Vụ Hồng tỷ giả gái lừa tình 1.691 chàng trai: Báo động thủ đoạn lừa đảo "tình ảo - bẫy thật"

Suốt nhiều năm, các vụ “lừa tình, lừa tiền” thường được nhìn nhận với hình ảnh nạn nhân là phụ nữ, thế nhưng, vụ việc chấn động tại Nam Kinh cho thấy, đàn ông cũng có thể là nạn nhân...

Người đàn ông giả gái trước và sau khi trang điểm để lừa tình thanh niên trẻ. Ảnh: Guangming/Xinhua

Vụ bê bối kỳ lạ mang tên Hồng tỷ Nam Kinh không chỉ gây chấn động dư luận Trung Quốc mà còn khiến cộng đồng mạng Việt Nam xôn xao. Nhân vật chính là một người đàn ông 38 tuổi giả gái trên mạng, dùng danh tính Hồng tỷ để lừa tình và thao túng cảm xúc của hàng nghìn nam giới.

Thông tin ban đầu, có ít nhất 1.691 nạn nhân, từ sinh viên, nhân viên văn phòng, huấn luyện viên thể hình đến người nước ngoài đã bị dụ dỗ quan hệ tình dục, bị quay lén và phát tán clip lên mạng mà không hề hay biết. Thế nhưng, cảnh sát nước này cũng bác bỏ thông tin trên và chỉ tiết lộ nạn nhân là "nhiều người đàn ông".

Vụ việc không chỉ gây sốc bởi quy mô và chiêu trò quái đản, mà còn làm dấy lên nhiều câu hỏi nhức nhối về tâm lý giới trẻ, sự dễ tổn thương trong các mối quan hệ ảo và mức độ tinh vi của các hành vi thao túng cảm xúc trong thời đại số.

Các chuyên gia tâm lý nhận định, đằng sau vụ lừa đảo tình cảm chấn động này là ba tầng tâm lý cốt lõi,

Thứ nhất là “cái bẫy miễn phí”, không tiền bạc, không giao dịch, không cam kết pháp lý. Chính cảm giác “không mất gì” đã khiến nhiều người chủ quan, dễ dàng bỏ qua cảnh giác ban đầu để lao vào trải nghiệm. Miễn phí trở thành mồi nhử lý tưởng, đánh trúng tâm lý ham lợi, thích thử cảm giác mới lạ mà không chịu trách nhiệm.

Thứ hai là thao túng cảm xúc. Khi bị nghi ngờ về giới tính, kẻ giả gái thường lảng tránh hoặc nổi giận, khiến nạn nhân bối rối, mất phương hướng. Bằng cách điều khiển cảm xúc đối phương, đối tượng khiến mối quan hệ trở nên mập mờ, khó dứt ra, đẩy nạn nhân vào thế bị động.

Cuối cùng là bản năng lấn át lý trí. Khi đã bước chân vào căn phòng kín, nhiều người buông bỏ nghi ngờ, để ham muốn thể xác dẫn dắt hành vi. Cảm giác “ham của lạ” khiến họ tiếp tục sa chân, dù linh cảm bất an vẫn còn hiện diện.

Nhà tâm lý học Sigmund Freud từng ví ham muốn thể xác như một cơn đói, là bản năng sống còn của con người. Nhưng trong vụ "Hồng tỷ Nam Kinh", chính bản năng ấy bị thao túng để thiết lập một trật tự quyền lực đảo ngược.

Mang vỏ bọc là người “cho đi”, Hồng tỷ thực chất là kẻ đặt luật chơi. Những người đàn ông ngỡ mình làm chủ tình huống, nhưng thực ra bị cuốn vào một kịch bản được sắp đặt sẵn, nơi mà ranh giới giới tính, vai trò chủ động - bị động đều bị đảo lộn.

Thực tế trớ trêu, trong một xã hội mà đàn ông thường giữ thế chủ động trong các mối quan hệ tình dục, họ lại trở thành nạn nhân trong một “cuộc đi săn” mà con mồi chính là... kẻ đi săn.

“Hồng tỷ” Nam Kinh nghe như một bi kịch trào phúng của thời đại số, nơi niềm tin dễ dàng bị lợi dụng, và sự cả tin trở thành mảnh đất màu mỡ cho những cú lừa tình cảm tinh vi. Đây không chỉ là câu chuyện về một kẻ giả gái, mà là tấm gương phản chiếu rõ nét những mặt tối đang âm thầm tồn tại trong xã hội hiện đại, nơi mà “tự do trải nghiệm” đôi khi phải đánh đổi bằng chính danh dự và cuộc sống thật.

Tại Việt Nam, những vụ lừa tình, quay lén và phát tán clip trái phép cũng đã từng xuất hiện. Các hội nhóm kín, các ứng dụng hẹn hò hay các mối quan hệ mạng xã hội ẩn danh đang trở thành môi trường dễ tổn thương cho nhiều người, đặc biệt là giới trẻ. Một số trường hợp bị tống tiền, đe dọa phát tán ảnh nóng, clip riêng tư chỉ vì tin tưởng mù quáng vào một “người quen qua mạng” mà chưa từng gặp mặt.

Cùng với sự phổ biến của xu hướng “sống ảo”, “trải nghiệm thử”, “tình cảm không ràng buộc”, ngày càng nhiều người sa vào những mối quan hệ cảm xúc mong manh, dễ bị thao túng. Điều này không chỉ gây tổn thương cá nhân, mà còn dẫn đến nhiều hệ lụy pháp lý và tâm lý nghiêm trọng nếu không được nhận diện và cảnh báo đúng mức.

Trong thời đại số, chuyện kết bạn, hẹn hò qua mạng trở nên phổ biến. Tuy nhiên, đằng sau những lời ngọt ngào là không ít “bẫy tình” tinh vi. Để tránh trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo tình cảm, bạn cần ghi nhớ 7 nguyên tắc sau:

Cảnh giác khi người lạ bày tỏ tình cảm quá nhanh

Nhiều người bị lừa vì bị “tấn công cảm xúc” dồn dập. Nếu một người mới quen trên mạng nhưng đã nói lời yêu, muốn cưới, hoặc gọi bạn là “định mệnh cuộc đời” chỉ sau vài ngày trò chuyện hãy thận trọng.

Kiểm tra kỹ thông tin cá nhân

Tìm kiếm ảnh đại diện của họ trên Google, xem tài khoản có thật không, có bạn bè tương tác hay chỉ là một vỏ bọc giả mạo.

Tuyệt đối không chuyển tiền

Kẻ lừa đảo thường bịa ra các tình huống như: đang gặp khó khăn cần tiền gấp, chuẩn bị qua gặp bạn nhưng bị giữ ở sân bay, người nhà bị tai nạn… Dù họ kể chuyện xúc động đến đâu, bạn tuyệt đối không được chuyển tiền cho người chưa từng gặp ngoài đời.

Không chia sẻ hình ảnh nhạy cảm

Một số trường hợp bị đe dọa tung ảnh hoặc clip riêng tư lên mạng. Để tránh bị khống chế, bạn nên giữ ranh giới rõ ràng, không gửi ảnh hay clip riêng tư cho bất kỳ ai quen qua mạng.

Hỏi ý kiến người thân, bạn bè

Khi thấy mối quan hệ có dấu hiệu bất thường, hãy chia sẻ với người bạn tin tưởng để có cái nhìn tỉnh táo. Nhiều người vì giấu chuyện mà bị lừa kéo dài, tổn thương cả tình cảm lẫn tiền bạc.

Đề nghị gọi video hoặc gặp mặt

Kẻ lừa tình thường tìm cách né tránh gọi video hoặc gặp mặt trực tiếp. Nếu sau nhiều tuần, nhiều tháng mà vẫn không thể nhìn thấy mặt thật hoặc gặp mặt, bạn cần cân nhắc lại.

Báo cơ quan chức năng khi nghi bị lừa

Nếu nghi ngờ mình đang bị lừa, bạn nên báo cho công an hoặc cơ quan phòng chống tội phạm công nghệ để được hỗ trợ kịp thời. Việc tố giác sớm sẽ giúp bảo vệ chính bạn và cả những người khác.

Có thể bạn quan tâm