Từ vụ Cty CP ĐT&PT Y tế An Sinh “thổi giá” thiết bị: Tìm hiểu về chế tài xử phạt ở Việt Nam và thế giới

Nguyên nhân chính dẫn đến việc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Y tế An Sinh cùng nhiều cơ sở kinh doanh hàng hóa thiết yếu khác tranh thủ dịch bệnh nâng giá dịch vụ, thiết bị nhằm thu lợi bất chính là do chế tài xử lý vi phạm chưa thực sự nghiêm minh
Từ vụ Cty CP ĐT&PT Y tế An Sinh “thổi giá” thiết bị: Tìm hiểu về chế tài xử phạt ở Việt Nam và thế giới

Lợi dụng dịch bệnh “thổi giá” dịch vụ, thiết bị!

Tin từ Bộ Y tế cho biết, chiều 11-8 này đã có văn bản số 6546/BYT-TB-CT gửi Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Y tế An Sinh đề nghị làm rõ việc chênh lệch "thổi" giá máy thở gấp đôi. Trước đó, Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế nhận được thông tin phản ánh Máy thở (model MV2000 EVO5, hãng sản xuất: Mekics Co., Ltd., Hàn Quốc) được Công ty công khai giá trên cổng thông tin điện tử https://congkhaiyte.moh.gov.vn là: 960.500.000 VND/1 máy. Tuy nhiên, tại cùng thời điểm báo giá (cùng loại, cùng hãng, model máy thở trên) do phía Công ty cung cấp cho các đơn vị là: 455.000.000 VND/1 máy.

Từ thông tin trên Bộ Y tế đề nghị Công ty khẩn trương, nghiêm túc rà soát và có báo cáo giải trình rõ lý do công bố giá cao đột biến (chênh lệch tới khoảng 210% so với giá báo giá). Nếu sau 17g ngày 13-8-2021, Công ty không có giải trình, Bộ Y tế sẽ thực hiện việc tạm dừng tài khoản, thông tin công bố giá của Công ty trên Cổng điện tử công khai giá trang thiết bị y tế.

Trước đó, việc một số địa phương quy định người từ nơi khác đến phải có giấy xét nghiệm Covid-19 âm tính đã tạo ra “làn sóng” đổ xô đi xét nghiệm dịch vụ, khiến nhu cầu thực hiện xét nghiệm tự nguyện tại nhiều địa phương tăng đột biến.

Trước thực trạng đó, Bộ Y tế đã nhiều lần ra văn bản chấn chỉnh việc thực hiện thu dịch vụ xét nghiệm COVID - 19, nhưng nhiều cơ sở y tế vẫn cố tình bằng nhiều hình thức để thu giá dịch vụ xét nghiệm dịch vụ xét nghiệm COVID -19 cao nhằm thu lợi.

Mới đây nhất, nhiều người dân thực hiện xét nghiệm COVID – 19 tại Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc (Hà Nội) tố Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc lợi dụng dịch bệnh “bắt chẹt” người dân.

Điển hình như anh Ngô Văn Tú trú tại tỉnh Hưng Yên người thực hiện xét nghiệm COVID-19 tại Bênh viện đa khoa Hồng Ngọc cho biết, do bản thân làm nghề lái xe nên thường xuyên phải đi test COVID–19để làm giấy thông hành đi qua nhiều tỉnh, thành. Ngày 3/6/2021 anh có đến Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc tại trụ sở ở 55 Yên Ninh, Trúc Bạch, Ba Đình, Hà Nội tiến hành test COVID - 19. Sau khi trình bày nguyên vọng xong, anh Tú được nhân viên của bệnh viện yêu cầu phải khám sàng lọc hết 900.000 đồng trước khi lấy mẫu dịch mũi, họng để test COVID - 19. Song theo anh Tú, điều nực cười ở chỗ mặc dù bệnh viện đã thu tiền gói khám sàng lọc nhưng không hề tiến hành khám mà gọi anh vào lấy mẫu bệnh phẩm luôn. Vô cùng bức xúc về việc này, anh Tú đã nhiều lần phản ánh đến ban lãnh đạo bệnh viện, nhưng nhiều ngày trôi qua phía bệnh viện vẫn quanh co không đưa ra câu trả lời rõ ràng.

Có thể xử lý hình sự?

Trao đổi với Thương Gia, một Luật sư thuộc đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết: Nếu có căn cứ xác định hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình dịch bệnh Covid 19 để mua vét hàng hóa là thuốc thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người thuộc danh mục thuốc chữa bệnh thiết yếu sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật (là danh mục mặt hàng bình ổn giá) nhằm bán lại để thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên hoặc giá trị hàng hóa từ 500.000.000 đồng trở lên thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Đầu cơ theo quy định tại Điều 196 Bộ luật hình sự năm 2015 với mức phạt tù cao nhất có thể lên đến 15 năm.

Bên cạnh đó, theo tìm hiểu của chúng tôi Khoản 1 điều 11 Luật Giá năm 2012 quy định các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh được tự định giá hàng hóa, dịch vụ do mình sản xuất, kinh doanh, trừ hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá và phải thực hiện niêm yết giá và bán theo giá niêm yết theo quy định.

Đồng thời, Khoản 3 Điều 12 Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính Phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn: Trường hợp tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ tại địa điểm phải niêm yết giá hoặc niêm yết giá không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng sẽ bị phạt từ 500.000 đồng - 01 triệu đồng; vi phạm nhiều lần, tái phạm sẽ bị phạt từ 01 - 03 triệu đồng. Phạt tiền từ 05 - 10 triệu đồng đối với hành vi bán cao hơn giá niêm yết hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân định giá không thuộc Danh mục bình ổn giá, hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hạn chế kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện.

Đối với hành vi lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường, lợi dụng chính sách của Nhà nước để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng (Điều 17 Nghị định 109/2013/NĐ-CP)

Tại Điều 46, 47 Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ về vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng quy định: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa hoặc tạo ra sự khan hiếm hàng hóa giả tạo trên thị trường để mua vét, mua gom hàng hóa có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng nhằm bán lại thu lợi bất chính. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi găm hàng trong kho vượt quá 150% so với lượng hàng hóa tồn kho trung bình của ba tháng liền kề trước đó. Kèm theo đó là hình phạt bổ sung: Tịch thu tang vật; Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề từ 06 tháng hoặc đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.

Chế tài của một số nước trên thế giới và bài học với Việt Nam

Đối với nước Mỹ, khi thiên tai hoặc thảm họa ập tới, nếu người bán hàng lợi dụng nhu cầu tăng đột biến (thường đi cùng khan hiếm về nguồn hàng) và ra giá quá cao cho mặt hàng nhu yếu phẩm, sẽ bị coi là "nâng giá cơ hội".

Tại 34 trên tổng số 51 bang và đặc khu, hành vi nâng giá cơ hội khi chính quyền ban bố tình trạng khẩn cấp bị pháp luật coi là vi phạm Luật chống hành vi thương mại bất công hoặc lừa dối. Mức xử lý có thể là phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Mức giá "quá cao" hoặc "vô lương tâm" thường được xác định bằng cách so sánh mức giá trung bình tại vùng bị ảnh hưởng với mức giá trong khoảng thời gian nhất định trước khi tình trạng khẩn cấp được ban bố. Nếu giá hiện tại cao hơn 10-15% (một số bang có mức trần cao hơn), người bán sẽ bị coi là có hành vi nâng giá cơ hội.

Ví dụ, Điều 50-6,106 của luật chung bang Kansas quy định người cung cấp "hàng hóa hoặc dịch vụ thiết yếu" với giá bán cao hơn 25% so với giá trước khi tình trạng khẩn cấp được ban bố có thể bị phạt 10.000 USD với mỗi lần vi phạm. Trong đó, "tình trạng khẩn cấp" được hiểu là khoảng thời gian được quyết định dựa trên công bố của Tổng thống hoặc Thống đốc bang khi có thảm họa hoặc thiên tai như bão, lốc xoáy, động đất, bạo loạn, hoặc các tình thế cực kỳ nguy hiểm khác.

Trong các bang có luật chống nâng giá cơ hội, Oklahoma và Louisiana là hai bang có mức phạt nặng nhất. Người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt lên tới 10 năm tù, nếu hành vi nâng giá cơ hội gây hậu quả nghiêm trọng (như có người chết).

Còn tại Ấn Độ, Đạo luật Hàng hóa thiết yếu (Essential Commodities Act) được ban hành năm 1995, theo đó đối với những mặt hàng thiết yếu như: thực phẩm, thuốc, nhiên liệu … trong bối cảnh ảnh hưởng thiên tai dịch bệnh, Chính phủ Trung ương cho rằng cần thiết để duy trì hoặc tăng nguồn cung của bất kỳ hàng hóa thiết yếu nào hoặc để đảm bảo phân phối công bằng và sẵn có ở mức giá hợp lý, Chính phủ Trung ương sẽ ra một thông báo.

Theo đó cơ sở sản xuất kinh doanh các mặt hàng thiết yếu sẽ bán toàn bộ hoặc một phần xác định số lượng nắm giữ trong kho hoặc được sản xuất … với giá hợp lý theo quy định của Chính phủ. Trường hợp nào vi phạm sẽ bị tịch thu và bị trừng phạt với hình phạt tù có thời hạn không dưới 3 tháng, có thể kéo dài đến 7 năm. Ngoài ra, có thể bị phạt tiền, cấm kinh doanh trong một thời gian nhất định.

Như vậy, có thể thấy pháp luật của chúng ta hiện nay cũng đã có đầy đủ các quy định cũng như chế tài đối với những hành vi tăng giá dịch vụ hàng hoá bất hợp lý. Nhưng, theo chúng tôi, nguyên nhân của tình trạng nhiều cơ sở y tế tư nhân, đơn vị kinh doanh hàng hóa thiết yếu tranh thủ lợi dụng tình hình dịch bênh hoặc và điều kiện bất thường để nâng giá dịch vụ hàng hoá như thời gian qua là do chế tài xử lý đối với các cá nhân tổ chức vi phạm so với một số nước chưa thực sự nghiêm minh, thiếu sức răn đe.

Có thể bạn quan tâm