Việt Nam không "nới" quy định kiểm tra chất lượng ôtô nhập khẩu

Doanh nghiệp Hoa Kỳ "than thở" về quy định kiểm tra ôtô nhập khẩu theo từng lô, đại diện Bộ Giao thông vận tải Việt Nam khẳng định quy định này là cần thiết...

Hồi âm ý kiến doanh nghiệp tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam sáng 4/7, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Công cho biết doanh nghiệp Hoa Kỳ có kiến nghị về kiểm tra xe theo từng lô nhập khẩu theo nghị định số 116 và thông tư 03.

Cụ thể, phía Hoa Kỳ cho rằng, quy định về kiểm tra theo từng lô gây khó khăn cho doanh nghiệp, không phù hợp với thông lệ chung, đã làm kéo dài thời gian đến 2 tháng và chi phí lên tới 10.000 USD/mẫu thử. Do vậy phía Hoa Kỳ đề nghị bỏ quy định kiểm tra theo lô, chỉ kiểm tra thử nghiệm lô đầu tiên nhập khẩu về, các lô tiếp theo được sử dụng kết quả kiểm tra đó mà không phải kiểm tra lại.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Công hồi âm, theo nghị định 116 và thông tư 03, mỗi lô hàng ôtô nhập khẩu phải kiểm tra thử nghiệm, và mẫu ôtô đại diện cho từng kiểu loại ôtô cũng cần kiểm tra thử nghiệm.

Việc kiểm tra thử nghiệm theo lô nhằm kiểm tra chặt chẽ chất lượng ôtô nhập khẩu, bảo vệ người tiêu dùng và tạo sự bình đẳng trong quản lý chất lượng với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.

Ông Công giải thích, việc không thực hiện kiểm soát theo lô như quy định hiện nay sẽ có những bất cập như trường hợp nếu xe nhập khẩu chỉ thử nghiệm an toàn và khí thải ở lô hàng đầu tiên và các lô sau đó không phải kiểm tra, thử nghiệm sẽ tạo ra kẽ hở lớn cho các nhà nhập khẩu về Việt Nam hàng hoá kém chất lượng so với lô hàng đã thử nghiệm đạt chất lượng ở lần đầu. Điều này là tiềm ẩn nguy cơ gian lận về chất lượng, tránh các bước kiểm tra của cơ quan chức năng, dẫn đến chất lượng của các xe nhập khẩu không được kiểm soát chặt chẽ và quyền lợi người tiêu dùng bị ảnh hưởng.

Ông Công dẫn ví dụ điển hình là trường hợp công ty Ford Việt Nam đã nhập về Việt Nam 4 kiểu loại xe khác nhau và khi tiến hành kiểm tra khí thải từng lô theo quy định thì có 2/4 kiểm loại xe không đạt tiêu chuẩn khí thải mức 4 (tỷ lệ mẫu xe không đạt đến 50%) nên buộc phải tái xuất ra nước ngoài theo quy định tại nghị định 116.

Hơn nữa, Thứ trưởng Công nhấn mạnh, việc một doanh nghiệp nhập khẩu tiến hành nhập khẩu hàng loạt xe về và chỉ đăng ký kiểm tra cho một lô đại diện (có thể là 1 xe duy nhất đã được doanh nghiệp chuẩn bị trước, lựa chọn xe tốt nhất) để cơ quan chức năng kiểm tra, cấp chứng nhận, sau đó doanh nghiệp tiếp tục đăng ký kiểm tra cho các lô nhập khẩu sau đó với số lượng không giới hạn trong thời gian dài, có khi tới cả năm. Trường hợp này, cơ quan chức năng sẽ không thể kiểm soát được chất lượng khí thải, an toàn và chất lượng linh kiện và các hệ thống trên xe của những xe nhập khẩu tiếp theo trong khoảng thời gian dài, và đây chính là lỗ hổng lớn trong quản lý chất lượng xe nhập khẩu, ảnh hưởng tới an toàn và quyền lợi người tiêu dùng.

Như vậy, phương thức kiểm tra thử nghiệm theo từng lô với ô tô nhập khẩu như quy định tại nghị định 116 và thông tư 03 của Bộ Giao thông vận tải hiện nay là rất cần thiết, nhằm đảm bảo sự đồng nhất về chất lượng ôtô nhập, tạo bình đẳng với xe sản xuất, lắp ráp trong nước và quyền lợi người tiêu dùng, ông Công nêu quan điểm.

Có thể bạn quan tâm