Vì sao sự phát triển của thị trường Fintech ở Việt Nam chưa xứng với tiềm năng?

Thị trường Fintech đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam, nhưng do khuôn khổ pháp lý chưa đầy đủ và thiếu đồng bộ khiến sự phát triển của Fintech chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có.

Mặc dù mới xuất hiện ở Việt Nam khoảng 6 năm nay, nhưng thị trường Fintech đã chứng kiến sự phát triển rất nhanh cả về mặt số lượng, sự đa dạng trong sản phẩm, dịch vụ và thu hút vốn đầu tư.


Tìm hiểu của chúng tôi theo thống kê của Ngân hàng nhà nước cho biết, số lượng các công ty Fintech ở Việt Nam đã tăng gấp gần 4 lần từ khoảng 40 công ty cuối năm 2016 lên tới con số hơn 150 công ty ở thời điểm cuối năm 2019, hoạt động trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau như trung gian thanh toán (ví điện tử), tài chính cá nhân, cho vay ngang hàng (P2P lending), công nghệ bảo hiểm, ngân hàng số, điểm tín dụng, gọi vốn cộng đồng,…


Trong số những công ty nói trên có 32 công ty trung gian thanh toán đã được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép hoạt động tiếp tục tham gia sâu vào thị trường thanh toán, phát triển nhiều dịch vụ thanh toán với chất lượng được nâng cao, đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng; an ninh, an toàn bảo mật trong hoạt động trung gian thanh toán được quan tâm và chú trọng thực hiện.


Lĩnh vực P2P Lending với số lượng khoảng 40 công ty; những công ty Fintech khác phát triển các giải pháp để hỗ trợ hoạt động của ngân hàng mà không trực tiếp cung ứng dịch vụ tới khách hàng sử dụng cuối cùng.


Theo thống kê, thị trường Fintech Việt Nam đạt 4,4 tỷ USD tính tới năm 2017 và con số đã tăng rất cao trong năm 2020 và 2021. Sự phát triển của Fintech tại Việt Nam đang tăng trưởng mạnh mẽ, thu hút 117 triệu USD vốn khởi nghiệp, vượt qua thị trường E-commerce đang ở mức 104 triệu USD và các lĩnh vực khác khiến Fintech trở thành lĩnh vực được tài trợ nhiều nhất cho giới khởi nghiệp năm 2018.


Từ thực tế cho thấy thời gian qua Việt Nam đã và đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực Fintech. Song, nhiều chuyên gia nhận định, Việt Nam vẫn chưa có một hệ sinh thái Fintech rõ rệt, sự phát triển của Fintech chưa tương xứng với tiềm năng.


Nguyên nhân chủ yếu là do khuôn khổ pháp lý cho Fintech ở Việt Nam còn rất sơ khai. Hầu như chưa có khuôn khổ pháp lý quy định rõ về mô hình hoạt động, địa vị pháp lý, các điều kiện thành lập và hoạt động của công ty Fintech, về bản chất sản phẩm, dịch vụ, các tiêu chuẩn của sản phẩm, dịch vụ, hay các quy định về bảo vệ người tiêu dùng sản phẩm tài chính, bảo vệ thông tin cá nhân…

Khuôn khổ để phát triển thị trường Fintech tại Việt Nam chưa đầy đủ và thiếu đồng bộ
Khuôn khổ để phát triển thị trường Fintech tại Việt Nam chưa đầy đủ và thiếu đồng bộ

Thực tế, khi khuôn khổ pháp lý đối với Fintech chưa đầy đủ và thiếu đồng bộ đã mang đến nhiều bất cập trong việc phát triển thị trường. Thậm chí xuất hiện tình trạng lừa đảo thông qua các dịch vụ đầu tư tiền ảo (iFan, Pincoin…); Thông qua công nghệ cho vay ngang hàng (P2P Lending); Huy động vốn cộng đồng dạng đa cấp, tín dụng đen trá hình… đã gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội.


Tính đến thời điểm này, Nhà nước mới có khung pháp lý cho thanh toán điện tử (Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt). Các lĩnh vực dịch vụ khác của Fintech như tín dụng, cho vay ngang hàng, hỗ trợ định danh khách hàng, giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API), các giải pháp ứng dụng công nghệ đổi mới sáng tạo như Blockchain, hỗ trợ hoạt động ngân hàng (như chấm điểm tín dụng, tiết kiệm, huy động vốn…) vẫn còn đang được các cơ quan quản lý xem xét và thử nghiệm.


Mới đây, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 100/NQ-CP ngày 6/9/2021 thông qua đề nghị xây dựng Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng.


Cùng với việc thông qua đề nghị xây dựng Nghị định trên, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tiếp thu đầy đủ ý kiến của các thành viên Chính phủ trong quá trình xây dựng Nghị định, bảo đảm theo đúng quy định của luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi, bổ sung năm 2020) và các văn bản pháp luật có liên quan, trình Chính phủ trong quý IV/2021.


Nhưng một vấn đề đặt ra là việc xây dựng các quy định pháp luật cụ thể như thế nào để giúp các doanh nghiệp trong lĩnh vực này có cơ sở pháp lý để tập trung làm ăn, phát triển, đồng thời góp phần giảm các hình thức biến tướng lợi dụng mô hình kinh doanh P2P Leding thời gian qua, sẽ được chúng tôi phân tích ở bài viết tiếp theo.

Có thể bạn quan tâm