Vụ án vỡ ống nước sông Đà: Vinaconex xin xem xét thấu tình đạt lý cho cựu cán bộ

Sáng 6/3, tại phiên tòa xét xử 9 bị cáo Vi phạm quy định xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, đại diện Vinaconex đề nghị HĐXX xem xét thấu tình đạt lý cho các bị cáo.
Vụ án vỡ ống nước sông Đà: Vinaconex xin xem xét thấu tình đạt lý cho cựu cán bộ

Theo đại diện Vinaconex, Dự án nước sạch sông Đà là dự án quy mô lớn, tại thời điểm thực hiện dự án (2004 – 2009) có nhiều việc doanh nghiệp lần đầu tiên làm.

Ví dụ như lần dầu tiên Hà Nội có dự án lớn 1.500 tỷ đồng; dự án xã hội hóa ngành nước đầu tiên; dự án sử dụng ống có đường kính lớn nhất từ trước tới nay (1500 – 1800mm); dự án đầu tiên sử dụng nguồn nước mặt, lần đầu tiên sử dụng ống composite cốt sợi thủy tinh...  

Với nhiều việc “đầu tiên” ở quy mô lớn, đại diện Vinaconex cho rằng việc xảy ra sự cố đáng tiếc khó tránh khỏi.

Trong khi đó, các cán bộ thực hiện dự án hiện đang bị xét xử phần lớn là người làm khoa học kỹ thuật, đã gắn bó 20 – 25 năm ở Vinaconex, đều là các cán bộ có nhiều kinh nghiệm, thân nhân tốt, không có yếu tố tham ô, tham nhũng cá nhân.

“Vì vậy, mong HĐXX xem xét giải quyết thấu tình đạt lý khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn làm những việc đầu tiên” – đại diện Vinaconex đề nghị.

Thông tin thêm về dự án, đại diện Vinaconex cho biết, Dự án đem lại lợi ích cho cộng đồng. Trong bối cảnh Hà Nội thiếu nước sinh hoạt, việc chuyển từ sử dụng nguồn nước nguồn sang nước mặt là tất yếu. Dự án lần đầu tiên sử dụng nguồn nước mặt cung cấp lưu lượng nước lớn cho Hà Nội.

Về hiệu quả kinh tế, lợi nhuận, Vinaconex thu được lợi nhuận 1.166 tỷ đồng (sau kiểm toán) sau khi đã trả nợ ngân hàng. Bản thân Công ty nước sạch sông Đà thu lãi lên tới 502 tỷ đồng.

Khoản thiệt hại 16,6 tỷ đồng từ việc khắc phục sự cố và gây mất nước cho người dân, so với hiệu quả lợi nhuận thì chỉ tương đương 1%. Nếu nói đến hậu quả người dân bị mất nước sinh hoạt thì số giờ bị mất nước chỉ chiếm 0,56% so với tổng số giờ phục vụ và về lượng nước chỉ chiếm 0,36% - theo Vinaconex là không quá lớn so với với khối lượng đã cung cấp.

Đại diện Công ty nước sạch Vinaconex (Viwasupco) cho biết, từ tháng 2/2018, Công ty đổi tên thành Công ty Đầu tư nước sạch sông Đà. Hiện Vinaconex đã bán toàn bộ vốn cổ phần tại công ty này.

Trước đó, Vinaconex đã thành lập Công ty TNHH MTV nước sạch Vinaconex vào tháng 3/2009, 100% vốn của Vinaconex nhằm tiếp nhận, quản lý, khai thác Dự án nước sông Đà. Đến tháng 9/2009, công ty chuyển đổi thành hình thức Công ty cổ phần.

Về vụ án, Viwasupco được Tòa triệu tập với tư cách nguyên đơn dân sự, là bên chịu thiệt hại. Tuy nhiên, đại diện Công ty cho biết HĐQT công ty đã ban hành Nghị quyết số 08 nhất trí không yêu cầu các cá nhân, tổ chức liên quan bồi thường số tiền thiệt hại là chi phí khắc phục sự cố tuyến ống.

Có thể bạn quan tâm