TS Nguyễn Trí Hiếu: Hãy thận trọng khi thị trường chứng khoán khởi sắc

Đây là cảnh báo của chuyên gia tài chính-TS Nguyễn Trí Hiếu cho giới đầu tư chứng khoán được chia sẻ tại hội thảo “VNIndex cao nhất 9 năm- Chứng khoán Việt Nam trước những kỳ vọng mới” chiều nay 22/7.
TS Nguyễn Trí Hiếu: Hãy thận trọng khi thị trường chứng khoán khởi sắc

Hội thảo chứng khoán Việt Nam trước kỳ vọng mới ngày 22/7

Tại hội thảo, các chuyên gia đều nhận định thị trường chứng khoán nửa đầu năm 2017 đã tăng trưởng khởi sắc chưa từng thấy tại Việt Nam,  hút mạnh dòng tiền đầu tư các nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, vật liệu xây dựng, dược phẩm…

Thị trường chứng khoán tăng trưởng tích cực 

Trong 6 tháng đầu năm 2017, thị trường chứng khoán giao dịch sôi động với chỉ số VN-Index bứt phá mạnh lên mốc 780 điểm vào đầu tháng 7 và là mức cao nhất trong vòng 9 năm qua, tăng khoảng 17% so với đầu năm 2017. Chỉ số HNX-Index tăng hơn 23%. Trái ngược với động thái bán ròng trong nửa cuối năm 2016, 6 tháng đầu năm nay, khối ngoại đã mua ròng kỷ lục với giá trị hơn 9.000 tỷ đồng.

Mức vốn hóa thị trường đạt hơn 2,5 triệu tỷ đồng, tăng 25,7% so với cuối năm 2016, tương đương 56,4% GDP. 

Các tổ chức, công ty chứng khoán và giới đầu tư đều kỳ vọng VNIndex sẽ bùng nổ sớm vượt mốc 800 điểm trong năm nay.      

Đặc biệt, thị trường chứng khoán Việt Nam nửa đầu năm đã hút mạnh dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước với những phiên giao dịch thăng hoa đạt giá trị hơn 6.000 tỷ đồng, khối lượng giao dịch đạt hơn 200 triệu đơn vị. Sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán được dự báo sẽ mạnh mẽ hơn trong giai đoạn 2017-2019, nhờ các yếu tố kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng khả quan, sự hồi phục tích cực của các doanh nghiệp sau giai đoạn tái cơ cấu vừa qua.

Từ những kết quả khả quan của quá trình “đại phẫu” tổng thể nền kinh tế vừa qua, đến nay, Chính phủ vẫn tiếp tục mục tiêu cố gắng phấn đấu đạt tăng trưởng GDP 6,5% trong năm 2017, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô… Với áp lực đẩy mạnh tăng trưởng GDP, Chính phủ hiện chủ trương đẩy mạnh hoạt động của các ngành sản xuất công nghiệp, công nghệ cao, xuất nhập khẩu... tăng trưởng mạnh mẽ hơn và doanh nghiệp ở những ngành lĩnh vực này sẽ được hưởng lợi lớn. 

Hội thảo đã xoay quanh các nội dung đang "nóng", như" mức tăng trưởng tín dụng 18% có hợp lý không? Chính sách tiền tệ liệu có cần nới lỏng, trong đó tăng trưởng tín dụng có nới vượt 18% không? Lãi suất điều hành giảm 0,25%/năm và lãi vay giảm 0,5% có hợp lý? Câu chuyện huy động USD – từ nay đến cuối năm chính sách lãi suất tiền gửi USD có thay đổi không?

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính nhận định, thị trường chứng khoán đang  sự khởi sắc với quy mô vốn hoá tăng hơn 50% GDP, tương đương khoảng hơn 100 tỷ USD. Các chỉ số tăng trưởng vĩ mô đều khởi sắc. “Đây là những con số tăng trưởng tuyệt vời!”, ông Hiếu nói, đưa nhận định, khả năng tăng trưởng GDP từ nay đến cuối năm 2017 sẽ tăng trưởng lạc quan hơn nữa.

Tuy nhiên, theo ông Hiếu, thị trường chứng khoán những tuần gần đây đang vào giai đoạn điều chỉnh giảm điểm khá sâu và chưa thực sự ổn định. Chỉ số VN-Index đã tăng rất mạnh từ mức 700 điểm lên tới mức kỷ lục 780 điểm, song sau đó lại điều chỉnh giảm rất mạnh tới 9-10 điểm mỗi phiên. Hiện, VN-Index vẫn đang lình xình quanh ngưỡng kháng cự 770-780 điểm, rớt xuống gần ngưỡng hỗ trợ 760 điểm.

“Tôi nhớ giai đoạn trước, thị trường chứng khoán Mỹ đã ào ào tăng điểm rất mạnh đến một ngày bỗng sụt giảm rất nhanh… Chúng ta nên nhìn nhận thực chất nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng chậm, chưa ổn định, tăng trưởng GDP vẫn lình xình…”, ông Hiếu nói, khuyến nghị nhà đầu tư chứng khoán nên hết sức thận trọng, đừng quá lạc quan trước sự tăng trưởng khởi sắc của thị trường.

Tín dụng lại “nóng”, nguy cơ nợ xấu bùng nổ

Chia sẻ về dòng vốn, ông Hiếu chỉ ra một thực tế, tín dụng ngân hàng trước đây đã chảy rất mạnh vào chứng khoán, bất động sản, bảo hiểm… gây ra hệ luỵ thị trường tăng trưởng “bong bóng”, nợ xấu rất lớn mà đến giờ vẫn khó xử lý. Giai đoạn tái cơ cấu vừa qua, các ngân hàng siết chặt cho vay lĩnh vực rủi ro cao như chứng khoán, bất động sản… đã tác động trực tiếp khiến bong bóng xì hơi rất nhanh.

Ông Hiếu cho rằng, một tỷ trọng cho vay tiêu dùng của ngân hàng thực chất lại chảy vào kênh đầu tư bất động sản, dẫn tới rủi ro nợ xấu lớn cho ngân hàng.

Theo số liệu cập nhật ngày 21/7, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, tăng trưởng tín dụng đến ngày 30/6 đã lên mức 9,06%. Đây là mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ các năm gần đây và tín dụng tăng ngay từ những tháng đầu năm hỗ trợ cho tăng trưởng. Trong đó, cơ cấu tín dụng đã tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh trong đó tín dụng đối với một số ngành kinh tế trọng điểm tăng cao hơn so với mức tăng chung, các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro đã tăng chậm lại. 

Thống đốc Lê Minh Hưng đánh giá hệ thống ngân hàng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Mặc dù nợ xấu nhìn chung được kiểm soát dưới 3%, nhưng tổng thể cả nợ xấu và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu còn cao, trên 10% và phải tập trung quyết liệt triển khai thực hiện, xử lý. Mặt bằng lãi suất cho vay 6 tháng ở mức 8 -10% đối với cho vay trung và dài hạn, lãi suất cho vay đối với các khách hàng tốt chỉ khoảng 4 – 5%.

TS Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế lại đặt ra vấn đề đáng lo ngại là tín dụng của hệ thống ngân hàng trong 6 tháng đầu năm 2017 đã tăng trưởng quá cao. Nhất là khi một số ngân hàng lớn tăng trưởng tín dụng cao đột biến so với cùng kỳ năm 2016, được mở rộng chi nhánh, mạng lưới, thành lập các công ty tài chính để mở rộng kinh doanh tiêu dùng…

“Tín dụng tăng trưởng quá nóng sẽ dẫn tới nguy cơ nợ xấu lớn”, ông Phong nhấn mạnh, trong khi đó quá trình xử lý nợ xấu còn gian nan, chưa hiệu quả, trích lập dự phòng rủi ro lớn khiến lợi nhuận của ngân hàng sụt giảm nghiêm trọng...

Ông Nguyễn Đức Hùng Linh - Giám đốc phân tích và tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân- Công ty chứng khoán SSI nhận định, nửa đầu năm nay, tăng trưởng tín dụng đối với lĩnh vực xây dựng ở mức cao lên tới 17,5%, gấp 3 lần tín dụng 5,66%

Bản chất tín dụng BĐS hiện đã thay đổi rất nhiều, dòng tiền vay chuyển từ chủ đầu tư sang những khách hàng, người tiêu dùng mua nhà ở. Nhờ đó, nguy cơ đổ vỡ tín dụng bất động sản được giảm rất nhiều và dàn đều rủi ro cho nhiều người, thay vì chỉ có một chủ đầu tư gánh khoản nợ xấu lớn. Nói cách khách, việc xử lý nợ xấu của các khách hàng cá nhân sẽ đơn giản hơn với ngân hàng, so với việc phải xử lý nợ xấu cả nghìn tỷ của doanh nghiệp.

“Rủi ro liên quan tới tín dụng BĐS cũng không còn cao như chưa, dù vẫn còn rủi ro lớn nếu so với sức cầu thật của thị trường hiện nay”, ông Linh đánh giá.

>> "Nhạc đã nổi lên, bữa tiệc chứng khoán vẫn còn ở phía trước, VnIndex có thể cán mốc 850 điểm vào cuối năm"

Có thể bạn quan tâm