Từ quý II/2022 sẽ đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư Dự án BOT sân bay Sa Pa

Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai vừa ký Quyết định số 999/QĐ – UBND phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thành phần 2 - xây dựng cảng hàng không (giai đoạn 1) thuộc Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Sa Pa, tỉnh Lào Cai theo phương thức PPP.
Từ quý II/2022 sẽ đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư Dự án BOT sân bay Sa Pa

Theo đó, Dự án có mục tiêu xây dựng cảng hàng không Sa Pa đạt tiêu chuẩn cảng hàng không cấp 4C với công suất 1,5 triệu hành khách/năm và sân bay quân sự cấp II.

Dự án bao gồm việc xây dựng 1 đường cất hạ cánh (CHC) kích thước 2.400x45m, lề vật liệu hai bên rộng 7,5m mỗi bên; sân quay tại đầu 32 đường CHC đảm bảo hoạt động máy bay Code C; đường lăn vuông góc dài 298,5m chiều rộng cơ bản 23m, lề vật liệu mỗi bên rộng 10,5m; sân đỗ dân dụng kích thước 295mx110m; đảm bảo 6 vị trí đỗ máy bay A321/A320 và tương đương; hệ thống chiếu sáng, đèn hiệu sân đỗ, đường lăn, đường CHC đồng bộ; hệ thống hàng rào khu bay  chiều dài khoảng 12.000m; xây dựng hệ thống đường công vụ chiều dài khoảng 8 km, bề rộng nền đường 6m; hệ thống tín hiệu dẫn đường, khí tượng; đài chỉ huy cao 43,1m và hệ thống thiết bị đồng bộ…

Điểm nhấn lớn nhất tại Dự án thành phần 2 là xây dựng nhà ga hành khách 1 cao trình, đáp ứng khai thác đến 1,5 triệu hành khách/năm, 600 hành khách/giờ cao điểm diện tích xây dựng nhà ga 12.161m2; xây dựng nhà điều hành cảng hàng không với diện tích 2.538m2, co 03 tầng; xây dựng nhà xe kỹ thuật ngoại trường diện tích 833mư và trạm khẩn nguy cứu hỏa diện tích 451m2.

Bên cạnh đó, Dự án còn đặt mục tiêu xây dựng nút giao khác mức giao cắt với cao tốc Hà Nội - Lào Cai; đường giao thông vào cảng với chiều dài khoảng 1,66km, gồm 2 làn xe, đoạn từ trạm thu phí đến đường cao tốc có bề rộng mặt đường 7m, nền đường 14m; đoạn từ trạm thu phí đến khu hàng không dân dụng có bề rộng mặt đường 6m, nền đường 9m.

Dự án có thời gian hoạt động 50 năm (thời gian xây dựng dự kiến: 3 năm 7 tháng, thời gian vận hành, khai thác và thu hồi vốn là 46 năm 2 tháng); loại hợp đồng dự án là BOT.

Tổng mức đầu tư dự án 3.651,273 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu, vốn vay là 2.990,063 tỷ đồng; vốn nhà nước trong dự án PPP là  661,21 tỷ đồng. Cơ quan có thẩm quyền Dự án là UBND tỉnh Lào Cai; cơ quan ký kết hợp đồng là Sở GTVT - Xây dựng tỉnh Lào Cai; bên mời thầu là Sở GTVT - Xây dựng tỉnh Lào Cai. Hình thức lựa chọn nhà đầu tư và là đấu thầu rộng rãi trong nước, không sơ tuyển; thời gian tổ chức lựa chọn nhà đầu tư là từ quý II/2022.

Theo lãnh đạo tỉnh Lào Cai, việc xây dựng sân bay Sa Pa là ước mơ, khát vọng đã hình thành từ rất lâu trong lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ và đó cũng là sự mong mỏi của nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai.

Dự án hoàn thành sẽ là bước đột phá lớn về phát triển hạ tầng giao thông của tỉnh Lào Cai và khu vực trung du và miền núi phía Bắc, là một lực đẩy mạnh mẽ để tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội, du lịch và dịch vụ của địa phương, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống nhân dân.

Đầu tháng 5 mới đây, Hội đồng thẩm định liên ngành vừa có báo cáo 2904.BC-HĐTĐLN gửi UBND tỉnh Lào Cai về kết quả thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án này. Ngày 28/4, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản số 2809 gửi phiếu xin ý kiến của thành viên Hội đồng về Báo cáo kết quả thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án. Kết quả, 16/16 thành viên Hội đồng đồng ý thông qua Báo cáo kết quả thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án và đạt 100%.

Báo cáo nghiên cứu khả thi đã nêu cơ sở tính toán các khoản thu và đề cập các khoản thu của dự án, bao gồm: thu phục vụ hành khách, thu dịch vụ đảm bảo an ninh hành khách, hành lý, dịch vụ CUTE, FIDS, dịch vụ cất hạ cánh tàu bay, dịch vụ sân đậu tàu bay; dịch vụ khác.

Đồng thời, báo cáo nghiên cứu khả thi cũng nêu phương pháp tính toán và dự kiến sản lượng khai thác, trong đó sản lượng năm đầu tiên khaic thác, năm 2024 dự kiến đạt 560.640 hành khách/năm, năm 2045 dự kiến đạt 4.700.016 khách/năm.

Có thể bạn quan tâm