VAMC: Tăng vốn lên 10.000 tỷ đồng để đẩy nhanh xử lý nợ xấu

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) tại Lễ kỷ niệm 5 năm thành lập.
VAMC: Tăng vốn lên 10.000 tỷ đồng để đẩy nhanh xử lý nợ xấu

Tại buổi lễ, ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC cho biết, VAMC sẽ công khai thông tin về các khoản nợ để tất cả các nhà đầu tư có thể vào đó tìm hiểu giao dịch trên cơ sở thuận mua vừa bán.

Theo báo cáo của VAMC, trong năm 2018, VAMC sẽ tập trung đánh giá, phân loại những khoản nợ xấu đã mua và đang quản lý. VAMC sẽ tập trung xử lý các khoản nợ từ 10 tỷ đồng trở lên thay vì 30 tỷ đồng như năm ngoái. Trên cơ sở đó, VAMC sẽ đánh giá, phân loại các khoản nợ xấu để có hướng xử lý phù hợp như: khoản nào cơ cấu nợ, khoản nào miễn giảm lãi, hay xử lý thông qua mua bán nợ, xử lý tài sản đảm bảo, khoản nào phải ra tòa, phải thi hành án; phối hợp với các bên liên quan ra sao...

Ông Đông kiến nghị, trong Đề án 1058 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (về tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu) có quy định trong năm 2018, VAMC được tăng vốn lên 5.000 tỷ đồng. Nhưng với lượng nợ xấu đang quản lý hơn 10 tỷ USD thì nguồn lực tài chính rất khó xử lý hiệu quả số nợ trên. Chưa kể theo đề án thì đến năm 2020 VAMC phải xử lý căn bản nợ xấu đã mua.

Chính vì vậy, VAMC cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước cấp bổ sung đủ vốn điều lệ cho VAMC đạt mức 5.000 tỷ đồng đến hết năm 2018 và mức 10.000 tỷ đồng đến hết năm 2020 theo đề án Cơ cấu lại các hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 1058 để có đủ nguồn lực tài chính cần thiết xử lý nhanh, hiệu quả nợ xấu.

Ông Đông nhấn mạnh: "Hiện nay, VAMC đang triển khai phần mềm mua bán nợ theo thị trường trên cơ sở bổ sung thông tin, xây dựng các hệ thống dữ liệu về nợ xấu. Khi công khai thông tin ai quan tâm đến nợ xấu thì có thể vào đó tìm hiểu giao dịch trên cơ sở thuận mua vừa bán. Đây là cơ sở để hình thành thị trường mua bán nợ xấu trong tương lai cũng như là giải pháp để tận dụng nguồn lực bên ngoài của cả khu vực trong nước lẫn nước ngoài tham gia vào hoạt động mua bán nợ xấu."

Theo đó, VAMC đặt mục tiêu sẽ cầm chịch đối với thị trường mua bán nợ xấu và là trung tâm mua bán nợ xấu của nền kinh tế, ngành ngân hàng. Hiện công ty này cũng liên tục tổ chức những đợt mua bán, đấu giá công khai tài sản xử lý nợ.

Báo cáo tại lễ tổng kết, ông Đoàn Văn Thắng, Tổng giám đốc VAMC cho biết, 5 năm qua, tỷ lệ nợ xấu của toàn ngành ngân hàng đã giảm từ 3,61% cuối năm 2013 xuống 2,18% hiện nay.

Đến thời điểm này VAMC đã được Ngân hàng Nhà nước cấp đủ 2.000 tỷ đồng vốn điều lệ. Tuy nhiên, với kết quả thực hiện đến 31/12/2017, doanh số mua nợ theo giá trị thị trường của VAMC đã đạt 3.141,07 tỷ đồng thì rất khó để đẩy mạnh hoạt động mua bán nợ theo giá thị trường.

Theo đề án cơ cấu và nâng lực của VAMC giai đoạn 2017-2020 và hướng tới đến 2022, từ năm 2018, VAMC sẽ tập trung vào mua, bán, xử lý nợ xấu đã mua theo giá trị thị trường.

Có thể bạn quan tâm