VCCI công bố báo cáo dòng chảy pháp luật kinh doanh Việt Nam 2021

Ngày 29/3, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố báo cáo dòng chảy pháp luật kinh doanh Việt Nam 2021. Ấn bản là sáng kiến của VCCI và được phát hành từ năm 2018.

Qua 4 năm triển khai, báo cáo đã điểm lại những vấn đề nổi bật của pháp luật kinh doanh Việt Nam hàng năm và phản ánh góc nhìn của doanh nghiệp đối với những chính sách được soạn thảo hoặc ban hành, đồng thời phân tích sâu một số vấn đề pháp lý quan trọng tác động đến môi trường kinh doanh.

Năm 2021, theo báo cáo hoạt động xây dựng chính sách về kinh doanh của Việt Nam đi theo hai “dòng chảy” nổi bật: các chính sách liên quan đến COVID-19 và các chính sách cải thiện môi trường kinh doanh.

Chính sách liên quan đến COVID-19: Còn nhiều điểm nghẽn

Đối với các chính sách liên quan đến COVID-19, Báo cáo đã phân tích về những chỉnh sách giảm thuế, giảm phí, lệ phí cũng như các chính sách hỗ trợ tài chính liên quan đến một số ngành nghề chịu thiệt hại nặng nề như hàng không, du lịch. Báo cáo nhận đính, phần lớn các chính sách hỗ trợ đã nhìn “trúng”, “đúng” những đối tượng cần hỗ trợ. Góp phần đáng kể hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn bởi đại dịch. Bên cạnh đó, Báo cáo cũng chỉ ra những vấn đề còn băn khoăn về tính hiệu quả, thực chất của chính sách hỗ trợ. Chẳng hạn, một số mức phí, lệ phí được giảm khá thấp hay việc điều chỉnh khung giá dịch vụ hàng không có nguy cơ không phát huy hiệu quả trên thực tế vì không giảm mức giá tối đa, giá dịch vụ cụ thể sẽ giữ nguyên nếu như doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cảng không điều chỉnh. Điều này là hoàn toàn xảy ra khi các doanh nghiệp này cũng đang gặp khó khăn.

Một trong những vấn đề nổi bật, doanh nghiệp quan tâm trong năm 2021 là những “điểm nghẽn” của hoạt động kinh doanh do các chính sách phòng dịch. Việc đứt gãy nguồn cung nguyên vật liệu, nguồn lao động hay là những thủ tục hành chính, “giấy phép con” đã được chỉ ra và phân tích trong Báo cáo. Báo cáo cũng đánh giá cao Nghị quyết 128/NQ-CP khi khai thông các điểm nghẽn, tạo đà phục hồi sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Dịch bệnh COVID-19 là đại dịch trước nay chưa có tiền lệ ở nước ta. Vì vậy, trong bối cảnh này, rất nhiều vấn đề pháp lý cần phải nhìn nhận lại. Báo cáo đã chỉ ra những quy định trong pháp luật không phù hợp áp dụng trong bối cảnh dịch bệnh, gây khó khăn, bất cập rất lớn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Ví dụ như thiếu vắng các quy định về bán thuốc online, khám bệnh từ xa, chế độ cho người làm việc ở nhà … đây là các hoạt động cần thiết trong tình hình các biện pháp phòng dịch hạn chế người dân ra ngoài đường. Hay các quy định pháp luật không phù hợp áp dụng trong thời kỳ này. Ví dụ, thời gian làm thêm giờ, yêu cầu giấy tờ khi thực hiện gia hạn giấy chứng nhận lưu hành đối với thuốc, nguyên liệu làm thuốc …

Những vấn đề trên đặt ra yêu cầu các nhà soạn chính sách phải xem xét lại một cách toàn diện hệ thống pháp luật về kinh doanh, để xác định: 1) những vấn đề nào chỉ phù hợp trong thời kỳ dịch bệnh – cần có cơ chế để điều chỉnh quy định trong khoảng thời gian này; ii) những vấn đề nào cần phải điều chỉnh lại ngay cả khi mọi thứ quay trở lại bình thường – cần phải sửa đổi bổ sung hoặc thay thế quy định.

Hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh: Nhiều băn khoăn về tính hiệu quả

Mặc dù, không nổi bật và gây chú ý như các chính sách liên quan đến COVID-19, nhưng hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh vẫn là “dòng chảy” bền bỉ mà Nhà nước đang thực hiện để cải cách thể chế.

Năm nay, hoạt động cắt giảm chi phí tuân thủ theo chỉ đạo của Nghị quyết 68/NQ-CP năm 2010 được thúc đẩy mạnh mẽ. Hầu hết các bộ đã đề xuất phương án cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ trong các quy định hiện hành. Báo cáo đã chỉ ra những điểm tích cực trong hoạt động này, đồng thời đặt ra những quan ngại về tính thực chất của hoạt động. Bởi vì, nhiều vấn đề vướng trong pháp luật hiện hành, đã được doanh nghiệp phản ánh nhưng vẫn chưa thấy đề xuất sửa đổi, bổ sung trong các Phương án đưa ra.

Bên cạnh đó, báo cáo cũng chỉ ra nghịch lý, trong khi Chính phủ thúc đẩy hoạt động cải cách, cắt giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp thông qua đơn giản hóa, cắt bỏ điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính thì một số chính sách đề xuất soạn thảo mới trong năm 2021 lại có xu hướng gia tăng thêm điều kiện kinh doanh. Ví dụ như xuất khẩu gạo, thẩm định giá. Điều này đặt ra câu hỏi lớn về tính thực chất và hiệu quả của hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh mà Nhà nước đang tiến hành.

Bên cạnh điểm lại một số vấn đề pháp luật nổi bật năm 2021, báo cáo Dòng chảy còn phân tích sâu hai chuyên đề: Chất lượng của thông tư, công văn và không gian thử nghiệm pháp lý Sandbox.

Chất lượng của thông tư, công văn: Có cải thiện nhưng vẫn vướng

Báo cáo đã chỉ ra một số vấn đề còn tồn tại trong thông tư, công văn – hai dạng văn bản liên quan sát sườn đến hoạt động của doanh nghiệp. Cụ thể:

Có nhiều thông tư ban hành điều kiện kinh doanh – điều mà Luật Đầu tư 2014, 2020 cấm. Các quy định tại thông tư vẫn còn tình trạng: chưa rõ ràng, thiếu thống nhất, chưa hợp lý và khả thi. Mặc dù, những quy định này tưởng là “nhỏ” nhưng vì liên quan đến hoạt động hàng ngày, thường xuyên của doanh nghiệp, nên trở thành rào cản, gây khó khăn đáng kể cho doanh nghiệp.

Vẫn còn tình trạng công văn có chứa các quy phạm pháp luật, vi phạm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2018. Báo cáo cũng chỉ ra những vấn đề bất cập của công văn như: nội dung của công văn chưa rõ ràng, chính xác, thiếu thống nhất trong áp dụng pháp luật giữa các cơ quan thực thi, hay nội dung của công văn không đủ tin cậy. Đây là những vấn đề tác động rất lớn đến hoạt động của doanh nghiệp, và đặt ra tính chịu trách nhiệm của các cơ quan ban hành dạng văn bản này.

Báo cáo bước đầu chỉ ra những nguyên nhân của tình trạng trên, đồng thời đề xuất các kiến nghị để cải thiện chất lượng của các dạng văn bản này.

Quan ngại về không gian thử nghiệm pháp lý Sandbox

Báo cáo đã đưa ra một số thách thức, quan ngại trong việc xây dựng sandbox dưới góc nhìn của cộng đồng doanh nghiệp.

Bao giờ có sandbox? Cho đến thời điểm này, Việt Nam vẫn chưa xây dựng được một sandbox theo đúng nghĩa, và do đó đang chậm hơn so với thế giới và cả Đông Nam Á trong nhiệm vụ thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Nguy cơ chồng chéo trong quản lý: Nguy cơ mỗi Bộ, ngành xây dựng sandbox chỉ áp dụng cho riêng lĩnh vực của mình có thể dẫn đến nguy cơ một startup cùng lúc phải tham gia nhiều cơ chế thử nghiệm, tạo ra sự chồng chéo, thiếu thống nhất trong quản lý.

Không – thời gian thử nghiệm: Việc xác lập không – thời gian thử nghiệm cần được giới hạn phù hợp để tránh tạo ra ưu thế thị trường cho một vài doanh nghiệp đi đầu.

Được tham gia hay không? Giới hạn số lượng doanh nghiệp được tham gia có thể tạo ra thế bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong ngành và nguy cơ thiếu minh bạch trong xét duyệt.

Ngoài ra, báo cáo cũng nếu ra một số vấn đề khác như nhu cầu kết hợp sandbox và các mô hình hỗ trợ đổi mới sáng tạo khác, xác định rõ mục tiêu của cơ chế thử nghiệm hay rủi ro không kịp thời văn bản pháp luật điều chỉnh sau quá trình thử nghiệm.

Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI, nhận định báo cáo dòng chảy pháp luật kinh doanh năm 2021 là nguồn thông tin hữu ích cho cả doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và cơ quan nhà nước. Doanh nghiệp, hiệp hội sẽ nhận diện được các vấn đề pháp lý tác động đến hoạt động kinh doanh.

Cũng qua đó, các cơ quan quản lý nhà nước nhận biết được quan điểm của doanh nghiệp đối với các chính sách soạn thảo, làm nguồn tham khảo cho các hoạt động soạn chính sách kế tiếp.

Nhóm nghiên cứu hi vọng báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh sẽ là nguồn thông tin hữu ích gửi tới doanh nghiệp, hiệp hội và cơ quan quản lý. Doanh nghiệp có thể nhận biết được những điểm nổi bật của pháp luật kinh doanh trong năm. Cơ quan nhà nước có thể nhận diện góc nhìn của doanh nghiệp đối với những vấn đề pháp lý kinh doanh, tham khảo cho hoạt động xây dựng văn bản pháp luật liên quan.

Có thể bạn quan tâm