Tuyên Quang có thể trở thành "Pù Luông" thứ hai của Việt Nam

Tuyên Quang có mọi lợi thế để trở thành điểm đến hấp dẫn dành cho du khách, nhất là du khách nước ngoài muốn được đi du lịch nghỉ dưỡng như Pù Luông, Mù Cang Chải, Sa Pa...

Hồ Na Hang thuộc huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang

Đây là chia sẻ của một số doanh nghiệp du lịch tham gia trong chương trình xúc tiến du lịch của tỉnh Tuyên Quang do Trung tâm Xúc tiến đầu tư của tỉnh phối hợp với Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh, Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội,... tổ chức dành cho các cơ quan báo chí trung ương, địa phương và hơn 40 doanh nghiệp, công ty lữ hành của ba miền Bắc - Trung - Nam.

ĐIỂM ĐẾN HÙNG VĨ, MỘNG VĨ, TRỮ TÌNH VÀ ĐẦY TÍNH

LỊCH SỬ, VĂN HOÁ...

Tuyên Quang là tỉnh miền núi, nằm giữa Đông và Tây Bắc của Tổ quốc, cách Thủ đô Hà Nội khoảng 150km, là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, cách mạng.

Theo như ông Nguyễn Tiến Hưng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Tuyên Quang giới thiệu, đây là nơi khởi phát, hội tụ và giao thoa sắc thái văn hóa của các dân tộc vùng núi phía Bắc, được thiên nhiên ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh độc đáo, hấp dẫn và nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng phong phú, đa dạng. Từ đó, đã tạo cho Tuyên Quang những điều kiện hết sức thuận lợi để phát triển đa dạng các loại hình du lịch, nổi bật.

Đầu tiên phải kể đến là du lịch lịch sử, về nguồn. Tuyên Quang là “Thủ đô khu giải phóng” trong cách mạng tháng Tám năm 1945 và là trung tâm “Thủ đô khách chiến” trong 9 năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân xâm lược. Với trên 650 di tích lịch sử, Tuyên Quang được đánh giá là kho tư liệu vô giá của lịch sử Đảng và lịch sử cách mạng Việt Nam.

Đặc biệt, Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào “nằm trong hệ thống di tích lịch sử cách mạng quan trọng bậc nhất của lịch sử dân tộc Việt Nam trong thế kỷ 20”, là địa chỉ đỏ trong công tác giáo dục truyền thống, là địa điểm thăm quan hấp dẫn của nhân dân trên mọi miền đất nước; là điểm đến trong hành trình thăm quan, nghiên cứu của khách quốc tế.

Ngày 16/8/1945, Đại hội Đại biểu Quốc dân (tức Quốc dân Đại hội Tân Trào) khai mạc tại đình Tân Trào, thôn Tân Lập, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.

Tiếp đến là du lịch sinh thái, trải nghiệm. Đây cũng đang là một lợi thế của Tuyên Quang khi nơi đây được thiên nhiên ban tặng nhiều danh lam, thắng cảnh độc đáo, hấp dẫn với núi cao, hang động kỳ bí đan xen với những thảm rừng nguyên sinh, diện tích mặt nước trải rộng hòa nhịp với những con sông lớn uốn lượn… Điều đó đã biến Tuyên Quang trở thành địa danh được thiên nhiên ban tặng một vẻ đẹp đa sắc màu, hùng vĩ, tráng lệ nhưng không kém phần trữ tình, mơ mộng.

Trong đó, có nhiều danh lam, thắng cảnh nổi tiếng đã được xếp hạng cấp quốc gia, quốc gia đặc biệt và thu hút đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm, tiêu biểu như: Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình, danh lam thắng cảnh quốc gia thác Bản Ba (huyện Chiêm Hóa) và Động Tiên (huyện Hàm Yên)…

Đặc biệt, khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình có diện tích hơn 21.000ha, bao gồm 8.000ha diện tích mặt hồ rộng lớn. Cảnh sắc nơi đây được du khách ví như vịnh Hạ Long giữa núi non đại ngàn. Cùng với những ngọn thác hùng vĩ đã tạo nên bức tranh thiên nhiên quyện hòa của rừng núi và sông hồ, của tráng lệ và trữ tình... thác bên rừng, đại ngàn bên sông... mang đến cảm xúc thật khó diễn tả...

Còn về du lịch nghỉ dưỡng thì Tuyên Quang có Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm với nguồn nước khoáng được đánh giá là một trong số ít những mỏ nước khoáng tốt nhất tại miền Bắc Việt Nam. Ngoài trải nghiệm thư giãn, xả stress trong làn suối khoáng ấm áp, du khách còn có thể ngắm nhìn cảnh sắc thiên nhiên ấn tượng của vùng núi non Đông Bắc.

Tuyên Quang có tài nguyên suối khoáng nóng tự nhiên

Du lịch tâm linh cũng đang là thế mạnh, mục tiêu mà Tuyên Quang nhắm đến, khi tỉnh là địa phương có hệ thống đền, chùa nổi tiếng, linh thiêng. Với đặc thù của “miền Mẫu Thoải”, Tuyên Quang là điểm trung chuyển trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ, hằng năm thu hút hàng vạn lượt du khách đến hành hương bái phật, lễ mẫu.

Ngoài ra, Tuyên Quang có trên 40 lễ hội dân gian, truyền thống được tổ chức thường niên, trong đó có nhiều lễ hội hết sức độc đáo, hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân, du khách, nổi bật như: Lễ hội rước mẫu đền Thượng, đền Hạ, đền Ỷ La; Lễ hội Nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn; Lễ hội Lồng Tông của dân tộc Tày…

Lễ hội Nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn. Ảnh: UBND huyện Lâm Bình

Và đặc biệt là Lễ hội Thành Tuyên - một sản phẩm văn hóa, du lịch độc đáo, đặc sắc, riêng có của Tuyên Quang được tổ chức hằng năm vào dịp Tết Trung thu. Thời gian diễn ra Lễ hội kéo dài khoảng 30 ngày (từ ngày 15/7 đến 15/8 âm lịch), có sự tham gia của hàng trăm mô hình đèn trung thu khổng lồ, lung linh, rực rỡ sắc màu được nhân dân diễn diễu trên đường phố vào các buổi tối.

Trải qua gần 20 năm được nhân dân sáng tạo và duy trì, phát triển với 3 lần được Hội đồng Kỷ lục quốc gia trao bằng xác lập kỷ lục Guiness Việt Nam, cho: “Đêm hội Trung thu có nhiều mô hình đèn lớn nhất Việt Nam"; “Mâm cỗ Trung thu lớn nhất Việt Nam”; "Cặp đèn kéo quân lớn nhất Việt Nam", Lễ hội Thành Tuyên đã trở thành sự kiện văn hóa nổi bật, điểm đến hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân, du khách trong nước và quốc tế.

Ông Hưng cho biết, năm 2023 là năm đầu tiên tỉnh Tuyên Quang triển khai thực hiện Đề án đổi mới tổ chức Lễ hội Thành Tuyên giai đoạn 2023 - 2025, với mục tiêu trọng tâm là xây dựng, phát triển Lễ hội trở thành sản phẩm du lịch mang thương hiệu quốc gia và quốc tế.

Vì vậy, trong khuôn khổ của Lễ hội năm nay sẽ diễn ra chuỗi các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch hết sức đặc sắc, hấp dẫn, được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, với quy mô khu vực và quốc gia, trong đó điểm nhấn là: Chương trình Đêm hội Thành Tuyên được tổ chức với quy mô cấp quốc gia, có sự tham gia của 6 tỉnh Việt Bắc và địa phương 2 nước có quan hệ hợp tác, hữu nghị với Tuyên Quang là Hàn Quốc và Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, chương trình được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam;

Hay như Chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” lần thứ XIV (có sự tham gia của 6 tỉnh Việt Bắc, gồm: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Giang và Tuyên Quang) Chương trình dự kiến được truyền hình trực tiếp trên sóng của hơn 30 Đài Phát thanh và Truyền hình trong cả nước;

Liên hoan các Làng văn hoá du lịch cộng đồng 6 tỉnh Việt Bắc; Chương trình “Điện ảnh - Kết nối di sản và du lịch Tuyên Quang”; Hội chợ Thương mại - Du lịch tỉnh Tuyên Quang năm 2023; Chương trình “Trưng bày, giới thiệu tinh hoa ẩm thực Việt” năm 2023...

Bà con rước đèn Trung thu

VÀ CẦN CHUYỂN MÌNH ĐỂ DU KHÁCH KHÁM PHÁ

Vẻ đẹp muôn màu, hùng vĩ, mộng mị, trữ tình của Tuyên Quang đã đi vào áng thi ca của các nhà thơ lớn trong suốt nhiều thập kỷ. Nhưng đến thời điểm hiện tại những tiềm năng du lịch này dường như vẫn "ngủ yên".

Tuyên Quang vẫn là viên ngọc thô chưa được nhiều du khách trong và ngoài nước chú ý. Theo đánh giá của các công ty du lịch, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng này là do cơ sở hạ tầng còn thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu lưu trú của khách du lịch, đặc biệt là nhóm khách cao cấp.

Chưa kể, việc quảng bá còn chưa hiệu quả, chưa có nhiều kênh thông tin hấp dẫn để du khách biết tới Tuyên Quang, dù chỉ cách Hà Nội khoảng 2 giờ đồng hồ đi xe và nằm trên cung đường tour đi Hà Giang, Cao Bằng nổi tiếng.

Ông Dương Xuân Tráng, Giám đốc Công ty TNHH Mai Việt Travel cho rằng, Tuyên Quang là mảnh đất giàu tiềm năng vì được thiên nhiên, lịch sử ban tặng mọi ưu ái, nhưng hiện nay, vùng đất này vẫn chưa khai thác được thế mạnh của mình.

"Khách hàng của tôi là khách Pháp, họ cũng rất thích nghe những câu chuyện lịch sử, ví dụ như về Bác Hồ mà Tuyên Quang đang có, nhưng tỉnh lại chưa giới thiệu được tới cho du khách một cách tốt nhất. Đến tôi khi đi khảo sát mà còn phải tự tìm hiểu, chứ chưa được tỉnh giới thiệu", ông Tráng nói.

Do đó, tỉnh cần đẩy mạnh việc quảng bá hơn nữa để thay vì Tuyên Quang chỉ là điểm dừng để ăn uống trên các cung đường tour nổi tiếng, thì nơi đây sẽ là điểm dừng chân và lưu trú của du khách trong thời gian dài.

Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội tổ chức khảo sát Lễ hội Thành Tuyên năm 2023

Còn theo nhận định của ông Nguyễn Văn Giới, Giám đốc Công ty Du lịch Viet DreamLand Travel, hiện nay, thay vì đi đến Sa Pa đang bị thương mại hoá thì du khách nước ngoài họ muốn đến những nơi còn hoang sơ để nghỉ dưỡng, chữa lành tâm hồn, ví như Pù Luông (Thanh Hoá). Và Tuyên Quang có mọi lợi thế về thiên nhiên, địa lý, lịch sử... để có thể thu hút khách du lịch... hơn cả Pù Luông.

Và để có thể thực hiện được việc này, tỉnh có thể kêu gọi sự đầu tư của các tập đoàn lớn, kết hợp với việc đẩy mạnh quảng bá hình ảnh đến với du khách. Ví dụ, Tuyên Quang tổ chức các giải chạy marathon và có mời các KOL tham gia để tuyên truyền. Đây là cách làm khá hiệu quả trong những năm gần đây.

Ngoài ra, tỉnh đang có một lợi thế rất lớn là tổ chức Lễ hội Thành Tuyên vô cùng hấp dẫn, điểm nhấn là Lễ hội Trung thu. Đây cũng là một lễ hội đặc trưng riêng của tỉnh Tuyên Quang và là điểm nhấn để các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ trong và ngoài tỉnh liên kết xây dựng các tour, tuyến; tuyên truyền, quảng bá, thu hút khách du lịch đến với tỉnh.

Chính vì điều đặc biệt này mà ông Võ Hoài Nam, Giám đốc ETC travel cho rằng: "Lễ hội Thành Tuyên có những điểm giống với một số lễ hội lớn của một số quốc gia. Tỉnh có thể cử cán bộ sang đó nghiên cứu và học hỏi tập. Vì hoạt động này không chỉ thu hút khách trong nước mà còn rất thu hút cả du khách nước ngoài".

Hay như ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Thường trực Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội nhận xét, Tuyên Quang là tỉnh có nhiều tiềm năng, thế mạnh về các loại hình du lịch văn hóa, lịch sử, nghỉ dưỡng, sinh thái, cộng đồng...

Là tỉnh có vị trí địa lý khá thuận lợi để kết nối với các địa phương lân cận có các điểm du lịch, có sản phẩm du lịch đang hút du khách như Hà Giang, Cao Bằng. Đặc biệt việc chú trọng tập trung đầu tư cho phát triển du lịch và xác định du lịch là ngành kinh tế quan trọng đã và đang được sự quan tâm các cấp chính quyền của tỉnh.

Lễ hội Khinh khí cầu quốc tế Tuyên Quang

Các doanh nghiệp đã và đang khảo sát mở tour du lịch, quảng bá sản phẩm du lịch phù hợp với nhu cầu của du khách; xây dựng chương trình thu hút khách đến với Tuyên Quang, tận dụng, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương, góp phần đưa du lịch của Tuyên Quang ngày càng phát triển, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương.

Do đó, các doanh nghiệp du lịch mong muốn được liên kết chặt chẽ hơn nữa, thường xuyên trao đổi với lãnh đạo địa phương để tạo điều kiện để xử lý tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong quá trình khai thác phát triển du lịch của tỉnh. Từ đó, khai thác tốt nhất tiềm năng của tỉnh Tuyên Quang, đẩy mạnh tăng trưởng và đa dạng hóa hoạt động hợp tác phát triển du lịch.

"Hiếm có tỉnh/thành phố nào tại Việt Nam hội tụ đầy đủ các yếu tố về cảnh sắc thiên nhiên độc đáo, đa dạng văn hóa và hệ thống di sản đặc sắc như Tuyên Quang, nên đừng để nó "ngủ yên"", nhà báo Vũ Xuân Cường, Báo Tin tức - Thông tấn xã Việt Nam chia sẻ.

Có thể bạn quan tâm