Vụ án tại Bộ Y tế - Dược Cửu Long: Quýt làm, cam chịu

Trong vụ án tại Bộ Y tế - Dược Cửu Long, Hội đồng xét xử tuyên Dược Cửu Long phải bồi thường hơn 58,4 tỷ đồng cho Bộ Y tế.
Vụ án tại Bộ Y tế - Dược Cửu Long

Ngày 24/11/2022, Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội đã tuyên án sơ thẩm đối với vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ xảy ra tại Bộ Y tế, Công ty CP Dược Cửu Long (Dược Cửu Long) và các đơn vị liên quan”.

"Người nhà nước" gây thiệt hại

Theo Kết luận Điều tra của cơ quan Công an, Cáo trạng của Viện Kiểm sát và lập luận của Hội đồng xét xử, vụ án bắt nguồn từ năm 2006, khi Bộ Y tế ký hợp đồng trị giá hơn 145,7 tỷ đồng, giao Dược Cửu Long mua nguyên liệu và sản xuất thuốc chống dịch H5N1.

Bộ Y tế đã chuyển cho Dược Cửu Long tiền để thực hiện việc mua nguyên liệu phục vụ sản xuất thuốc.

Điều đáng nói, giai đoạn này, vốn Nhà nước đang chiếm trên 51% vốn điều lệ của Dược Cửu Long. Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã cử đại diện quản lý phần vốn tại Dược Cửu Long. 4/5 thành viên HĐQT và đại diện pháp luật của Dược Cửu Long giai đoạn này đều là cán bộ của SCIC. Tới tháng 11/2014, SCIC mới thoái toàn bộ vốn khỏi Dược Cửu Long

Triển khai hợp đồng ký với Bộ Y tế, Dược Cửu Long đã tiến hành đàm phán với đối tác nước ngoài, và được giảm 3,848 triệu USD (tương đương hơn 61 tỷ đồng) trong tổng số tiền mua nguyên liệu sản xuất thuốc chống H5N1.

Vụ án tại Bộ Y tế - Dược Cửu Long

Tuy nhiên, các lãnh đạo Dược Cửu Long đã không báo cáo và trả lại số tiền được giảm này cho Bộ Y tế. Mà hợp thức hóa bằng thủ tục, nghị quyết HĐQT. Sau đó “xử lý” sổ sách kế toán, sử dụng số tiền 3,848 triệu USD vào bổ sung vốn lưu động, sản xuất kinh doanh, chia phúc lợi, chia cổ tức… trong các năm 2006, 2007, 2008. Qua đó, gây thiệt hại cho Bộ Y tế gần 61,7 tỷ đồng.

Khi bị phát hiện, kết luận, truy tố, các bị can trong vụ án chỉ trả lại được hơn 3 tỷ đồng. Còn lại hơn 58,4 tỷ đồng, Hội đồng xét xử tuyên Dược Cửu Long có nghĩa vụ bồi thường cho Bộ Y tế.

Theo Hội đồng xét xử, tới thời điểm xét xử, Dược Cửu Long chưa làm rõ được cụ thể số tiền mà các cổ đông (trong đó có SCIC) đã nhận cổ tức trong các năm 2006, 2007, 2008 có bao nhiêu từ nguồn 3,848 triệu USD. Công ty cũng chưa cung cấp thông tin đầy đủ của các cổ đông, số tiền cổ tức cụ thể đã nhận từ việc chia khoản tiền 3,848 triệu USD này…

Do đó, chưa đủ cơ sở để giải quyết trong vụ án này đối với yêu cầu của Dược Cửu Long về việc yêu cầu các cổ đông trả lại số tiền đã được chia từ 3,848 triệu USD chiếm đoạt của Nhà nước.

Nhưng dùng Điều 597 Bộ luật Dân sự

Theo Điều 597 Bộ luật Dân sự 2015,“Thiệt hại do người của pháp nhân gây ra thì pháp nhân phải chịu trách nhiệm bồi thường trước sau đó có quyền yêu cầu những người phạm tội hoàn trả số tiền bồi thường”.

Viện dẫn điều này, Hội đồng xét xử cho rằng, Dược Cửu Long phải bồi thường cho Bộ Y tế. Nhưng, công ty có quyền buộc những người gây thiệt hại hoàn trả số tiền công ty đã trả cho Bộ Y tế. Cũng như có quyền yêu cầu các cá nhân, pháp nhân khác hưởng lợi từ việc chia cổ tức từ nguồn tiền 3,848 triệu USD phải hoàn trả cho công ty.

Lập luận “tưởng” đúng này, đã làm nảy sinh tình huống pháp lý khá oái oăm. Vì cũng theo Bộ luật Dân sự 2015, ngay dưới điều 597 là điều 598, quy định về bồi thường thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra.

Theo đó, điều 598 quy định, “Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước”.

Trong khi đó, các văn bản của vụ án và lập luận của hội đồng xét xử đã kết luận rõ, giai đoạn 2006 – 2008, các cán bộ nhà nước của SCIC tại Dược Cửu Long đã lợi dụng pháp nhân doanh nghiệp này để thực hiện hành vi chiếm đoạt tiền nhà nước.

Như vậy, trong khi rất tòa tuyên rất rõ về trách nhiệm bồi thường của Dược Cửu Long, thì án sơ thẩm lại rất không đề cập tới trách nhiệm của Nhà nước (mà cụ thể là SCIC) trong bồi hoàn thiệt hại của Bộ Y tế do các cán bộ SCIC tại Dược Cửu Long gây ra.

Cần nhấn mạnh, theo án tuyên, Dược Cửu Long có quyền kiện SCIC phải trả lại số cổ tức giai đoạn 2006 – 2008 đã nhận từ việc chiếm đoạt 3,848 triệu USD của Bộ Y tế. Nhưng SCIC có thể không phải trả khoản tiền này, nếu Dược Cửu Long không chứng minh cụ thể được đã chi bao nhiêu cho doanh nghiệp nhà nước này.

Vụ kiện dân sự ấy, nếu có, chắc chắn sẽ kéo dài và đầy rủi ro về kết quả. Mặt khác, Dược Cửu Long có “dám” kiện Nhà nước (cụ thể là SCIC) hay không, lại là lựa chọn đầy cân não với doanh nghiệp này.

Vấn đề là ở chỗ, sau khi cùng hưởng lợi 3,848 triệu USD của Bộ Y tế, tới năm 2014, SCIC đã bán hết vốn tại Dược Cửu Long. Như vậy, khi án tuyên không rõ ràng về trách nhiệm của SCIC, cũng đồng nghĩa những nhà đầu tư mới mua cổ phần Dược Cửu Long từ SCIC đã đối diện thiệt hại có nguyên nhân do cán bộ nhà nước gây ra trong giai đoạn trước đó.

Khiếm khuyết “người nhà nước gây tội, nhưng người ngoài bồi thường” trong vụ án xảy ra tại Bộ Y tế và Dược Cửu Long đã xuất hiện, vì những lý do không rõ là cố tình hay vô tình tại án sơ thẩm, theo cách ấy. 

Điều 7 Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017: Căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước

  1. Nhà nước có trách nhiệm bồi thường khi có đủ các căn cứ sau đây:
  2. a) Có một trong các căn cứ xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây thiệt hại và yêu cầu bồi thường tương ứng quy định tại khoản 2 Điều này;
  3. b) Có thiệt hại thực tế của người bị thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước theo quy định của Luật này;
  4. c) Có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại thực tế và hành vi gây thiệt hại.
  5. Căn cứ xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây thiệt hại và yêu cầu bồi thường tương ứng bao gồm:
  6. a) Có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường theo quy định của Luật này và có yêu cầu cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại hoặc Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự giải quyết yêu cầu bồi thường;
  7. b) Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án hành chính đã xác định có hành vi trái pháp luật của người bị kiện là người thi hành công vụ gây thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và có yêu cầu bồi thường trước hoặc tại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại;
  8. c) Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án hình sự đã xác định có hành vi trái pháp luật của bị cáo là người thi hành công vụ gây thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án hình sự, thi hành án dân sự và có yêu cầu bồi thường trong quá trình giải quyết vụ án hình sự.

Có thể bạn quan tâm