Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào nhập khẩu nhiên liệu sản xuất điện

Đây là một trong những điểm hạn chế được nêu tại báo cáo kết quả phiên giải trình “Thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội” vừa được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội hoàn thành.
Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào nhập khẩu nhiên liệu sản xuất điện

Theo đánh giá chung, ngành điện đã đa dạng hoá được các hình thức điện nhập khẩu. Hiện tại, Việt Nam đang nhập khẩu điện từ Lào với tổng công suất khoảng 572 MW, từ Trung Quốc với công suất trên 450 MW. Tổng công suất nhập khẩu chiếm gần 2% tổng công suất của toàn hệ thống điện (hiện công suất đặt toàn hệ thống của Việt Nam là 55.880 MW).

Ủy ban Kinh tế cũng cho biết, giá mua điện bình quân từ Trung Quốc hiện là 1.281 đồng/kWh, Lào là 1.368 đồng/kWh, đều rẻ hơn giá mua điện bình quân trong nước (1.486 đồng/kWh).

Thị trường điện cạnh tranh từng bước được hình thành, phát triển và ngày càng hoàn thiện, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành điện.

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ rõ, Việt Nam ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào việc nhập khẩu nhiên liệu phục vụ sản xuất điện.

Cơ quan của Quốc hội phân tích, về nguồn nước, thủy điện nước ta phụ thuộc lớn vào nguồn nước sông quốc tế, do đó, chịu rủi ro về lượng nước, chất lượng nước rất lớn do các quốc gia thượng nguồn gia tăng các hoạt động thủy điện trên các dòng sông chính như sông Hồng, sông Mê Kông làm thay đổi chế độ dòng chảy. Thời gian tới, dư địa để phát triển thủy điện không còn nhiều.

Đối với than, theo tính toán, do việc khai thác than trong nước gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là việc phát triển các mỏ mới, nên nhu cầu than nhập khẩu cho sản xuất điện dự kiến tăng từ 20 triệu tấn năm 2020 lên tới khoảng 72 triệu tấn năm 2030.

Đối với điện khí, tổng công suất các nhà máy điện khí tới năm 2030 của Việt Nam đạt trên 27.000 MW. Do sự suy giảm của các mỏ khí khu vực Đông Nam Bộ từ sau năm 2022, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu khí hóa lỏng (LNG) cho sản xuất điện, lượng LNG nhập khẩu ước tính lên tới trên 10 triệu tấn/năm vào năm 2030.

Hạn chế nữa được chỉ ra là cơ chế giá điện thiếu đột phá, chậm thay đổi, chưa đáp ứng yêu cầu.

Hiện, Việt Nam chưa có giá điện hai thành phần, giá mua điện theo miền, theo khu vực để đưa ra định hướng đầu tư và phát triển phụ tải. Trong quá trình điều hành, chưa thực hiện được đầy đủ việc điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường do ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô ở một số thời điểm nên còn treo một số khoản chi phí (các khoản chênh lệch tỷ giá thực hiện theo hợp đồng mua bán điện của các năm trước); giá bán lẻ điện chưa thu hút được đầu tư; cơ cấu biểu giá bán lẻ điện thực hiện theo Luật Điện lực còn duy trì bù chéo giữa khách hàng sản xuất với khách hàng sinh hoạt, thương mại.

Cơ cấu biểu giá bán lẻ điện được xây dựng từ năm 2014 nên chưa phù hợp với thực tế tiêu thụ điện của các nhóm khách hàng. Giá điện từ nguồn năng lượng tái tạo hiện cao hơn so với nguồn điện từ nguồn năng lượng truyền thống (nhiệt điện, thủy điện lớn …). Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang được nhà nước giao thực hiện mua toàn bộ sản lượng điện từ các dự án điện năng lượng tái tạo với mức giá do nhà nước quy định.

Như vậy, chi phí bù giá cho năng lượng tái tạo đang được hòa chung với chi phí của ngành điện, chưa tách rõ ràng trong hóa đơn tiền điện. Khi tỷ trọng năng lượng tái tạo tăng lên thì thành phần bù giá sẽ ngày càng tăng và ảnh hưởng lớn đến chi phí giá thành ngành điện, Ủy ban Kinh tế nhận định. 

Có thể bạn quan tâm