Vốn cho nền kinh tế: Đã tới lúc thôi phụ thuộc ngân hàng

Sự lệ thuộc rất lớn về vốn của các tổ chức kinh tế và cá nhân vào hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) sẽ khiến hệ thống này rất dễ bị tổn thương từ những thay đổi bất lợi của nền kinh tế và ngược lại.
Vốn cho nền kinh tế: Đã tới lúc thôi phụ thuộc ngân hàng

Vì thế, đã tới lúc nguồn vốn cho nền kinh tế tìm kiếm thêm nhiều “chỗ dựa” khác, để đảm bảo an toàn, bền vững.

Gánh nặng

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), mô hình tăng trưởng của Việt Nam là mô hình phụ thuộc vào quy mô vốn đầu tư, trong đó chủ yếu dựa vào tín dụng từ khu vực ngân hàng. Gánh nặng cung cấp vốn cho nền kinh tế đặt lên hệ thống các TCTD ngày càng lớn, tỉ lệ tín dụng so với GDP tăng liên tục trong giai đoạn 2012-2015 (năm 2012: 95,2%; năm 2013: 97%; năm 2014: 100%; năm 2015: 111,1%); tới năm. Trong khi đó, tỉ lệ này ở một số nước chỉ khoảng trên dưới 50%, tiêu biểu như: Indonesia (36,5%), Philippines (39,1%), Ấn Độ (51,6%)… Điều này đặt ra áp lực lớn cho hệ thống TCTD, có khả năng gây tác động tiêu cực cho nền kinh tế vĩ mô.

Nhận xét về việc cung ứng vốn cho nền kinh tế của ngành ngân hàng năm 2016, báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, hệ thống tài chính cung ứng khoảng 1.230 nghìn tỷ đồng cho nền kinh tế. Trong đó, khu vực ngân hàng cung ứng 68,1%, thị trường vốn cung ứng 31,9%. Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực, năng lực cung ứng vốn của hệ thống tài chính Việt Nam còn hạn chế. Độ sâu tài chính của hệ thống tài chính Việt Nam chỉ đạt 181% GDP, thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực Philippines (194%), Thái Lan (339%), Trung Quốc (337%), Malaysia (372%)… Hơn nữa, cơ cấu tài sản giữa các lĩnh vực trong hệ thống tài chính chưa hợp lý. Hệ thống TCTD chiếm tới 96,2% tổng tài sản toàn hệ thống tài chính; trong khi, các DN bảo hiểm chiếm 2,8%; các công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ chỉ chiếm 1%.

Những phân tích trên cho thấy, việc cung ứng vốn đang phụ thuộc chủ yếu vào hệ thống ngân hàng, trong khi tiềm năng từ các thị trường chứng khoán và trái phiếu là rất lớn nhưng vẫn chưa thể phát huy. Điều này đặt ra quá nhiều gánh nặng lên “vai” các TCTD. Thậm chí, nhiều chuyên gia cho rằng, nếu kéo dài, đây sẽ trở thành điểm nghẽn cho phát triển kinh tế. Nguyên nhân do nguồn vốn của các DN Việt Nam vẫn chiếm trên 50% là đi vay ngân hàng, trong khi trình độ công nghệ còn yếu kém, thiếu kinh nghiệm, kiến thức kinh doanh… nên rất dễ phát sinh nợ xấu, gây ảnh hưởng tới toàn hệ thống.

Trong một bài phát biểu gần đây, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã cho hay, NHNN vẫn đang cho phép các TCTD sử dụng tối đa 50% vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn nhằm đáp ứng nhu cầu của DN, trong khi lẽ ra vốn đầu tư trung dài hạn của DN phải được huy động từ thị trường vốn, thị trường chứng khoán; nhưng do các thị trường này chưa phát triển, vốn cung ứng cho nền kinh tế vẫn chủ yếu thực hiện qua hệ thống ngân hàng.

Nói về hạn chế của việc nguồn vốn nghiêng quá nhiều về ngành ngân hàng, một chuyên gia đến từ Viện Chiến lược ngân hàng (NHNN) cho rằng, nếu áp lực vẫn cứ tiếp tục đổ lên vai ngân hàng phải gánh vác cả vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế thì “căn bệnh” thanh khoản của hệ thống ngân hàng vẫn sẽ thường trực. Áp lực này còn làm méo mó mối quan hệ giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa, trong khi sự cân bằng giữa hai chính sách này là yếu tố quyết định đến ổn định kinh tế vĩ mô.

Trông đợi nguồn vốn khác

Trên lý thuyết, thị trường tài chính bao gồm: Các ngân hàng, công ty chứng khoán, quản lý quỹ và các công ty bảo hiểm. Các ngân hàng chủ yếu cung ứng vốn ngắn hạn. Các định chế còn lại tạo lập nguồn vốn trung và dài hạn. Nhưng rõ ràng, những phân tích trên cho thấy, thị trường vốn của Việt Nam đang bị lệch nên rất cần sự thay đổi và tìm đường phương hương hợp lý về nguồn vốn cho nền kinh tế. Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, nhu cầu vốn của DN còn rất lớn. Mặc dù ngành Ngân hàng đã rất tích cực huy động vốn để đảm bảo đáp ứng cho nền kinh tế, song một phần lớn nguồn lực vẫn còn chưa được khơi thông, đang nằm ở các khoản nợ xấu và các tài sản bảo đảm chưa được xử lý. Vì thế, những nguồn vốn hợp lý để thay thế cần được phát huy hiệu quả hơn.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đi vào hoạt động từ năm 2000, đã có nhiều sự phát triển, với lượng vốn hóa từ 1.200 tỷ đồng năm 2000, dự kiến sẽ đạt 100 tỷ USD vào năm nay. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, tính đến tháng 3/2017, mức vốn hóa thị trường đạt hơn 2.260 nghìn tỷ đồng (tương đương 50,3% GDP), tăng 16% so với cuối năm 2016 và là mức cao nhất từ khi thành lập thị trường. Thống kê của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho thấy, 4 tháng đầu năm 2017, tổng giá trị mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài đạt 820 triệu USD (trong đó: 550 triệu USD trái phiếu, 270 triệu USD cổ phiếu) gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2016. Điều này có được là nhờ sự tin tưởng vào triển vọng kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán Việt Nam cùng việc dòng vốn đầu tư quốc tế từ đầu năm 2017 có xu hướng quay lại các thị trường chứng khoán khu vực châu Á.

Mặc dù tốc độ tăng nhanh như vậy, nhưng nguồn vốn hỗ trợ thực sự cho DN từ thị trường này còn rất nhỏ trong tổng nguồn vốn kinh doanh của DN. Số công ty niêm yết/tổng số DN hiện có ở Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 0,1% (Báo cáo thường niên DN Việt Nam 2016/2017 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam -VCCI). Tuy nhiên, với những sự phát triển mạnh mẽ nêu trên, việc trông chờ vào thị trường chứng khoán không phải không có tín hiệu lạc quan.

Bên cạnh đó, nguồn vốn có thể còn đến từ thị trường trái phiếu, nhưng các DN Việt Nam vẫn chưa tận dụng được cơ hội từ thị trường này. Vì thế, thị trường trái phiếu vẫn chủ yếu là trái phiếu Chính phủ. Thậm chí, nhiều ngân hàng còn dành vốn để mua trái phiếu Chính phủ khiến lãi suất loại trái phiếu này không hề thấp. Trong khi đó, trái phiếu DN luôn được xem là kênh mang lại lợi thế lớn, giúp DN linh hoạt trong việc sử dụng nguồn vốn mà không phụ thuộc vào việc giải ngân vốn, nhưng đến nay, thị trường này vẫn đang ở giai đoạn “sơ khai”, số lượng DN Việt Nam phát hành được trái phiếu còn rất ít.

Tuy nhiên, điều đáng mừng là việc thu hút nguồn vốn nước ngoài đang được các DN làm khá tốt. Nhưng sự biến động khó lường của nền kinh tế, cùng việc nền kinh tế trong nước đang lộ ra nhiều con số nợ xấu hơn, đầu tư chưa hiệu quả… sẽ làm giảm niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, xét đến cùng, điều quan trọng vẫn là năng lực quản trị, sự chủ động của DN cùng việc điều hành của các cơ quan Nhà nước trong việc phát triển kinh tế vĩ mô hợp lý.\

Theo Hương Dịu/ Báo Hải quan

>> Góc nhìn: 550.000 tỷ đồng nằm im trong “đám cháy nợ xấu”

Có thể bạn quan tâm