Vén màn bí ẩn công ty “sân sau” trong đại án OceanBank

Công ty cổ phần BSC Việt Nam (BSC) được sinh ra để phục vụ mục tiêu “thu phí” của khách hàng và chi các khoản tiền “chăm sóc khách hàng” gửi tiền vào OceanBank lên tới cả nghìn tỷ đồng. Thế nhưng, BSC
Vén màn bí ẩn công ty “sân sau” trong đại án OceanBank

Cựu chủ tịch OceanBank Hà Văn Thắm: "Tôi kiếm tiền chính đáng chứ không muối mặt xin khách hàng cắt phí"

Phiên tòa ngày 30/8, liên quan đến hoạt động của công ty BSC, bị cáo Hà Văn Thắm cho rằng, các ngân hàng khác đều có các dịch vụ trung gian trong tín dụng nên Thắm đã thành lập BSC. Ngoài ra, công ty cũng còn thực hiện một số hoạt động trong các lĩnh vực khác.

Xử lý những khoản vay “có vấn đề”

Qua những lời khai của Hà Văn Thắm tại toà, dư luận quan tâm tới đại án sai phạm tại OceanBank đã dần hiểu thêm về những “góc khuất” lắt léo trong hoạt động tín dụng ngân hàng. Nhất là những kênh để hợp thức hoá những khoản chi tiêu ngoài sổ sách, không có hoá đơn chứng từ, không có mục đích rút – nhận rõ ràng, hợp lệ…

Đáng chú ý, vai trò của BSC trong đại án Ocean Bank được dùng để xử lý tài sản đảm bảo của các đối tượng có nhu cầu vay vốn tại Ocean Bank.

Theo lời khai của Hà Văn Thắm, cựu Chủ tịch Oceanbank, những tổ chức cá nhân vay tiền nếu gặp khiếm khuyết gì về thủ tục sẽ qua BSC làm cho chặt chẽ hơn.

Điển hình như việc Vinashin có đề xuất vay vốn tại Ocean Bank nhưng tài sản đảm bảo là 6.000m2 đất kho, không có sổ đỏ nên không đủ điều kiện thế chấp. Vì vậy, Thắm đã chỉ đạo chuyển tài sản bảo đảm này sang cho công ty BSC quản lý.

Với vai trò công ty “sân sau” hỗ trợ tích cực cho các khách hàng của OceanBank, BSC đã hỗ trợ xử lý nhiều khoản vay “có vấn đề” do lãnh đạo ngân hàng chỉ đạo thực hiện. Điều này cũng giúp lý giải vì sao Công ty Trung Dung được Hà Văn Thắm chỉ đạo sếp Ocean Bank cấp khoản tín dụng lên tới 500 tỷ đồng một cách dễ dàng và Trung Dung không nằm trong danh sách khách hàng của BSC. 

Như vậy, có thể hiểu là công ty BSC đứng ra mua tài sản của khách hàng rồi vay tiền của Oceanbank để hoạt động tín dụng. Bước tiếp theo, BSC sẽ bán lại cho các tổ chức, cá nhân do khách chỉ định. "Số tiền sau đó được BSC trả lại cho ngân hàng", cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank trình bày.

Cơ quan điều tra xác định, nghiệp vụ đảm bảo tài sản thế chấp trên của BSC đã được Hà Văn Thắm chỉ đạo thực hiện ký các loại hợp đồng dịch vụ (thẩm định bất động sản, quản lý tài sản, tư vấn tài chính, mau bán có kỳ hạn các loại tài sản…) với khách hàng vay vốn tại OceanBank để “thu phí” của khách hàng. Đây thực chất là thu khoản tiền ngoài lãi suất cho vay.

“Rửa” hàng nghìn tỷ đồng chi lãi ngoài

Trong đại án OceanBank, cả dàn lãnh đạo cấp cao của ngân hàng đều chỉ đạo, thực hiện những hoạt động vi phạm quy định ngân hàng. Theo cáo trạng, Hà Văn Thắm và Nguyễn Xuân Sơn cũng đã chỉ đạo Nguyễn Minh Thu, thời điểm đó là Phó Tổng Giám đốc phụ trách nguồn vốn của Ocean Bank đã thực hiện việc thu tiền chênh lệch tỷ giá trong hợp đồng bán ngoại tệ cho khách hàng trong hệ thống Ocean Bank. Việc thu tiền ngoài này được “hợp thức hoá” bằng cách khách hàng phải ký thêm các hợp đồng dịch vụ với công ty BSC.

Ngoài hai loại thu phí trá hình trên, một số khách hàng cá nhân có nhu cầu vay vốn, vay nợ, đảo nợ… từ Ocean Bank nhưng không đủ điều kiện, sẽ được vay vốn thông qua BSC; đổi lại, Ocean Bank sẽ thu của khách hàng khoản tiền chênh lệch thông qua các điều khoản mua lại tài sản/bất động sản ký với công ty BSC.

Kết quả điều tra cho thấy, từ ngày 22/5/2009 đến ngày 31/1/2012, BSC đã thu phí tổng cộng gần 71 tỷ đồng, bao gồm 37 tỷ thu chênh lệch lãi suất thông qua 512 hợp đồng tín dụng khống; 200 hợp đồng thu chênh lệch tỷ giá với số tiền 13 tỷ đồng; 80 hợp dồng dịch vụ mua bán tài sản/bất động sản trị giá 19 tỷ đồng; còn lại 2 tỷ đồng thông qua 5 hợp đồng thu phú của khách hàng.

Lý giải việc thành lập công ty này, Hà Văn Thắm khẳng định: “Bị cáo làm dịch vụ kiếm tiền chính đáng chứ không muối mặt xin khách hàng cắt lại phí”.

Bào chữa cho cách kiếm tiền này, bị cáo Hà Văn Thắm cho rằng ở vị trí của mình, nếu muốn thu 70 tỷ đồng chỉ cần một đến hai khách hàng lớn. "Tôi cho ông vay 500-700 tỷ đồng, ông trích lại cho tôi 50-70 tỷ đồng là xong ngay, không cần phiền ai cả, không cần làm mấy trăm hợp đồng tốn chi phí. Trong cáo trạng có nêu công ty BSC thu về 69 tỷ đồng, tuy nhiên không phải thu hết chỗ đó mà còn phải chi thuế nữa", Thắm nói.

Được biết, Công ty BSC Việt Nam do Hà Văn Thắm thành lập vào ngày 10/1/ 2008 với vốn điều lệ 10 tỷ đồng.

Ngày 16/12/2008, BSC thay đổi kinh doanh lần thứ 3, Hoàng Thị Hồng Tứ, Thư ký HĐQT Ocean Bank được Hà Văn Thắm nhờ đứng tên làm Chủ tịch HĐQT và là người đại diện trước pháp luật.

Ngày 12/3/2009, BSC thay đổi kinh doanh lần thứ 4, bổ sung ngành nghề: Dịch vụ định giá bất động sản, dịch vụ tư vấn bất động sản và dịch vụ đấu giá, quản lý bất động sản.

Đến thời điểm Hà Văn Thắm bị bắt, Công ty BSC có tổng cộng 5 người gồm: Hoàng Thị Hồng Tứ, chủ tịch HĐQT và đại diện trước pháp luật, nhưng không làm việc và không hưởng lương tại công ty SBC. Phạm Hoàng Giang là Tổng Giám đốc, hưởng lương 10 triệu/tháng. Nguyễn Thế Duẫn (sau đó là Nguyễn Tuấn Mạnh), chuyên soạn thảo, thẩm định các hợp đồng; Hoàng Thị Hồng Nhung và Nguyễn Thị Hậu.

CQĐT đã tiến hành xác minh và ghi lời khai của 253/590 khách hàng đã ký với BSC và họ đều khai: việc ký hợp đồng dịch vụ và nộp phí cho Công ty BSC là theo hướng dẫn của cán bộ ngân hàng; thực tế họ không có nhu cầu về dịch vụ và Công ty BSC cũng không cung cấp dịch vụ gì, nhưng phải ký hợp đồng và trả phí để được ngân hàng cho vay vốn hoặc bán ngoại tệ; 7 khách hàng khai có ký hợp đồng dịch vụ và nộp một khoản tiền theo hợp đồng dịch vụ cho Công ty BSC nhưng không nhớ lý do ký hợp đồng.  Số lượng 382 khách hàng còn lại là doanh nghiệp đã giải thể hoặc cá nhân đã thay đổi chỗ ở hoặc không có mặt tại địa phương nên CQĐT không ghi được lời khai của họ.

Tuy nhiên, với tài liệu thu thập được, CQĐT xác định BSC là công ty của Hà Văn Thắm, việc OceanBank cho Công ty BSC vay vốn, sau đó giải ngân cho khách hàng không đủ điều kiện vay vốn tại ngân hàng được hợp thức hóa bằng 80 hợp đồng chuyển nhượng bất động sản/tài sản có kỳ hạn thu 18,89 tỷ đồng của khách hàng là trái với Điều 19 Quy chế cho vay của TCTD đối với khách hàng.Theo kết luận giám định của NHNN, 721 hợp đồng dịch vụ khống của Công ty BSC “thu phí” của khách hàng gây thiệt hại 50 tỷ đồng cho OceanBank và khách hàng, trong đó thiệt hại cho ngân hàng là 2,28 tỷ đồng và thiệt hại cho khách hàng là 47,7 tỷ đồng. Riêng đối với 80 hợp đồng mua bán bất động sản có kỳ hạn, Công ty BSC đã thu của khách hàng 18,89 tỷ đồng chưa đủ căn cứ giám định.

Như vậy, với việc sử dụng Công ty BSC để ký 721 hợp đồng dịch vụ khống “thu phí” được 50,035 tỷ đồng và 80 hợp đồng mua bán BĐS có kỳ hạn thu được số phí 18,89 tỷ đồng, đã gây hậu quả thiệt hại cho OceanBank và khách hàng là 68,93 tỷ đồng để sử dụng chi cho mục đích vụ lợi của Nguyễn Xuân Sơn.

>> Nguyễn Xuân Sơn đã chiếm đoạt 246 tỷ đồng của OceanBank ra sao?

Có thể bạn quan tâm