VinID và Tiki nhảy vào mảng Food: “Cửa nào” cho các tân binh?

Để tồn tại trong mảng Food Delivery khốc liệt này, có lẽ hai tân binh nội Tiki, VinID cần phải nghiên cứu kỹ thị trường mới có thể cạnh tranh được với các tay chơi ngoại như Grab, Gojek, Now và Beamin.

Tại Việt Nam, mảng Food Delivery hiện đang là sân chơi của 4 tay chơi chủ chốt: Grab từ Malaysia, Beamin của Hàn Quốc, Gojek của Indonesia, và Now đứng sau là SEA (Singapore). Trong đó, GrabFood, Now và GoFood đang là những "tay chơi" mạnh nhất, tạo nên thế 3 chân đầy giằng co trên thị trường.

"Tay chơi" nội nhập cuộc

Tiki là doanh nghiệp kinh doanh trong ngành thương mại điện tử được thành lập vào năm 2010, với khởi điểm ban đầu chủ yếu kinh doanh sách trực tuyến. Sau 10 năm, Tiki.vn hiện đã trở thành một nhà bán lẻ trực tuyến đa ngành, trong đó sách vẫn là một sản phẩm “nhận diện” thương hiệu doanh nghiệp. Tuy nhiên theo ghi nhận, hiện Tiki đang mở rộng lĩnh vực của mình khi nhảy vào mảng Food và sản phẩm “mở hàng” đến từ thương hiệu The Coffee House. Với việc Tiki hiện mới chỉ bắt tay với mình The Coffee House, chưa rõ chiến lược của Tiki có nhắm thẳng vào mảng Food hay đây chỉ là động thái dò đường.

Với tân binh VinID, đây có thể được coi là đối thủ đáng gờm của GrabFood, GoFood và Now. Bên cạnh nền tảng Đi Chợ vốn được hình thành sớm và đẩy mạnh hơn trong đại dịch, VinID cung cấp thêm dịch vụ ăn uống, với những thương hiệu quen thuộc như Highlands Coffee, Starbucks, The Alley, và cả The Coffee House... Dịch vụ này vẫn đang trong giai đoạn mở rộng, một vài địa điểm vẫn chưa được phục vụ.

Điểm cộng của VinID là giao hàng tận phòng cho các cư dân VinHomes, hiện mới áp dụng tại VinHomes Times City.

Về mặt thanh toán, trong khi Tiki khá linh hoạt và chấp nhận thanh toán tiền mặt, thì mảng Food của VinID chỉ nhận thanh toán qua Ví điện tử VinID, thẻ visa/mastercard và thẻ ATM nội địa, chưa có lựa chọn thanh toán tiền mặt...

Sẽ là quá sớm để đánh giá rằng hai tay chơi nội VinID và Tiki có làm nên “cơm cháo” gì trong mảng giao đồ ăn này không. Tuy nhiên, đã có nhiều chiến binh thất thủ trong trận chiến "đẫm máu" này khi Lala phải nói lời chia tay với người dùng sau 1 năm “thách đấu”, còn Vietnammm phải chọn cách “bán mình” cho Woowa Brothers - "kỳ lân" sở hữu nền tảng giao món ăn lớn nhất Hàn Quốc vào đầu năm ngoái (2019)….

Có tránh được “vết xe đổ”?

Được sinh ra từ những ông bố bà mẹ có tiếng tăm lừng lẫy khi Vietnammm là website đặt thức ăn trực tuyến thuộc quyền quản lý của Công ty TNHH Việt Nam MM, thành viên của tập đoàn Takeaway - một trong những trang web đặt thức ăn trực tuyến lớn trên thế giới. Còn với Lala, người đỡ đầu có vẻ ít tiếng tăm hơn khi được khai sinh bởi Ahamove và trực thuộc Scommerce, nhưng doanh nghiệp này cũng sở hữu một công ty giao nhận nhiều kinh nghiệm trên thị trường thương mại điện tử là Giao hàng nhanh. Tuy nhiên, chừng đó là chưa đủ để giúp Vietnammm và Lala có thể trụ lại được trong cuộc chiến giao đồ ăn đầy khốc liệt này.

Điểm cộng của VinID là giao hàng tận phòng cho các cư dân VinHomes
Điểm cộng của VinID là giao hàng tận phòng cho các cư dân VinHomes

Hoạt động từ năm 2011, Vietnammm là một trong những dịch vụ tiên phong ở thị trường giao món ăn trực tuyến Việt Nam. Những năm sau, Vietnammm có nhiều bước tiến đáng kế khi liên tiếp mở rộng ra các thành phố lớn tại Việt Nam. Năm 2015, Vietnammm còn mua lại Foodpanda, một đơn vị cũng tham gia ngành giao nhận đồ ăn nhưng chỉ tồn tại được 3 năm cho đến thời điểm phải bán mình.

Tuy nhiên, những thương hiệu đến sau như Now (Foody) hay GrabFood đã chi phối thị trường nội địa trong khi Vietnammm chưa thể hiện sức bật rõ rệt. Cuối cùng, Vietnammm đã phải chấp nhận sự thật là “miếng bánh” thị trường giao nhận thức ăn tại Việt Nam không hề “dễ nuốt”, và đã phải rời khỏi cuộc chơi trong sự ngậm ngùi.

Với Lala, ngay từ khi mới bắt đầu (cuối năm 2017), Lala đã ít nhiều gây được khó khăn cho những đối thủ như Now (vào lúc bấy giờ chưa có sự xuất hiện của GrabFood và Go-Food). Trước sự xuất hiện của Lala, Now đã phải đưa ra một số chính sách để thay đổi trong hoạt động; trong khi trước đó thị trường cũng có vài cái tên giao đồ ăn khác như Vietnammm hay Loship, nhưng Now vẫn “bình chân như vại”.

Sau đó, chiến binh này tiếp tục chọn chiến thuật đối đầu trực tiếp với đối thủ mạnh, tung khuyến mãi lên đến 80.000 đồng cho người dùng mới. Trước chính sách khuyến mãi khủng này của Lala, GrabFood liền tung chiêu khi giảm đến 100.000 đồng. Mặc dù có sự hậu thuẫn từ Seedcom, Scommerce, Ahamove và iPOS, nhưng có vẻ sức ép thị trường là quá lớn trước sự tấn công như vũ bão từ GrabFood và Go-Food khiến Lala phải nhanh chóng rút lui.

Trụ bằng cách nào?

Theo khảo sát của GCOMM được thực hiện trên 600 khách hàng tại TP.HCM và Hà Nội, tốc độ giao hàng nhanh chính là yếu tố quan trọng nhất để người dùng quyết định sử dụng dịch vụ gọi món trực tuyến.

“Rõ ràng tốc độ giao món là yếu tố hàng đầu để chinh phục người tiêu dùng. Dịch vụ nào có đội ngũ tài xế giao hàng đông đảo nhất sẽ phần nào chiếm lợi thế”, ông Lê Minh Phương - Giám đốc bộ phận Nghiên cứu Thị trường của GCOMM nhận định.

Đồng quan điểm, bàn Tan Hooi Ling, đồng sáng lập Grab cũng khẳng định đội ngũ tài xế có sẵn là một lợi thế cạnh tranh của Grab khi tiến vào lĩnh vực giao đồ ăn.

“Chúng tôi có 3 lợi thế quan trọng. Đầu tiên, nền tảng công nghệ của Grab rất vững chắc và dễ dàng thích ứng với dịch vụ mới. Kế tiếp, chúng tôi có sẵn một thứ mà các công ty giao đồ ăn phải cố gắng xây dựng: mạng lưới giao hàng với các tài xế. Cuối cùng, Grab có một lượng khách hàng đông đảo thường xuyên sử dụng ứng dụng từ trước”, nữ tướng của Grab chia sẻ.

Tuy nhiên, đại diện một doanh nghiệp giao đồ ăn cho biết để rút ngắn thời gian giao hàng và tối ưu hóa quy trình, ngoài việc phát triển đội ngũ tài xế, một yếu tố quan trọng khác là mạng lưới liên kết đối tác quán ăn.

Lý giải cho nhận định này, đại diện doanh nghiệp cho biết, với những quán ăn đã hợp tác chính thức với các ứng dụng giao đồ ăn, khi người dùng đặt món, cửa hàng sẽ nhận được đơn hàng của khách hàng và chế biến trước giúp tiết kiệm thời gian giao hàng.

Trong khi đó, với những quán ăn không liên kết với ứng dụng, tài xế sẽ đóng vai trò mua hộ như một khách hàng bình thường và mất thêm thời gian chờ nhận món tại cửa hàng. “Đặc biệt, nếu vào các giờ cao điểm đông khách, thời gian chờ đợi sẽ tăng lên đáng kể và khách đặt món có thể sẽ phải đợi lâu”, vị này cho biết.

Trên thị trường giao thức ăn trực tuyến hiện nay, có thể phân thành hai nhóm ứng dụng chính. Nhóm thứ nhất là các ứng dụng chỉ chuyên về giao đồ ăn như Now của Foody, Vietnammm và Lala trước đây. Nhóm còn lại là các ứng dụng gọi xe có thêm dịch vụ giao đồ ăn như Grab và Gojek.

Về số lượng nhân viên giao hàng, hai ứng dụng đặt xe Grab và Gojek có lợi thế hơn các đối thủ còn lại với lực lượng tài xế xe 2 bánh hùng hậu có sẵn thay vì phải tự phát triển đội ngũ shipper.

Với những tân binh Tiki và VinID, ngoài việc phải đáp ứng về thời gian giao hàng nhanh, liên kết với các đối tác và có lực lượng tài xế đông đảo…, chắc chắn sẽ phải nghiên cứu thật kỹ thị trường và lượng sức mình mới có thể trụ vững trong mảng Food cạnh tranh đầy khốc liệt này.

Có thể bạn quan tâm