Việt Nam: Điểm đến 4.0 của doanh nghiệp Nhật Bản

Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ với hàng loạt công nghệ mới, Việt Nam được đánh giá sẽ là điểm đến hấp dẫn trong lĩnh vực này, đặc biệt đối với các doanh nghiệp Nhật Bản.
Việt Nam: Điểm đến 4.0 của doanh nghiệp Nhật Bản

Ông Koji Nakao, cán bộ điều hành của Set Japan Coporation – doanh nghiệp chuyên cung cấp các giải pháp công nghệ thông tin, đánh giá rằng lao động Việt Nam rất chăm chỉ và thật thà, tạo ra nền tảng tốt để học hỏi những công nghệ mới.

Trên thực tế, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có thế mạnh về nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT). Theo chương trình đánh giá sinh viên quốc tế (PISA) do OECD nghiên cứu, kết quả học tập của học sinh Việt Nam nằm trong Top 20 và đặc biệt giỏi về toán và khoa học, tạo ra nền tảng tốt cho giáo dục đại học về công nghệ.

Với 290 trường đại học và cao đẳng cung cấp đào tạo về CNTT, Việt Nam đang sở hữu khoảng 55.000 sinh viên theo học hàng năm, tạo ra nguồn cung lớn và đang ngày càng tăng lên.

Theo đánh giá từ HackerRank của Mỹ, Việt Nam xếp đầu bảng tại Đông Nam Á về khả năng của các nhà phát triển phần mềm và xếp thứ 23 trên quy mô toàn thế giới.

Phát biểu tại ngày công nghệ thông tin Nhật Bản (Japan ICT Day) lần thứ 12 với chủ đề: “Hợp tác CNTT Việt Nam - Nhật Bản trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”, ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Software nhấn mạnh: “Việt Nam sẽ là điểm đến của các doanh nghiệp Nhật Bản trong lĩnh vực 4.0”.

Theo ông, hàng trăm doanh nghiệp tại Việt Nam, dù quy mô còn nhỏ những sẵn sàng làm được những dự án liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI), Internet kết nối vạn vật (Internet of Things) hay Big data.

“Rất nhiều doanh nghiệp lớn hết sức khó tính trên toàn cầu trong các lĩnh vực như sản xuất máy bay, viễn thông, bảo hiểm, ngân hàng từ Mỹ, châu Âu cũng đã đến Việt Nam, mong muốn triển khai các bài toán thực tế ứng dụng IoT, AI, robot”, ông Tiến cho biết.

Không chỉ vậy, rất nhiều bài toán liên quan đến nhận dạng hình ảnh, nhận dạng giọng nói, xử lý thời gian thực, ứng dụng blockchain đều đã và đang được thực hiện tại Việt Nam.

Cũng tại hội thảo, ông Nguyễn Ích Vinh, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Hợp tác CNTT Việt – Nhật (VJC) cho biết Việt Nam sở hữu nhiều đặc điểm hấp dẫn như lực lượng lao động dần được nâng cao kỹ năng, chính trị ổn định kết hợp với kinh tế phát triển nhanh.

Bên cạnh đó, Việt Nam hiện là thị trường viễn thông phát triển nhanh thứ 3 tại châu Á với tỷ lệ dân số sử dụng Internet là 60%, sử dụng điện thoại thông minh là 55% và 99% số tỉnh thành của Việt Nam tiếp cận tới dịch vụ 4G.

Trong lĩnh vực CNTT, Việt Nam được A.T. Kearney, tập đoàn tư vấn hàng đầu, xếp vị trí thứ 5 trong số các địa điểm có dịch vụ toàn cầu hấp dẫn nhất trên thế giới năm 2017 cũng như được xem là một trong nhiều cái tên nổi bật về gia công CNTT.

Sự nổi lên trong CNTT của Việt Nam càng trở nên hấp dẫn hơn với doanh nghiệp Nhật Bản trong bối cảnh quốc gia này đang phải đối mặt với một số khó khăn nội tại.

Nhật Bản hiện đang thiếu hụt hơn 170.000 kỹ sư và dự báo sẽ thiếu khoảng 590.000 người vào năm 2030.

Theo điều tra về xu hướng sử dụng truyền thông 2017 của Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản, việc ứng dụng AI tại các doanh nghiệp Nhật Bản mới chỉ dừng lại ở con số 1,9% và nhu cầu đối với công nghệ mới nổi như IoT, AI, Robotics hay xe tự hành đang tăng lên rất nhanh.

Sự thiếu hụt nguồn nhân lực cùng nhu cầu tăng cao về nhân lực công nghệ mới sẽ thúc đẩy nhu cầu hợp tác rất lớn cho các doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam trong thời gian tới.

Theo The Leader

Có thể bạn quan tâm