Vừng ơi… bao giờ mở cửa?

Hiện ước tính có cả triệu người Việt xa xứ đang chờ ngày hàng không trong nước mở cửa để trở về quê Mẹ. Mỗi thông tin “được bay” của thế giới đều làm cho con tim họ phập phồng hy vọng.

Mọi con đường đều dẫn tới… Charter bay

6 tháng qua, khái niệm bay Charter không còn xa lạ gì với người Việt sống ở khu vực Bắc Mỹ. Đó là những chuyến bay do các hãng hàng không hoặc các công ty du lịch thuê nguyên chuyến. Trên thực tế, mới có các chuyến bay charter bay thẳng đi/về Việt Nam từ châu Âu. Khách từ Mỹ, Canada về nước vẫn theo chuyến bay của các hãng hàng không quốc tế về Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản...

Tất nhiên là khách Việt chỉ chiếm một số lượng ghế ngồi nhất định trong khoang máy bay mà thôi. Từ điểm trung chuyển ở Seoul, Tokyo, Taipei… lượng khách này sẽ được máy bay của Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo đón về Đà Nẵng, Nha Trang… rồi được đưa đến các resort, khách sạn 4-5 sao để thực hiện cách ly. Thời gian cách ly trước đây 14 ngày nay đã được rút xuống còn 7 ngày. Mỗi tháng ở Bắc Mỹ có vài chuyến theo hình thức ghép – nối chuyến – cách ly được thực hiện nhịp nhàng như thế.

Mọi sinh hoạt của người dân Canada đã trở lại bình thường
Mọi sinh hoạt của người dân Canada đã trở lại bình thường

Sẽ không có gì đáng nói về dịch vụ này ngoài việc giá vé… trên trời. Nửa năm qua kể từ khi có chuyến bay thương mại charter, giá vé 1 chiều về nước luôn ở mức khoảng 4 – 5 ngàn USD, bao gồm cả phí xét nghiệm covid 19, phí cách ly 7 ngày và… công văn chấp thuận cho nhập cảnh. Đó là chưa kể, có những người đã phải mua vé từ Mỹ về Việt Nam với giá hơn 6 ngàn USD. Hiện thời, với sự nở rộ các dịch vụ bán vé charter từ khắp các châu lục về nước, giá vé được các công ty Pan America, Vtourism, Viettravel… chào bán với giá xấp xỉ 4 ngàn đô Mỹ/1 vé (khoảng 89 triệu VND), cho chặng về nước từ Mỹ và Canada.

Năm 2020 và mấy tháng đầu năm 2021, đại sứ quán Việt Nam tại Canada đã tổ chức được hàng chục chuyến bay giải cứu công dân về nước. Ý nghĩa của các chuyến bay này đến nay vẫn được nhiều người trân trọng và tri ân.

Bởi, hầu hết những người được bay về quê Mẹ đều có những hoàn cảnh ngặt nghèo: Đau yếu, sinh viên mất chỗ ở, người lao động mất việc làm, đi du lịch, công tác bị kẹt lại… Giữa tâm dịch với số ca nhiễm Covid 19 tăng hàng ngày, những con số chết chóc kinh hoàng của Canada, của xứ cờ hoa bên kia biên giới… đã khiến không ít người bị rơi vào hoảng loạn, trầm cảm và rất may là được chính phủ giải cứu kịp thời. Có trong hoàn cảnh đó mới thấu hiểu được nỗi khổ và sự may mắn đó.

Khách du lịch ở thành phố Quebec, Canada đã có thể thong thả đi ngắm phố
Khách du lịch ở thành phố Quebec, Canada đã có thể thong thả đi ngắm phố

Mấy tháng nay không thấy đại sứ quán tổ chức bay cứu trợ công dân nữa. Có lẽ vì khu vực Bắc Mỹ đã thiết lập được cuộc sống “bình thường mới”, mọi sinh hoạt của người dân đã ổn định. Trong khi đó, Việt Nam đang phải oằn mình chống lại biến thể Delta của Covid 19 nên việc tổ chức bay cứu trợ không còn quá cần thiết?

Dẫu vậy, nhu cầu về nước còn rất nhiều và bay cứu trợ vẫn là mơ ước của mọi người. Vì giá hợp lý: 52,4 triệu VND từ Toronto về Vân Đồn. Số lượng người trong phi hành đoàn cũng gấp đôi các chuyến bay bình thường: lên tới 30 người. Sau mỗi chuyến bay, toàn bộ phi hành đoàn lại được đưa đi cách ly 14 ngày. Vì khâu tổ chức chặt chẽ, kiểm soát dịch nghiêm ngặt khiến ai nấy đều yên tâm. Vì cảm giác không bị bỏ rơi, niềm tự hào ngập tràn khi thấy máy bay mang thương hiệu hàng không quốc gia đậu trên sân bay của xứ sở lá phong. Đó là chưa kể chi phí khác bao gồm cả khử trùng nghiêm ngặt, lệ phí nhập cảnh - sân bay cho nước sở tại rất cao vì thời gian đó, Việt Nam chưa mở được đường bay chính thức sang Bắc Mỹ.

Thế mà, bay cứu trợ giờ đây chỉ là trong giấc mơ thôi. Mọi con đường “nở đầy hoa và gai nhọn” đều dẫn về các chuyến charter với giá vé làm cho ai cũng thấy… khó thở!

Quê nhà ơi, đường còn xa ngái!

Trên dưới trăm triệu đồng cho chiếc vé trở về quê Mẹ cộng với thời gian 7 ngày trong khu cách ly! Hai yếu tố đó làm nản lòng hàng ngàn sinh viên muốn về thăm nhà trong kỳ nghỉ đông. Nó cũng khiến cho không ít người dù đã mắc kẹt tại đây gần 2 năm, vẫn phải chùn chân không dám bước ra phi trường. Những người có cuộc sống ổn định tại Bắc Mỹ thì còn đỡ nhưng dẫu sao, ngóng chuyến bay về nước vẫn là tâm trạng chung của nhiều người. “Nhớ nhà lắm, lại còn nhiều việc đang dở dang ở Việt Nam, muốn về mà vé đắt quá. Thời gian hạn hẹp, đi được 2 tuần thì mất 1 tuần cách ly, 1 ngày đi, 1 ngày quay lại Canada… Chúng tôi đành cố đợi thêm xem tình hình có sáng sủa hơn không” - Anh Kiểu, một Việt kiều Canada đầu tư tại Việt Nam nói.

Ngọc – sinh viên vừa học xong chương trình của năm cuối trường Georgan College, thành phố Barrie, bang Ontario, Canada than thở: “Cháu học 2 năm phổ thông và 2 năm cao đẳng tại Barrie. Gần 4 năm cháu chưa được về nhà vì tập trung cho việc học và vì đại dịch, có muốn về cũng không thể. Cháu rất nhớ nhà. Ngày nào cháu cũng dõi theo tin tức Việt Nam, chỉ mong Chính phủ cho mở cửa bầu trời để sinh viên chúng cháu được về thăm ba mẹ”.

Cùng tâm trạng với Ngọc, Sơn – cậu sinh viên trường đại học Ryerson ở trung tâm thành phố Toronto chia sẻ: “Cháu sắp được nghỉ đông 2 tuần. Bố mẹ cháu rất nhớ cháu, sẵn sàng bỏ ra trăm triệu để mua vé cho cháu về thăm nhà. Nhưng cô ơi, thời gian, sức lực dành cho việc đi lại, cách ly, còn đâu thời gian dành cho gia đình, thăm bạn bè, người thân”.

Huyền, Trí, Vi… những sinh viên sau tốt nghiệp đã có việc làm ở Canada cũng bày tỏ: Mấy năm xa nhà, điều mong mỏi nhất là được về thăm gia đình. Nhìn giá của tấm vé charter lại thêm 7 ngày cách ly mà nản. “Bao giờ Việt Nam chính thức mở cửa bầu trời, khách tiêm đủ 2 mũi + xét nghiệm âm tính với nCovi được bay về theo giá vé thương mại bình thường, không cần cách ly, chúng cháu mới về. Canada thực hiện chính sách như vậy mấy tháng nay rồi” - Huyền nói.

Một cuộc tụ họp vui vẻ của những người Việt xa xứ tại Toronto
Một cuộc tụ họp vui vẻ của những người Việt xa xứ tại Toronto

Đúng là ở Mỹ và Canada, cuộc sống hiện đã trở lại bình thường. Phần lớn mọi người đều đã tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa covid 19. Các hoạt động kinh doanh sản xuất, du lịch đều đã trở lại gần như trước khi có dịch. Sau khi mở cửa hàng không cho khách quốc tế vào tháng 9, du khách đủ điều kiện nhập cảnh được đi lại thoải mái như người bản địa. Khái niệm cách ly giờ đã thấy rất xa vời.

Ngóng về Việt Nam, lòng ai nấy cồn cào. Vừa có lệnh khách từ Sài Gòn đến Hà Nội đã có chứng nhận tiêm đủ 2 mũi vaccine và xét nghiệm âm tính với nCovi vẫn phải thực hiện cách ly 7 ngày, lệnh tiếp sau đó là dỡ bỏ quy định trên; Vừa mới than vì Sài Gòn được mở karaoke, massage mà Hà Nội thì không, ngay hôm sau, chính quyền thành phố Hồ Chí Minh lại “đóng cái rụp” dịch vụ đó vì số ca nhiễm covid 19 tăng nhanh… Những thông tin nay mở, mai đóng, nay quây, mai dỡ... làm chao đảo truyền thông cho thấy con Covid quả là quái ác.

“Con đường vòng” dẫn lối

Dân Việt hải ngoại lập group trên facebook, chỉ cho nhau cách về nhà qua đường Campuchia. Thực ra từ năm ngoái, giữa lúc dịch bùng phát, group này đã hoạt động và chia sẻ kinh nghiệm về nước theo đường “tiểu ngạch” mà vẫn hợp pháp này. Nghĩa là bay về Campuchia – thực hiện cách ly có trả phí 14 ngày tại khách sạn > đi qua cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh và tiếp tục thực hiện cách ly tập trung 14 ngày rồi về nhà. Nay, Campuchia cũng đã mở cửa đường hàng không, đường thủy và đường bộ, sẵn sàng chung sống với nCovi. Sau tuyên bố của Thủ tướng Hunsen: “… Đã đến lúc đất nước “rời khỏi hang cua” và làm quen với cuộc sống mới”, việc đi qua Campuchia để về Việt Nam trở nên dễ dàng hơn trước rất nhiều. Giá vé từ Toronto đến Phnom penh chỉ hơn 800 USD, nếu đã tiêm đủ 2 mũi vaccine và xét nghiệm âm tính thì khách du lịch hoàn toàn không cần phải cách ly, được tự do đi lại như người bản xứ. Họ có thể thăm thú đất nước chùa tháp nếu muốn, thuê khách sạn với giá từ 30 – 100 USD/ đêm, chia sẻ tiền thuê xe từ Phnom penh tới Tây Ninh > thực hiện cách ly 7 ngày tại khách sạn (được book sẵn) trên đất Việt Nam, sau đó là trở về nhà.

Các chuyến bay charter đang được triển khai đưa khách đến Việt Nam
Các chuyến bay charter đang được triển khai đưa khách đến Việt Nam

Tại sao lại phải đi qua “con đường vòng” Campuchia? Vì sao khách đáp ứng đủ 2 mũi tiêm + xét nghiệm âm tính với nCovi ở Campuchia không phải thực hiện cách ly? Đây là Campuchia chứ không phải châu Âu, càng không phải Canada hay Mỹ - những nước có sức mạnh kinh tế và nền y học phát triển bậc nhất thế giới…

Thật khó trả lời cho những câu hỏi trên. Trong lúc này, ở trong nước, rất nhiều ý kiến vẫn đang tranh cãi về mở hay tiếp tục đóng cửa? Mở cửa thì mở đến đâu, theo lộ trình nào? Cách ly hay không cách ly với người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, âm tính với nCovi? Có thể thấy, cái cảnh “trống cứ đánh xuôi và kèn thì thổi ngược” trong chống dịch của các địa phương đã không còn là vấn đề nổi cộm, tỷ lệ tiêm vaccine ở các thành phố lớn gần như đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng, các ca nhiễm mới + tử vong đã ít hơn hẳn. Việc tuyên bố mở cửa để sống chung với nCovi chỉ là vấn đề thời gian theo đơn vị ngày/tháng chứ không thể là quý.

Trong khi chờ đợi lệnh trên ban, con đường từ hải ngoại về Campuchia đã được thông lối và vận hành rôm rả. Từ đó, khách Việt vào Việt Nam chả phải chuyện nhọc nhằn gì.

Có thể bạn quan tâm