VEAM lùi thời gian tổ chức ĐHĐCĐ sang 30/6

Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP (VEAM, mã: VEA) vừa có quyết định dời ngày tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 vào ngày 30/6 thay cho lịch tổ chức cũ là ngày 31/5.
VEAM lùi thời gian tổ chức ĐHĐCĐ sang 30/6

Thời gian chốt danh sách cổ đông dự họp là 13/6/2019. Lý do việc thay đổi thời gian tổ chức ĐHĐCĐ để VEAM có đủ thời gian chuẩn bị các nội dung liên quan đến việc phân phối lợi nhuận năm 2018 và hồ sơ liên quan đến bầu bổ sung thành viên HĐQT.

Theo tài liệu ĐHĐCĐ đã công bố trước đó, năm 2019 VEAM đề ra chỉ tiêu kinh doanh cho công ty mẹ với doanh thu thuần giảm 18% xuống 2.398 tỷ đồng. Doanh thu tài chính tăng 32% lên 7.243 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế tăng 23% ở mức 6.402 tỷ đồng.

VEAM sẽ tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ bàn giao giữa công ty TNHH sang CTCP; thực hiện đăng ký công ty đại chúng, đăng ký giao dịch hoặc niêm yết đối với các công ty đủ điều kiện gồm Matexim, Cơ khí An Giang; tăng vốn điều lệ, thoái vốn, khắc phục tình trạng sở hữu chéo tại các đơn vị thành viên; thực hiện thoái vốn Nhà nước tại VEAM theo quyết định 1232 ngày 17/8/2017 của Thủ tướng…

Cũng theo tài liệu ĐHĐCĐ, VEAM sẽ khởi động lại việc niêm yết cổ phiếu trên HoSE.Số lượng cổ phần niêm yết là 1.328.800.000 cổ phần VEA, với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần. 

Hiện cổ phiếu của công ty đang giao dịch trên UPCoM với thị giá xoay quanh ngưỡng 51.000 đồng/cp, tương ứng với vốn hóa thị trường đạt gần 70.000 tỷ đồng.

Mặc dù giao dịch trên UPCoM nhưng cổ phiếu VEAM vẫn thu hút sự quan tâm lớn của giới đầu tư và hiện đang nằm trong top những khoản đầu tư lớn nhất của các quỹ ngoại như Dragon Capital và Pyn Elite Fund.

Thời gian qua, Bộ Công Thương đã tiến hành thanh tra VEAM và phát hiện nhiều sai phạm trong công tác tổ chức cán bộ, sai phạm trong công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản, công nợ… gây thiệt hại, lãng phí tài sản của nhà nước.

Bộ Công Thương đã chuyển tiếp một số vụ việc sang Bộ Công An để làm rõ và xử lý trách nhiệm đối với các hành vi có dấu hiệu vi phạm quy định về quản lý kinh tế, trong đó có một số sai phạm liên quan đến ông Trần Ngọc Hà với vai trò là Tổng Giám đốc của VEAM, bao gồm:

Việc mua linh kiện phụ tùng ô tô (3000 bộ linh kiện xe Huyndai Mighty với Tập đoàn Thành Công (TCG); 1500 bộ linh kiện của Đơn đặt hàng số 15/ĐĐH-VEAM/TTKD giữa VEAM và Chi nhánh Công ty TNHH MeKong Auto…); Vụ chuyển tiền từ VEAM cho Nhà máy ô tô VEAM; Các sai phạm trong công tác quản lý vốn và công nợ.

Ngoài ra, Bộ cũng chuyển Bộ Công an làm rõ dấu hiệu cố ý làm trái, buông lỏng trong công tác quản lý đất đai tại Tổng công ty và một số đơn vị thành viên gây thiệt hại, lãng phí tài sản nhà nước.

>> Công bố kết luận thanh tra các sai phạm tại VEAM

Có thể bạn quan tâm