Xây dựng kế hoạch ổn định thị trường hàng hóa dịp cuối năm

Chỉ còn ít tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Tân Sửu (2021), nhu cầu tiêu dùng sẽ tăng cao, do đó việc bảo đảm nguồn hàng là vấn đề bức thiết, đang được ngành công thương và các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch nhằm ổn định thị trường.
Xây dựng kế hoạch ổn định thị trường hàng hóa dịp cuối năm

Như thường lệ vào những tháng cuối năm, đặc biệt là thời điểm cận Tết, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa của người dân sẽ dần “tăng nhiệt”. Đây cũng là thời điểm các doanh nghiệp, dân doanh rầm rộ bung hàng hóa ra thị trường phục vụ nhu cầu mua sắm Tết của người tiêu dùng. Thời điểm càng cận Tết, khả năng giá cả hàng hóa có thể sẽ tăng, gây bất lợi cho người tiêu dùng.

Ông Hoàng Anh Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, để không thiếu hàng, hiện Bộ Công Thương đang lên kế hoạch cân đối cung-cầu hàng tiêu dùng phục vụ những tháng cuối năm và Tết Nguyên đán.

Cụ thể, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các Sở Công Thương, hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp sản xuất, bán lẻ thường xuyên bám sát diễn biến cung-cầu, giá cả các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, qua đó kịp thời đưa ra các giải pháp điều hành. Đặc biệt, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh tiếp tục xây dựng chương trình bình ổn thị trường, tập trung vào các mặt hàng thực phẩm, nhu yếu phẩm.

“Bộ Công Thương đã yêu cầu các sở, doanh nghiệp xây dựng các chương trình bình ổn thị trường, nhất là các giai đoạn sát Tết. Đồng thời tăng cường các điểm bán tại khu công nghiệp, vùng sâu vùng xa… bảo đảm người dân không thiếu hàng, sốt giá”, ông Tuấn nêu rõ.

Đối với Thủ đô Hà Nội, thông tin về kế hoạch chuẩn bị hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, để bảo đảm nguồn hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết, Sở đã xây dựng kế hoạch kích cầu tiêu dùng cuối năm trên cơ sở bám sát tình hình thị trường để tham mưu cho lãnh đạo Thành phố. Ngoài ra, Hà Nội phối hợp với các địa phương đưa nguồn hàng các tỉnh, thành khác như: Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình vào Hà Nội để vừa hỗ trợ các địa phương tiêu thụ sản phẩm, lại đa dạng nguồn cung cho thị trường Thủ đô.

Đồng thời, nhằm kích cầu tiêu dùng nội địa, từ nay đến cuối năm TP. Hà Nội sẽ tổ chức nhiều sự kiện kích cầu tiêu dùng như như: Tháng Khuyến mại tập trung, Hội chợ Kết nối cung-cầu gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, tổ chức trên 30 chuyến bán hàng lưu động, 12 phiên chợ hàng Việt, Hội chợ đặc sản vùng miền…

Tuy nhiên, có một thực tế tồn tại nhiều năm nay, đó là ngoài những doanh nghiệp, những người làm ăn chân chính, một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã lợi dụng thời điểm này để đẩy giá lên cao. Không dừng lại ở đó, một số khác cũng “té nước theo mưa” để kiếm lời bất chính, tạo nên những “cơn sốt” giá làm tình hình thị trường phức tạp. Hàng gian, hàng giả cũng lợi dụng tình hình để tuồn ra thị trường.

Trước tình hình hàng giả sẽ diễn biến phức tạp, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh cho biết, từ nay đến Tết Nguyên đán Tân Sửu, lực lượng Quản lý thị trường tiếp tục triển khai các chương trình, kế hoạch chống hàng lậu của Ban Chỉ đạo 389 Trung ương và Bộ Công Thương. Cụ thể sẽ tập trung kiểm tra các mặt hàng nóng trọng điểm có nhu cầu cao trong dịp Tết Nguyên đán như: Thuốc lá điếu, xì gà, rượu bia, nước giải khát, pháo nổ, quần áo, giày dép, mỹ phẩm…

“Lực lượng Quản lý thị trường sẽ tiếp tục phối hợp với các lực lượng chức năng, hiệp hội ngành hàng, địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát các chợ, siêu thị, cửa hàng tiện ích... về niêm yết giá, nhất là các mặt hàng nhu yếu phẩm, xử lý nghiêm việc lợi dụng tình hình dịch bệnh để trà trộn lưu thông hàng giả, hàng không rõ xuất xứ…”, ông Linh nhấn mạnh.

Có thể thấy, việc ngành công thương tích cực xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa, đẩy mạnh chống hàng lậu sẽ giúp nguồn cung hàng hóa Tết Nguyên đán Tân Sửu dồi dào về số lượng, chất lượng đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Có thể bạn quan tâm