Trước giờ IPO của VEAM, các khoản dự phòng biến mất, dự báo nguồn thu tài chính giảm mạnh

Trong báo cáo tài chính năm 2015 của công ty mẹ - VEAM, có rất nhiều khoản dự phòng liên quan đến nợ khó đòi, phải thu ngắn hạn, đầu tư dài hạn đã "biến mất".
Trước giờ IPO của VEAM, các khoản dự phòng biến mất, dự báo nguồn thu tài chính giảm mạnh

Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) sẽ tiến hành bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) 12,57% vốn điều lệ của VEAM, tương đương 167.074.900 cổ phần vào ngày 29/09/2016. Nếu IPO thành công, vốn điều lệ của VEAM sẽ lên tới 13.288 tỷ đồng. Trong tài liệu công bố của VEAM trước khi tiến hành IPO là khoản doanh thu từ hoạt động tài chính lên tới 3.444 tỷ đồng.

Trong đó, cổ tức được chia từ liên doanh Honda Việt Nam (VEAM sở hữu 30%) là 22676 tỷ đồng và cổ tức từ liên doanh Toyota Việt nam (VEAM sở hữu 20%) là 678 tỷ đồng. Trong năm 2015, VEAM đã đánh giá lại tài sản và ghi tăng thêm 6.682 tỷ đồng, và vốn chủ sở hữu tăng tới 7.520 tỷ đồng. Phần lớn tài sản được đánh giá lại này lại chính là 2 khoản đầu tư vào Honda Việt Nam và Toyota Việt Nam. Cụ thể, sau khi đánh giá lại tài sản tại các liên doanh.

  Cuối năm 2014 Cuối năm 2015 Tổng tăng lên
Liên doanh Honda Việt Nam 252 tỷ đồng 5.120 tỷ đồng 4.868 tỷ đồng
Liên doanh Toyota Việt Nam 108 tỷ đồng 819 tỷ đồng 711 tỷ đồng

Tổng tài sản tăng lên, nhưng một điều khá bất ngờ là hàng loạt khoản dự phòng của VEAM đã “biến mất” trong năm 2015. Cụ thể, theo báo cáo tài chính 2015 của Công ty mẹ - VEAM thì các khoản phải thu ngắn hạn khó đòi đã giảm từ mức 228,3 tỷ đồng trong năm 2014 xuống chỉ còn 17,6 tỷ đồng trong năm 2015.

Tiêu biểu có thể kể đến như: Công ty Mekong với 32,1 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV Động cơ và Máy nông nghiệp miền Nam với 28,2 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Matexim Hải Phòng với 80 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Vận tải và Thương mại VEAM với 39,6 tỷ đồng… Nếu chiếu theo điều 5 Nghị định 89/2013/NĐ-CP về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2011/NĐ-CP của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần thì VEAM có thể phải "xử lý" các khoản phải thu khó đòi trước khi cổ phần hoá. Cách thông thường để xử lý các khoản nợ khó đòi này là hạch toán vào chi phí.

Nếu hạch toán chi phí thì sẽ ảnh hưởng đến vốn chủ sở hữu 100% Nhà nước giảm, gây ảnh hưởng đến phương án cổ phần hóa. Để giiảm thiểu ảnh hưởng xấu, có khả năng VEAM thỏa thuận với Công ty Mua bán nợ Việt Nam về các khoản phải thu khó đòi này. Tình trạng tương tự cũng xảy ra đối với các khoản dự phòng đầu tư tài chính dài hạn khi tổng dự phòng đầu tư tài chính dài hạn của Công ty mẹ - VEAM đã giảm từ mức 127,9 tỷ đồng trong năm 2014 xuống còn 15,6 tỷ đồng trong năm 2015.

Đáng kể nhất là việc “xóa” khoản dự phòng 45,6 tỷ đồng khi VEAM đầu tư vào Công ty TNHH Máy kéo và Máy nông nghiệp. Xoá toàn bộ khoản dự phòng đầu tự trị giá 39,6 tỷ đồng vào công ty Liên doanh Mekong, như một khoản dự phòng "mất trắng". Theo tài liệu công bố, VEAM dự báo doanh thu tài chính theo các năm có xu hướng giảm dần:

Năm 2016 Năm 2017 Năm 2018 Năm 2019
3.700 tỷ đồng 3.200 tỷ đồng 2.500 tỷ đồng 2.600 tỷ đồn

VEAM lại không kỳ vọng vào kết quả kinh doanh của các công ty liên doanh Honda Việt Nam và Toyota Việt Nam, Ford Việt Nam trong tương lai.

Theo báo cáo tài chính của VEAM năm 2015, doanh thu tài chính của VEAM chủ yếu đến từ cổ tức được chia từ Liên doanh Toyota Việt Nam và Liên doanh Honda Việt Nam. Và theo dự báo nguồn thu tài chính như vậy, có thể nói, VEAM không kỳ vọng nhiều, thậm chi có chút bi quan về kết quả kinh doanh của Honda Việt Nam và Toyota Việt Nam trong những năm tới đây.

Nhất Dương

Có thể bạn quan tâm