Vì sao các "ông lớn" xe điện chưa vào thị trường Việt?

Để thu hút các thương hiệu xe điện nổi tiếng trên thế giới vào thị trường Việt, cần tiếp tục phát triển hạ tầng trạm sạc, chính sách ưu đãi và giải pháp đột phá…

Hãng xe điện nổi tiếng thế giới là Tesla vẫn chưa có sự hiện diện chính thức tại thị trường Việt Nam

Theo thống kê của Bộ Giao thông vận tải, đến tháng 7/2023, thị trường Việt mới chỉ có gần 12.600 xe ô tô điện. Con số này chủ yếu đến từ doanh số bán hàng của VinFast, khi các thương hiệu xe ô tô điện nổi tiếng trên thế giới vẫn chưa có mặt tại Việt Nam.

Tuy nhiên, theo dự đoán của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), số xe điện tại Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới, đạt 1 triệu chiếc vào năm 2028 và 3,5 triệu chiếc vào năm 2040.

RÀO CẢN HẠ TẦNG TRẠM SẠC

Nếu lấy đích đến là 1 triệu xe điện vào năm 2028, vấn đề thiếu hạ tầng trạm sạc là một trong những rào cản lớn nhất đối với sự phát triển của loại phương tiện này. Tại thị trường trong nước, số lượng xe điện vẫn còn ít, và mạng lưới trạm sạc cũng chưa phát triển đồng đều. Điều này khiến cho việc sử dụng xe điện gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với những người sống ở các khu vực xa trung tâm.

Trong cuộc trao đổi với báo chí về các vấn đề chính sách và thể chế trong phát triển xe điện tại Việt Nam tại Hội thảo "Xe điện" do Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội tổ chức vào cuối tháng 3/2023.

GS.TS. Bùi Văn Ga, Tiến sĩ chuyên ngành động cơ nhiệt, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng: "Việc sử dụng xe điện không nằm ở vấn đề công nghệ mà nằm ở cơ sở hạ tầng để chúng ta sử dụng nó mới là quan trọng, vì vậy rất cần sự đầu tư, tính toán của Nhà nước".

Hệ thống trạm sạc xe điện VinFast đang có nhiều lợi thế cạnh tranh khi được triển khai rộng rãi

Tại Việt Nam, hệ thống trạm sạc xe điện chủ yếu đến từ VinFast, hiện thương hiệu Việt đã phát triển hệ thống trạm sạc với hơn 150.000 cổng sạc cho xe máy điện và xe ô tô điện trên 63 tỉnh, thành phố. Trạm sạc VinFast được trang bị các loại công suất khác nhau, từ 11kW đến 250kW, được đặt tại các bãi đỗ xe, bến xe, tòa nhà chung cư, văn phòng, trung tâm thương mại, trạm dừng nghỉ, trạm xăng dầu dọc cao tốc, quốc lộ giúp người dùng có thể sạc xe nhanh chóng và tiện lợi.

Một số thương hiệu xe sang như Mercedes, Porsche, BMW hay Audi cũng đang thiết lập hệ thống trạm sạc cho khách hàng, tuy nhiên số lượng vẫn còn hạn chế, hầu hết chỉ lắp đặt tại showroom hoặc nhà máy của hãng. Điều này khiến người tiêu dùng muốn mua xe điện của các hãng này phải đắn đo không ít về vấn đề sạc cho xe.

Hiện tại, VinFast chưa có ý định chia sẻ trạm sạc ô tô điện. Tỷ phú Phạm Nhật Vượng cho rằng: “Không có lý do gì VinFast bỏ ra hàng triệu USD để xây dựng trạm sạc lại có thể dễ dàng cho các đối thủ sử dụng. Do đó, sau 10 năm nữa sẽ cho các hãng khác sạc cùng”.

Ngoài ra, giá thành của xe điện vẫn còn cao hơn so với xe xăng truyền thống. Điều này là do chi phí sản xuất xe điện vẫn còn cao, đặc biệt là chi phí pin. Theo Tổng cục Thống kê, GDP bình quân đầu người ở Việt Nam năm 2022 ước khoảng 4.110 USD. Đây vẫn là một con số thấp để người tiêu dùng có thể sở hữu phương tiện cá nhân bốn bánh thông thường, việc sở hữu xe điện càng khó hơn do giá bán thường cao hơn so với xe tương tự sử dụng động cơ đốt trong.

Nhìn chung, theo đánh giá của Cục Công Nghiệp, Bộ Công Thương có 7 yếu tố ảnh hưởng đến việc phát triển ngành công nghiệp xe điện tại Việt Nam bao gồm: Mức thu nhập trung bình thấp; Thiếu cơ sở hạ tầng trạm sạc; Phạm vi hoạt động của xe điện còn hạn chế; Chính sách ưu đãi đối với ô tô điện; Cơ cấu nguồn điện – tác động đối với môi trường từ quá trình sử dụng xe điện; Tác động đối với môi trường từ quá trình sản xuất xe điện; Cạnh tranh từ các nước trong khu vực trong việc thu hút các dự án sản xuất xe điện như Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc.

CẦN GIẢI PHÁP ĐỘT PHÁ

Để có con số gần 12.600 xe ô tô điện tại Việt Nam, các chính sách của Chính phủ ưu đãi cho xe điện đã đưa mức thu lệ phí trước bạ của xe ô tô điện chạy pin về mức 0% trong vòng 3 năm (từ tháng 3/2022 đến tháng 3/2025). Mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe ô tô điện chạy pin cũng giảm từ 15% xuống còn 3% (có hiệu lực đến hết tháng 2/2027).

Theo Chương trình chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành giao thông vận tải. Với đường bộ, giai đoạn 2031-2050, năm 2040, Việt Nam sẽ từng bước hạn chế, tiến tới dừng sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô, mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hoá thạch để sử dụng trong nước.

Đến năm 2050, 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe và máy thi công tham gia giao thông chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh.

Về vận tải công cộng, từ năm 2030, tỉ lệ phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 50%; 100% xe taxi thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh. Đến năm 2050, 100% xe buýt, xe taxi sử dụng điện, năng lượng xanh...

Theo GS.TS. Bùi Văn Ga, Việt Nam cần có chính sách khuyến khích người sử dụng xe điện. Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã hỗ trợ chi phí cho xe điện để người dân sử dụng. Tuy nhiên, khi chính sách hỗ trợ đó chưa đủ, cần phải có thêm chính sách về môi trường.

“Bên cạnh đó là chính sách về năng lượng. Một bài toán nữa đó là nếu tất cả chuyển sang dùng ô tô, xe máy điện thì công suất điện tăng lên rất nhiều, ít nhất gấp 2-3 lần so với hiện nay thì liệu chúng ta có đủ năng lượng điện để cung cấp hay không?” GS.TS. Bùi Văn Ga nhấn mạnh.

Vào cuối tháng 8/2023, Bộ Giao thông vận tải đã đề xuất gửi Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về khung chính sách hỗ trợ chuyển đổi ô tô chạy xăng sang xe điện, trong đó có kiến nghị hỗ trợ 1.000 USD cho người mua xe ô tô điện.

Đồng thời, đề xuất hỗ trợ về các loại thuế với hoạt động sản xuất, lắp ráp tiêu thụ cũng như xây dựng trạm sạc cho xe ô tô điện. Bộ Giao thông vận tải đề xuất 3 loại xe ô tô điện là xe ô tô điện chạy pin, xe ô tô điện sử dụng pin nhiên liệu và xe ô tô năng lượng mặt trời sẽ được hưởng hỗ trợ, ưu đãi phát triển.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải từ chối nhiều đề xuất ưu đãi cho xe điện. Theo Bộ Tài chính, việc đặt vấn đề trợ giá, hỗ trợ tài chính trực tiếp đối với các nhà sản xuất, người tiêu dùng ô tô điện hóa là chưa phù hợp vì những người sử dụng ô tô đặc biệt là ô tô điện là những người có thu nhập cao trong xã hội.

Bộ Tài chính nhận định, giai đoạn vừa qua, luật về thuế, phí, lệ phí đã được rà soát, sửa đổi, bổ sung để phù hợp với sự phát triển của đất nước từng thời kỳ cũng như các yêu cầu về phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng. Trong số đó, đã có nhiều chính sách để khuyến khích sử dụng ô tô thân thiện môi trường, ô tô điện hóa ở mức độ khá cao.

Bộ Tài chính cũng không đồng tình với một số đề xuất khác của Bộ Giao thông Vận tải liên quan đến chính sách thuế cho xe ô tô điện. Trong đó có dự thảo đề xuất tiếp tục ưu đãi mức thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô điện sản xuất lắp ráp trong nước loại chở người từ 9 chỗ trở xuống là 3%, kể cả sau ngày 28/2/2027.

Cần có các chính sách và giải pháp đột phá với xe điện

Hướng đến con số 1 triệu chiếc vào năm 2028 là một mục tiêu đầy tham vọng của thị trường xe ô tô điện trong nước so với con số gần 12.600 chiếc.

Mới đây, tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội ở Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV, ông Nguyễn Đại Thắng, đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm nghiên cứu các chính sách và giải pháp đột phá, đồng bộ tương ứng với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Ông Thắng cho rằng, cần sớm ban hành một nghị quyết riêng để thí điểm các chính sách ưu đãi cụ thể về thuế, đất đai, về tín dụng thủ tục hành chính để đẩy mạnh đầu tư sản xuất lắp ráp, nhằm sớm đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất xe điện và phụ tùng của thế giới, đáp ứng nhu cầu sản xuất xe điện trong nước và xuất khẩu.

Việt Nam cần có lộ trình để chuyển đổi việc sử dụng các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ từ nhiên liệu hóa thạch sang xe điện. Quan tâm đầu tư hạ tầng đồng bộ các trạm sạc điện để đáp ứng nhu cầu sử dụng xe điện ngày càng gia tăng, bắt kịp xu thế của khu vực và trên thế giới.

Có thể bạn quan tâm