển khai ngày một sâu rộng hơn”, ông Cung nhận định. Thực tế từ bản báo cáo của CIEM cho thấy, sự cạnh tranh đan xen trong - ngoài ASEAN hiện khá mạnh mẽ và phức tạp. Cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam và ASEAN có độ tương đồng rất cao. Do vậy, nếu doanh nghiệp Việt Nam không sớm cải thiện năng lực cạnh tranh, thì không chỉ thua trên sân chơi chung ASEAN, mà còn ở cả “sân nhà”.

“Doanh nghiệp Việt Nam mới quan tâm đến nâng cao khả năng cạnh tranh ở khía cạnh giá và chất lượng hàng hóa. Trong khi đó, việc tham gia chuỗi giá trị và cung ứng ở khu vực đòi hỏi phải nâng cao khả năng cạnh tranh ở ít nhất 3 khía cạnh nữa, bao gồm: sản xuất quy mô lớn, giao hàng đúng thời điểm, tiếp cận được kênh phân phối phù hợp. Hơn nữa, bản thân doanh nghiệp Việt Nam còn nhận thức chưa đầy đủ về tận dụng ưu đãi trong khuôn khổ ASEAN”, ông Cung nói. Và thêm một lần nữa nhấn mạnh việc ngay cả trên phương diện cạnh tranh về giá cả và chất lượng, thì doanh nghiệp Việt Nam cũng chưa thực sự cạnh tranh so với các doanh nghiệp ở các quốc gia khác như Indonesia, Malaysia hay Thái Lan…

Đó chính là lý do vì sao, xuất khẩu sang ASEAN giảm, còn nhập khẩu thì vẫn tăng nhanh. “Hàng hóa Thái Lan, đặc biệt là hàng tiêu dùng, mỹ phẩm, đồ trang trí nội thất và rau củ quả có mặt ở hầu hết các hệ thống phân phối của Việt Nam, cạnh tranh vượt trội so với các sản phẩm cùng loại của doanh nghiệp Việt Nam”, ông Cung cho biết.

Chia sẻ vấn đề này, GS-TSKH Nguyễn Mại lo lắng: “Ngay khi AEC hình thành, hàng Thái Lan đã tràn vào mạnh mẽ. Có cảm giác như trước đó, họ đã chờ sẵn ở ‘cửa biên giới’.

Trong khi đó, Việt Nam vẫn loay hoay bàn xem cơ hội thế nào, thách thức ra sao mà không thực sự bắt tay ứng phó”, ông Nguyễn Mại nói. Dù mới chỉ là bắt đầu, nhưng rõ ràng, nếu không muốn phải trả giá thêm nữa, thì không chỉ doanh nghiệp, mà cả các cơ quan quản lý cũng phải quan tâm nhiều hơn nữa tới AEC.

Theo Đầu tư

Có thể bạn quan tâm