UPCoM sắp đón 6.680 tỷ đồng cùng 2 sắc màu kinh doanh đối lập

Có 7 công ty sắp lên UPCoM với tổng mức định giá hơn 6.687 tỷ đồng bao gồm LTG, DHB, CPI, JOS, HAF, VAV và HTE.
UPCoM sắp đón 6.680 tỷ đồng cùng 2 sắc màu kinh doanh đối lập

Trong tuần 24/7 - 28/7, UPCoM sẽ tiếp tục sôi động cổ phiếu lên sàn khi nhiều công ty đã được chấp thuận cho giao dịch với tổng mức vốn hóa thị trường hơn 6.687 tỷ đồng, trong đó đáng chú ý nhất là 2 ông lớn Lộc Trời và Đạm Hà Bắc cùng với 2 mảng màu kinh doanh trái ngược nhau.

Sắc màu ảm đạm của Đạm Hà Bắc và Cảng Cái Lân

Vốn điều lệ lên đến 2.722 tỷ nhưng thị trường định giá chỉ có 1.850 tỷ đồng, đó chính là ông lớn Đạm Hà Bắc. Được biết đến như là 1 trong 12 dự án thua lỗ nghiêm trọng của ngành Công Thương, CTCP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc đã được chấp thuận giao dịch 272,2 triệu CP trên sàn UPCoM vào ngày 26/7.

Tuy nhiên, Công ty chỉ đưa ra mức giá tham chiếu chào sàn khá khiêm tốn là 6.800 đồng/CP, như vậy Đạm Hà Bắc chỉ được định giá khoảng 1.850 tỷ đồng.

Trong khi đó, tổng tài sản của Đạm Hà Bắc cho đến cuối 2016 đã là 9.909 tỷ đồng; đồng thời vốn chủ sở hữu 1.039 tỷ đồng trong khi vốn góp chủ sở hữu 2.722 tỷ đồng. Nợ phải trả của Công ty cũng lên đến 8.869 tỷ; riêng nợ vay dài hạn là 7.440 tỷ và nợ vay ngắn hạn là 644 tỷ.

Tình hình kinh doanh khá bết bát khi năm 2016, Công ty báo lỗ trên 1.051 tỷ đồng – trong khi năm 2015 cũng lỗ gần 660 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2016, Đạm Hà Bắc còn ghi nhận khoản lỗ lũy kế hơn 1.720 tỷ đồng. Năm 2017, Công ty lên kế hoạch lỗ tiếp 850 tỷ đồng. Riêng trong quý I/2017, Đạm Hà Bắc đã lỗ thêm 218 tỷ, nâng tổng lỗ lũy kế lên 1.939 tỷ đồng.

Đạm Hà Bắc cũng từng một lần đưa cổ phần ra công chúng vào 13/11/2015 khi đấu giá gần 95 triệu cổ phần tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội nhưng chỉ bán thành công 3,4 triệu CP với giá trung bình khoảng 10.002 đồng/CP. Ngày 01/01/2016, Công ty chính thức chuyển đổi thành Công ty Cổ phần Phân đạm và Hoá chất Hà Bắc với công ty mẹ là Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (chiếm 97,66%).

Không khá khẩm hơn Đạm Hà Bắc là bao nhiêu, CTCP Đầu tư Cảng Cái Lân (CPI) sẽ đưa 36,5 triệu CP lên giao dịch trên UPCoM từ ngày 28/07 với giá tham chiếu chỉ 5.900 đồng/CP, tổng mức định giá chỉ khoảng 215 tỷ đồng.

Cảng Cái Lân có vốn điều lệ đăng ký là 405 tỷ đồng, nhưng thực góp chỉ 365 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu tại thời điểm cuối năm 2016 đã âm hơn 64 tỷ đồng; đồng thời Công ty không còn vay và nợ thuê tài chính ngắn và dài hạn. Còn khoản mục đầu tư vào công ty liên doanh liên kết chiếm 473 tỷ đồng nhưng dự phòng cũng đúng bằng con số này. Hiện danh sách cổ đông lớn của Cảng Cái Lân chỉ có 2 đơn vị là Vinalines với 56.58% vốn và CTCP Cảng Quảng Ninh 9.48% vốn.

Về hoạt động kinh doanh, hai năm liền 2015 và 2016 Cảng Cái Lân đều ghi nhận mức lỗ lần lượt 154,7 tỷ và 1,3 tỷ kéo theo mức lỗ lũy kế tới 443 tỷ đồng. Trong năm 2017, Cảng Cái Lân lên kế hoạch khiêm tốn với doanh thu thuần 62 tỷ và lợi nhuận sau thuế 800 triệu đồng. Còn năm 2018, con số lần lượt là 70 tỷ và 1 tỷ đồng. Công ty bỏ ngỏ kế hoạch chia cổ tức trong tương lai.

Bên cạnh đó, CTCP Chế biến Thủy sản Xuất khẩu Minh Hải sẽ lên UPCoM vào 28/7 với mã JOS. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 2.400 đồng/CP. Với hơn 15 triệu CP đăng ký lên sàn, giá trị vốn hóa thị trường của JOS chỉ vỏn vẹn 37 tỷ.

Kết quả kinh doanh những năm qua rất ảm đạm. Cụ thể, JOS đã lỗ ròng liên tiếp trong năm 2015 và 2016 với giá trị lần lượt là 50 tỷ và 35 tỷ đồng. Tính đến cuối 2016, Công ty có khoản lỗ lũy kế vượt quá vốn chủ sở hữu 137 tỷ và nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn 349 tỷ. Khoản nợ vay quá hạn của JOS hiện đã trên 267 tỷ đồng.

Chưa dừng lại, JOS tiếp tục đặt kế hoạch "lỗ" tiếp trong năm 2017 và 2018 với giá trị tương ứng là 30 tỷ và 20 tỷ. Công ty cũng chưa thể có kế hoạch chi trả cổ tức cho cổ đông.

Một doanh nghiệp khác là CTCP Thực phẩm Hà Nội cũng sẽ được giao dịch với mã HAF. Công ty sẽ đưa 14,5 triệu CP lên UPCoM vào ngày 24/7 với giá tham chiếu là 10.000 đồng/CP. Như vậy, giá trị vốn hóa thị trường của HAF là 145 tỷ đồng.

Hiện, HAF có vốn điều lệ 145 tỷ đồng, tổng tài sản cuối 2016 là 219,5 tỷ đồng, nợ vay và nợ thuê tài chính của HAF ở mức 19 tỷ đồng.

Năm 2016, tổng doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của HAF lần lượt ở mức 179 tỷ và lỗ ròng 13,6 tỷ đồng; trong khi năm 2015 là 213 tỷ và có lãi gần 5,7 tỷ đồng (chủ yếu đến từ lợi nhuận khác 16 tỷ). Kế hoạch 2017, Công ty đặt kế hoạch kinh doanh khả quan hơn với doanh thu 170 tỷ đồng và có lãi 13 tỷ đồng.

Gam màu sáng

Nổi bật nhất trong danh sách lên sàn UPCoM tuần 24/7 - 28/7 có lẽ là CTCP Tập đoàn Lộc Trời.

Lộc Trời sẽ đưa hơn 67 triệu CP lên sàn vào ngày 24/7 tới đây với mã LTG. Với giá chào sàn 55.000 đồng/CP, vốn hóa ngày lên sàn của Lộc Trời rơi vào khoảng 3.700 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2016, vốn chủ sở hữu của Công ty đạt 2.176 tỷ đồng, trong đó, vốn cổ phần là 671 tỷ.

Về cơ cấu cổ đông, ngoài UBND tỉnh An Giang đang sở hữu 24,15% vốn điều lệ, Lộc Trời còn có 3 cổ đông lớn khác đều là các quỹ ngoại bao gồm Marina Viet Pte. Ltd (25,21%), Standard Chartered Private Equity (Singapore) Pte. Ltd (8,18%) và Vietnam Azalea Fund Limited (6,07%). Tổng cộng 4 cổ đông lớn sở hữu 63,61% vốn điều lệ của Lộc Trời.

Được biết, tăng trưởng bình quân doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Lộc Trời trong giai đoạn 2006 - 2016 lần lượt đạt 13,66%/năm và 18,14%/năm. Công ty đặt mục tiêu đến năm 2021 trở thành tập đoàn nông nghiệp hàng đầu tại Việt Nam với vốn hóa đạt 1 tỷ USD.

Cụ thể, doanh thu thuần năm 2015 là trên 7.855 tỷ đồng còn năm 2016 cũng đạt hơn 7.783 tỷ đồng. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế thu về lần lượt 319 tỷ đồng và hơn 348 tỷ đồng trong năm 2016.

Năm 2017, Lộc Trời đặt kế hoạch tăng trưởng 6,5% về doanh thu lên 8.287 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 460 tỷ đồng (tăng 31,8%), tương ứng lãi cơ bản trên cổ phiếu đạt 5.822 đồng. Tập đoàn sẽ duy trì mức cổ tức bằng tiền mặt 30%/năm.

Thêm 1 đại diện có kết quả kinh doanh tích cực là CTCP Viwaco với mã VAV. 8 triệu CP VAV sẽ giao dịch trên UPCoM vào ngày 26/7 với giá tham chiếu là 60.600 đồng/CP. Như vậy, Viwaco được định giá khoảng 480 tỷ đồng.

Tính đến ngày 5/12/2016, Viwaco có vốn điều lệ lên 80 tỷ đồng và có 3 cổ đông lớn nắm giữ 89,72% vốn; trong đó Vinaconex vẫn nắm giữ 51% vốn điều lệ. Ngoài ra Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội nắm giữ 23,7% vốn và CTCP Đầu tư và Phát triển Sinh thái sở hữu 15,02% vốn.

Vào cuối 2016, tổng tài sản Công ty đạt 464 tỷ đồng, tăng gần 18% so với năm 2015; vốn chủ sở hữu là 213,55 tỷ, tăng 29,07%; Doanh thu thuần đạt 511 tỷ đồng, tăng 11,23% và lợi nhuận sau thuế năm 2016 đạt 90,77 tỷ đồng, tăng 51,14% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đạt hơn 126 tỷ đồng, tăng 48 tỷ so với hồi đầu năm.

Trong năm 2017, Công ty đặt kế hoạch kinh doanh thụt lùi với doanh thu đạt 504,3 tỷ, lợi nhuận sau thuế giảm còn 52,7 tỷ đồng, cổ tức 30% bằng tiền. Đáng chú ý là từ năm 2014-2016, Công ty đều đã thanh toán cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 30%.

Ngoài ra, CTCP Đầu tư Kinh doanh Điện lực TP.HCM cũng sẽ lên UPCoM với mã HTE. Cụ thể, hơn 23,6 triệu CP của Công ty sẽ chính thức được đưa vào giao dịch trên thị trường UPCoM từ ngày 24/7. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 11.000 đồng/CP. Do đó, vốn hóa thị trường của HTE vào khoảng 260 tỷ đồng.

Hiện HTE có vốn điều lệ hơn 236 tỷ đồng, tổng tài sản cuối năm 2016 tăng 17% lên 387 tỷ đồng. Công ty có 3 cổ đông lớn, trong đó Tổng Công ty Điện lực TP.HCM sở hữu số lượng cố phiếu nhiều nhất với 7 triệu đơn vị, chiếm 29,65%; 2 cổ đông còn lại là TCT Điện lực Miền Nam (8,58%) và CTCP Dịch vụ tổng hợp Sài Gòn (5,72%).

Về tình hình kinh doanh năm 2016, doanh thu tăng 12,44% đạt xấp xỉ 252 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế duy trì ở mức trên 25 tỷ đồng, cổ tức bằng tiền mặt từ 8% trở lên trong năm 2015 và 2016. Theo kế hoạch đến năm 2025, HTE sẽ đạt doanh số 1.000 tỷ đồng và mục tiêu trở thành đơn vị đạt hiệu quả cao trong sản xuất, kinh doanh ngành điện.

 Theo Huy Lê/ NDH

>> Cổ phiếu Lộc Trời sẽ là “bom tấn” mảng nông nghiệp trên sàn UPCoM?

Có thể bạn quan tâm