Trường Đại học công nghệ Giao thông vận tải gây lãng phí?

Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải lãng phí trong xây dựng cơ bản, đầu tư công, thay thế sửa chữa một số hạng mục trong trường vẫn còn hạn sử dụng được.

Đây là những nội dung trong đơn thư bạn đọc gửi tới Thương Gia phản ánh việc trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải có dấu vi phạm Luật Đầu tư công và gây lãng phí.

Gần đây, nhiều giáo viên, cán bộ, sinh viên của trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải (Hà Nội) vô cùng bức xúc vì 4 sân trường có diện tích 2.060 m2, được xây dựng bằng gạch terrazzo và gạch block chịu lực chất lượng cao, màu sắc đẹp, trải qua thời gian khai thác và bảo dưỡng tốt nên đã rất ổn định cả về chất lượng và mỹ quan, và có thể còn khai thác tốt được vài chục năm nữa. Tuy nhiên, không hiểu lý do vì sao ban lãnh đạo nhà trường bỗng dưng ký duyệt phương án sửa chữa, thay thế hoàn toàn bằng sân nhựa đường.

Điều đáng nói là, theo các giảng viên có chuyên môn trong trường, khuôn viên trường nằm trong khu vực trũng, thoát nước chậm. Sử dụng kết cấu mặt đường lát gạch nhằm mục tiêu hỗ trợ một phần thoát nước mặt để giảm bớt ngập úng khi mưa. Nước thấm xuống đất với diện tích hơn 2.000 m2 đó có tác dụng làm mát đất, giảm nóng nực về mùa nóng.

Sân lát gạch đã được thay thế bằng sân trải nhựa đường trong khuôn viên của trường.
Sân lát gạch đã được thay thế bằng sân trải nhựa đường trong khuôn viên của trường.

Theo phản ánh của nhiều cán bô, giảng viên, nhân viên trong trường, trong khi sân lát gạch vẫn còn sử dụng được nhưng lãnh đạo nhà trường cho thay thế bằng trải nhựa đường không phù hợp với mỹ quan.

Trong khi đó, tuổi thọ của mặt sân nhựa đường lại chỉ khoảng 5 năm. Việc đào bỏ mặt sân lát để thay bằng sân nhựa đường đen, kín sẽ không thoát được nước, cực kỳ nóng nực về mùa hè.

Không chỉ dừng lại đó, cũng tại đoạn đường từ cổng số 2 thuộc trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải mới được Nhà nước đầu tư bằng ngân sách để xây dựng bằng bê tông năm 2019, nay lại được làm chồng lên lớp mới.

Trao đổi với phóng viên, Luật sư Trương Đức Tín, Đoàn luật sư Hà Nội đánh giá: Tài sản công thuộc sở hữu của nhà nước, tập thể, nói rộng ra là thuộc sở hữu của toàn dân. Việc giữ gìn, bảo quản tài sản công phải tuân thủ những quy định chặt chẽ của pháp luật. Tuy vậy, thực tế hiện nay cho thấy, việc lãng phí, thất thoát trong việc sử dụng tài sản nhà nước vẫn có nơi đang diễn ra. 

Ngoài vấn đề gây lãng phí trong xây dựng cơ bản, Ban lãnh đạo trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải cũng chưa thực sự có kinh nghiệm trong việc chọn nhà thầu để thực hiện các hạng mục công trình. 

Đối với gói thầu sân cổng, mặc dù đã đấu thầu và chọn được nhà thầu vào tháng 8/2021, nhà thầu đã ký hợp đồng, nhưng sau đó lại hủy hợp đồng. Lý do gì xảy ra trường hợp gần như rất ít có tiền lệ như thế này ở Việt Nam?

Liên quan đến vấn đề này, theo một chuyên gia đấu thầu, một số chủ đầu tư không kiểm tra, rà soát tính hợp pháp của các tài liệu liên quan đến chứng minh tài chính, đặc biệt đáp ứng được năng lực, thiết bị máy móc đảm bảo thực hiện gói thầu, là do khâu đánh giá Hồ sơ dự thầu (HSDT) chưa chặt chẽ, làm chưa hết trách nhiệm.

Cùng với đó, khi có dấu hiệu bất thường trong HSDT, bên mời thầu cần xác minh cẩn trọng để tránh tình trạng nhà thầu không đủ năng lực.

Có thể bạn quan tâm