Việt Nam có nhiều điểm tiến bộ trong khung PPP

Ngày 27/11, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã công bố Báo cáo thường niên đầu tiên về giám sát tiến triển môi trường đối tác công – tư (PPP) tại các nước thành viên.
Việt Nam có nhiều điểm tiến bộ trong khung PPP

Về Việt Nam, theo Báo cáo, từ năm 1990 tới năm 2016, Việt Nam đã hoàn tất thủ tục cho 84 dự án PPP với tổng số vốn lên tới 16,2 tỷ USD, với 79% các dự án thuộc lĩnh vực năng lượng. Báo cáo ghi nhận nhiều điểm tiến bộ trong khung PPP, bao gồm: tạo điều kiện cho các cơ chế thanh toán dựa trên hiệu quả thực thi/khả năng sẵn có, dỡ bỏ hạn chế trước đó về bù đắp thiếu hụt tài chính ở mức 49% tổng chi phí đầu tư, tạo điều kiện cho một phạm vi rộng hơn các dự án cơ sở hạ tầng có thể được triển khai theo hình thức đối tác công - tư, và thiết lập các quy trình để xác định, thẩm định và phê duyệt các dự án PPP…

Báo cáo cũng ghi nhận tiến bộ của Việt Nam trong việc đảm bảo cạnh tranh trong đấu thầu các dự án cũng như việc các bộ, ngành đang tích cực trong việc thực hiện lộ trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước vào năm 2020.

Tuy nhiên, Báo cáo cũng chỉ ra một số thách thức trong môi trường PPP của Việt Nam hiện nay như các vấn đề bảo đảm an toàn cho bên cho vay nước ngoài do khung pháp lý hiện hành về tăng cường tín dụng và các cơ chế bảo lãnh vẫn chưa rõ ràng, những hạn chế về thế chấp quyền sử dụng đất cho các ngân hàng nước ngoài khi đất đai được cấp trên cơ sở cho thuê miễn phí…

Báo cáo của ADB nhằm giúp ích cho các nhà hoạch định chính sách và nhà đầu tư bằng cách cung cấp thông tin và dữ liệu chuyên sâu về môi trường kinh doanh cho các hoạt động PPP theo thời gian, cho phép những nhà đầu tư về cơ sở hạ tầng tiếp cận các cơ hội ở nhiều quốc gia và lĩnh vực.

Những cập nhật hàng năm của Báo cáo sẽ nêu bật các cải cách quan trọng có thể thu hút hoặc ngăn cản các nhà đầu tư, cho phép các nhà hoạch định chính sách giám sát tiến triển trong môi trường PPP. Bên cạnh Việt Nam, Báo cáo cũng đã tiến hành khảo sát ở 8 nước trong khu vực như Bangladesh, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia…

Có thể bạn quan tâm