Tranh chấp tại Coteccons: Cổ đông lớn nói gì trước nghi vấn của ban lãnh đạo

Theo ông Bolat Duisenow, CEO Kusto Việt Nam, cổ đông ghi nhận những đóng góp của ban điều hành Coteccons trong việc xây dựng doanh nghiệp nhưng họ không phải là Coteccons và càng không đứng trên Coteccons.
Tranh chấp tại Coteccons: Cổ đông lớn nói gì trước nghi vấn của ban lãnh đạo

Xung đột ở Coteccons sẽ là một trường hợp kinh điển trên thị trường chứng khoán bởi tính phức tạp của diễn biến và là một bài học kinh nghiệm trong quan hệ với cổ đông cho các doanh nghiệp Việt trên chặng đường phát triển.

Tại các thông cáo báo chí được phát đi các ngày trước đó, ban lãnh đạo đã nêu ra quan điểm: Kusto chiếm 18,23% tỷ lệ có quyền biểu quyết; Thành Công chiếm 14,67% tỷ lệ có quyền biểu quyết; The 8th chiếm 10,82% tỷ lệ có quyền biểu quyết; Ma Dao Trading Pte.Ltd chiếm 2,15% tỷ lệ có quyền biểu quyết, cùng một số cổ đông cá nhân khác…

Có hay không mối liên hệ giữa các chủ thể trên trong việc cấu kết với nhau, tìm mọi cách bãi miễn những người sáng lập Coteccons nhằm hoàn tất quá trình thâu tóm công ty? Có hay không việc nhóm cổ đông này vi phạm pháp luật về chào mua công khai và công bố thông tin để sở hữu trái phép cổ phiếu CTD?...

Tuy nhiên, tại buổi xuất hiện trên truyền thông mới đây, đại diện Kusto là Tổng giám đốc Kusto Việt Nam ông Bolat Duisenov cho biết,  Kusto và The 8th không liên quan với nhau cho dù xét từ bất kỳ góc độ nào và là những thực thể độc lập và được kiểm soát bởi các nhà quản lý chuyên nghiệp độc lập.

Hai bên chỉ có điểm chung là lo ngại về vấn đề quản trị doanh nghiệp tại Coteccons, gồm: các lãnh đạo cấp cao của Coteccons quyết định chọn công ty nào đấu thầu cho dự án nào khi họ đồng thời quản lý cả hai công ty cạnh tranh trực tiếp với nhau?các lãnh đạo cấp cao của Coteccons và Ricons quyết định phân bổ lợi nhuận cho từng bên như thế nào trong các hợp đồng giữa hai bên?

Cũng theo ông Bolat Duisenov, trong 3 năm qua đại diện nhóm cổ đông đã nhiều lần trao đổi nội bộ với Chủ tịch HĐQT Nguyễn Bá Dương và HĐQT về việc làm rõ những nghi vấn của Kusto về những xung đột lợi ích của một số thành viên HĐQT và Ban điều hành cũng như yêu cầu họ phải tập trung cho sự phát triển của công ty.

“Tuy nhiên, chưa bao giờ những thắc mắc và yêu cầu của chúng tôi được giải đáp, thậm chí các yêu cầu kiểm toán đặc biệt còn khô nhận được sự hợp tác của ban lãnh đạo”, ông Bolat Duisenov cho biết.

Ông Bolat cũng nhấn mạnh việc cần phân biệt rõ ràng giữa Coteccons là một công ty thuộc sở hữu của cổ đông và ban điều hành là những người được cổ đông tin tưởng giao trọng trách quản lý doanh nghiệp.

Ban điều hành Cotecconscũng không thể nhân danh gần 2.000 cán bộ công nhân viên và 30.000 người lao động tại Coteccons cũng như thành công của Coteccons để chối bỏ trách nhiệm pháp lý của mình. Cổ đông không có mâu thuẫn với Coteccons mà là với ban lãnh đạo của Coteccons.

Bởi bên cạnh việc ghi nhận những đóng góp của họ thì động thái mở các công ty trong “Coteccons Group” của ban lãnh đạo và người thân có thể coi là rút ruột chính doanh nghiệp mà họ đã góp phần xây dựng  và phát triển.

“Chúng tôi luôn sẵn sàng trao đổi với Ban điều hành hiện tại để tìm phương án chuyển giao nhiệm vụ quản lý một cách ổn thỏa, tuy nhiên họ cần có những hành động cụ thể để xúc tiến việc này. Cho tới bây giờ, chưa có một cuộc họp HĐQT nào được tổ chức để giải quyết khủng hoảng hiện tại của Coteccons”, ông Bolat cho biết.

Hiện, Coteccons đã chính thức công bố kế hoạch sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên vào ngày 30/6/2020. Bên cạnh tờ trình về chỉ tiêu kinh doanh, Coteccons không trình kế hoạch ĐHĐCĐ bất thường và bãi nhiệm ông Nguyễn Bá Dương và Tổng Giám đốc Nguyễn Sỹ Công theo như yêu cầu từ nhóm cổ đông ngoại.

Có thể bạn quan tâm