Từ phá sản thành giám đốc doanh nghiệp triệu đô

Từ khi còn là một đứa trẻ, với mọi thứ có được, Kim Perell đã phải làm việc rất vất vả, CNNMoney cho biết. Cô vẫn nhớ những lần đi từ nhà này sang nhà khác để nhặt lon và đổi chúng lấy 5 xu/cái để có
Từ phá sản thành giám đốc doanh nghiệp triệu đô
Từ khi còn là một đứa trẻ, với mọi thứ có được, Kim Perell đã phải làm việc rất vất vả, CNNMoney cho biết.

Cô vẫn nhớ những lần đi từ nhà này sang nhà khác để nhặt lon và đổi chúng lấy 5 xu/cái để có tiền tiêu. Khi muốn học cưỡi ngựa, cô đã phải lau dọn chuồng ngựa. Năm 16 tuổi, khi muốn có xe hơi, cô phải đứng bếp lật bánh pizza và bán các bộ đồ vest để mua xe.

Những năm 20-30 tuổi, cô đi học và làm việc tại một ngân hàng đầu tư, một công ty tiếp thị trực tiếp và một startup. Cuối cùng cô thành lập hai công ty riêng. Giờ đây, ở tuổi 39, cô là Chủ tịch của một công ty tiếp thị kỹ thuật số trị giá hàng triệu đô, Amobee, ở San Diego.

Perell biết ơn bố mẹ vì đã tạo nên sự kiên trì và động lực cho cô. Tính kiên cường mà cô học được từ bố mẹ, vốn là những doanh nhân gặp nhiều sóng gió, đã trở thành “vị cứu tinh” của Perell sau sự sụp đổ bất ngờ của XDrive, công ty công nghệ mà cô đã làm việc sau khi tốt nghiệp đại học.

Với vai trò Giám đốc tiếp thị, Perell đã giúp XDrive huy động vốn bằng cách cho nhà đầu tư thấy rằng mảng doanh số quảng cáo của công ty này đang góp phần đẩy mạnh doanh số của công ty. Tuy vậy, mảng kinh doanh lõi của công ty này là lưu trữ dữ liệu lại không tạo ra doanh thu. Vì thế, khi bong bóng công nghệ vỡ, số tiền đầu tư ấy cạn dần và XDrive phá sản. “Khi XDrive phá sản, đó là thời điểm tồi tệ nhất trong đời tôi”, Perell tâm sự.

Từ phá sản thành giám đốc doanh nghiệp triệu đô ảnh 1
Perell trong buổi lễ vinh danh doanh nhân do Ernst & Young tổ chức vào năm 2013.

Nhưng thay vì sợ hãi, Perell quyết định quay trở lại cuộc chơi. Ba tháng sau khi XDrive phá sản, Perell nảy ra kế hoạch trên chiếc bàn trong nhà bếp của bố mẹ chồng và tung ra công ty tiếp thị kỹ thuật số của riêng mình, Frontline Direct. Cô tung ra công ty này vào năm 2002, tự bỏ vốn đầu tư bằng số tiền 10,000 USD mà mình có trong ngân hàng và nhiều khoản nợ thẻ tín dụng.

Cuối cùng cô phát triển Frontline Direct thành công ty có doanh thu hàng năm 100 triệu USD và sáp nhập nó, theo một thỏa thuận trị giá 30 triệu USD, với một công ty tiếp thị châu Âu để lập nên AdconionDirect. Công ty đó cuối cùng được Amobee, một công ty của gã khổng lồ ngành viễn thông châu Á, Singtel, mua lại vào năm 2014.

Giờ đây, Perell muốn giúp lại người khác bằng cách đầu tư vào những startup khác. Với vai trò là nhà đầu tư “thiên thần”, cô hiện có hơn 60 thương vụ đầu tư ở các startup đầy hứa hẹn. Cô cho biết đã bán hơn một tá startup mà mình đã đầu tư với giá 500 triệu USD.

“Tôi cảm thấy tự tin khi nhìn vào tương lai mà mình chỉ mới bắt đầu”, cô nói.

Và đây là một số câu hỏi của CNNMoney dành cho Perell xoay quanh câu chuyện thành công kiểu Mỹ của cô:

Cuộc sống của cô như thế nào khi lớn lên?

Cha tôi thành lập một cơ sở sửa chữa xe hơi tự phục vụ ở Portland, nhưng bị phá sản.

Sau đó ông bước vào lĩnh vực lợp mái nhà. Khi không thể kiếm đủ ngói, ông tạo ra một chiếc máy trong ga-ra của chúng tôi để làm ra các viên ngói bằng bêtông.

Khi thị trường bất động sản chạm đáy vào những năm 80, ông đóng cửa công ty lợp mái của mình. Cuối cùng, ông bước vào lĩnh vực xây dựng nhà chăm sóc cho người lớn tuổi. Song song đó, ông mở một nhà hàng và... phá sản. Ông lại mở một quán rượu và quán đó cũng... phá sản.

Từ phá sản thành giám đốc doanh nghiệp triệu đô ảnh 2
"Ba mẹ tôi không có nhiều tiền nhưng họ sẽ chia sẻ những gì họ có". -- Kim Perell

Tôi có thể thấy những điểm tương đồng giữa cha và tôi. Ông chế tạo ra những viên ngói của riêng ông, còn tôi thì tạo ra thị trường của riêng mình. Khi tôi thành lập một công ty quảng cáo kỹ thuật số, khi ấy không có đủ người muốn quảng cáo kỹ thuật số, vì thế tôi đã tìm kiếm sản phẩm để mua trực tiếp từ các nhà sản xuất và bán trực tuyến cho người tiêu dùng. Các sản phẩm rất đa dạng, từ đồ chơi cho đến chất làm trắng răng.

Mẹ tôi cũng là một doanh nhân, nhưng công việc của bà xoay quanh các giá trị của công ty – để giúp các công ty xem trọng con người hơn sản phẩm. Bà kiên định hơn và ước rằng cha tôi sẽ có “một công việc thật sự”. Sự căng thẳng tài chính của bố mẹ cuối cùng đã khiến hai người chia tay.

Tôi tin rằng bất cứ ai cũng có thể đi từ bình thường đến phi thường – cơ hội vẫn còn đó.

Đâu là rào cản lớn nhất mà cô gặp phải và cô đã vượt qua nó như thế nào?

XDrive có lẽ là công việc tốt nhất mà tôi từng có được. Khi ấy tôi 22 tuổi, chúng tôi đã đi Four Seasons, Hawaii chơi, xuất hiện trên chương trình talk show Howard Stern và tiêu tiền như nước. Đó là quãng thời gian rất vui. Nhưng khi XDrive phá sản vào năm 2001, đó là quãng thời gian tồi tệ nhất trong cuộc đời tôi.

Tất cả bạn bè tôi đều bị mất việc. Mọi người đều phụ thuộc vào tôi. Thật khó mà vượt qua. Khi ấy tôi có 10,000 USD trong ngân hàng và tôi nghĩ, “Bây giờ mình sẽ làm gì?” Chồng tôi nói bố mẹ anh ấy sẽ cho chúng tôi ở trong một căn hộ cao cấp ở Hawaii. Vì thế chúng tôi không phải trả tiền cho nơi ở.

Tôi cũng nhìn thấy cơ hội. Tôi có thể thấy rằng mình có thể tạo ra một điều gì đó từ chỗ không có gì, nếu nhìn từ góc độ quảng cáo kỹ thuật số. Mọi người muốn quảng cáo trực tuyến và bạn không cần phải có nhiều cơ sở hạ tầng. Tất cả những gì bạn cần là một chiếc máy tính, một cái bàn, một tài khoản GoDaddy và các mối quan hệ tuyệt vời để tung ra một công ty như công ty của tôi.

Thế là quãng thời gian tồi tệ nhất đã trở thành tuyệt vời nhất.

Cô có cảm thấy mình được trao ít cơ hội hơn để thành công so với những người thành công khác?

Giờ đây khi nhìn các con tôi, dựa trên mạng lưới của tôi, chúng có nhiều cơ hội hơn. Nhưng ở Oregon, chúng tôi đã không có điều đó, vì thế tôi phải tạo ra chúng cho chính mình.

“Bước ngoặt lớn” của cô là khi nào?

Bán công ty đầu tiên của tôi, FrontlineDirect, cho tập đoàn truyền thông kỹ thuật số châu Âu Adconion Media Group với giá 30 triệu USD là bước ngoặt lớn của tôi.

Chúng tôi sáp nhập 2 công ty thành AdconionDirect, tiếp tục xây dựng và phát triển thành một công ty trị giá 350 triệu USD. Chúng tôi đã tìm kiếm một người mua có chiến lược có thể giúp chúng tôi biến nó thành một doanh nghiệp tỷ đô.

Amobee, một công ty viễn thông trị giá 50 tỷ USD thuộc sở hữu của Singtel, là một người mua hoàn hảo. AdconionDirect đã bán các tài sản ở Mỹ và châu Á - Thái Bình Dương cho Singtel (Amobee) vào năm 2014 với giá 235 triệu USD.

Hiện nay, chúng tôi có 20 văn phòng khác nhau trên toàn cầu và tôi giám sát 550 nhân viên.

Cô làm gì mỗi ngày để giúp mình đạt được mục tiêu?

Tôi viết tất cả các mục tiêu ra và thường xuyên nhìn chúng.

Khi tôi là CEO của công ty cuối cùng của mình, tôi viết ra một mục tiêu lớn trên tờ ghi chú: bán nó trước tháng 6/2014, và chúng tôi đã làm được.

Viết ra các mục tiêu giúp làm giảm đi những cái cớ và tạo ra sự tập trung lên những gì mà bạn cần làm.

Cô định nghĩa thành công như thế nào và đã đạt được chưa?

Tôi định nghĩa thành công như là con số cuộc đời mà tôi có thể ảnh hưởng một cách tích cực lên đó. Tôi nghĩ mình có thể ảnh hưởng lên nhiều người hơn vì thế tôi không nghĩ mình đã đạt được thành công. Tôi nghĩ điều đó không bao giờ có thể được hoàn tất.

Từ một quan điểm rất thực tế, đó là: “Tôi muốn tạo ra càng nhiều triệu phú càng tốt, và họ là những người mà sau đó có thể đáp đền tiếp nối”.

Theo Vietstock

Có thể bạn quan tâm