Xin tạm ứng "khẩn" 5000 tỷ đồng cho dự án… “Lên trời gọi mưa”!

Bên cạnh việc đề nghị Thủ tướng và Văn phòng Chính phủ xem xét chủ trì tổ chức cuộc họp với 7 bộ để bàn riêng về dự án “Lên trời gọi mưa” thì “cha đẻ” của dự án có tên gọi khác lạ này cũng xin tạm ứng
Xin tạm ứng "khẩn" 5000 tỷ đồng cho dự án… “Lên trời gọi mưa”!
Bên cạnh việc đề nghị Thủ tướng và Văn phòng Chính phủ xem xét chủ trì tổ chức cuộc họp với 7 bộ để bàn riêng về dự án “Lên trời gọi mưa” thì “cha đẻ” của dự án có tên gọi khác lạ này cũng xin tạm ứng khẩn số tiền khổng lồ 5.000 tỷ đồng để kịp triển khai mua sắm trang thiết bị hóa chất thử nghiệm đợt 1 vào 10/10 tới.
“Lên trời gọi mưa”, đây là tên dự án đang được một doanh nghiệp là Công ty CP Khoa học công nghệ An Sinh Xanh đề xuất lên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các bộ ngành liên quan nhằm mục đích chống nắng hạn trong chu kỳ El Nino. Được biết, về đề xuất trên, Văn phòng Chính phủ đã có công văn đề nghị 7 bộ cùng tham gia. Tiếp đó, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã có công văn chỉ đạo Công ty An Sinh Xanh liên hệ với 7 bộ để triển khai theo 7 lĩnh vực quản lý Nhà nước. Ông Phan Đình Phương, Tổng giám đốc Công ty An Sinh Xanh cho biết, mới đây, doanh nghiệp này đã tiếp tục “khẩn trương nghiên cứu” nâng cấp dự án trên theo hướng lập 1.000 trạm điều tiết mưa trong bối cảnh mưa bão hoành hành gây ngập lụt từ Thủ đô Hà Nội đến các tỉnh thành khi vừa mới bước vào chu kỳ La Nina (ngược với El Nino khô hạn).
Xin tạm ứng "khẩn" 5000 tỷ đồng cho dự án… “Lên trời gọi mưa”! ảnh 1
Khoản tiền khổng lồ 5.000 tỷ đồng được đề nghị Thủ tướng cho tạm ứng khẩn với dự án "Lên trời gọi mưa" (Ảnh: Hữu Nghị)
Dự án nâng cấp được miêu tả như sau: Khi gió đưa quá nhiều mây từ biển vào đất liền thì 100 trạm chủ động đón mây gây mưa ngay trên vịnh Bắc bộ để giảm mây bay vào, giảm ngập lụt tắc đường cho các thành phố”. Ngoài ra, còn có 400 trạm điều tiết mưa đúng nơi đúng lúc cho 63 tỉnh thành có đủ nước phục vụ nông lâm ngư nghiệp. 500 trạm còn lại trên hàng ngàn sông suối và hồ thủy điện rừng núi phía Bắc và dãy Trường Sơn để gây mưa; tạo lập hệ thống đề kè giữ nước ngọt, chống xâm nhập mặn đảm bảo nước cho thủy điện thủy lợi và các vựa lúa đồng bằng Bắc Trung Nam bộ, ổn định đời sống, giữ vững an ninh lương thực, quốc phòng và quốc gia. Như vậy, theo như “bản vẽ” được công ty An Sinh Xanh phác thảo, nếu được thông qua thì đây là lần đầu tiên Việt Nam tác động vào thiên nhiên để điều chỉnh thời tiết liên quan đến đa ngành, đa luật lệ. Để “khởi sự đúng tầm của dự án” như đánh giá của chính đơn vị đề xuất, trong văn bản trình Thủ tướng, phía An Sinh Xanh đã đề nghị Thủ tướng và Văn phòng Chính phủ xem xét chủ trì tổ chức cuộc họp với 7 bộ và công ty này để giới thiệu dự án, thống nhất mục tiêu và phương thức triển khai. Công ty còn đề xuất, trong cuộc họp này sẽ thành lập Bộ chỉ huy Dự án cấp quốc gia và “tạo cơ chế thông thoáng đặc cách” để quản lý theo hình thức khoán gọn bằng kết quả cuối cùng và đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu kịp thời đối phó thực sự hiệu quả với thời tiết. Theo như đề xuất được công ty đưa ra thì thời gian họp do Chính phủ chủ trì nhưng dự kiến sẽ trong khoảng từ ngày 15 đến ngày 25/9. Mặc dù cuộc họp này chưa diễn ra và cũng chưa có chủ trương nào từ Chính phủ, tuy nhiên, trong văn bản trình Thủ tướng, đơn vị đề xuất dự án đã rất mạnh dạn đưa ra đề nghị với Chính phủ có hình thức cho dự án tạm ứng khẩn 5.000 tỷ đồng. Số tiền này nhằm kịp triển khai mua sắm trang thiết bị hóa chất thử nghiệm đợt 1 vào 10/10/2016 tại Đà Nẵng và có vốn để tiếp tục triển khai trong năm 2016 và 2017. Con số tổng thể chưa được công ty đề cập do một mình công ty “chưa thể nào tính đúng, tính đủ chi phí với đa phần thiết bị bay phải nhập ngoại”. Dù vậy, ông Phan Đình Phương tự tin “sẽ đem hết trí lực cùng Chính phủ và 7 bộ thực hiện thắng lợi dự án, hiện thực hóa sự nghiệp cải tạo thiên nhiên, bình ổn khí hậu với hiệu quả kinh tế và nhân văn toàn diện, mang lại lợi ích thiết thực và bền vững cho đất nước và nhân dân”. Hiện tại, chưa rõ ý kiến của Thủ tướng về đề xuất trên của Công ty An Sinh Xanh như thế nào, nhưng nếu quả thực dự án này có thể “giảm mây bay”, “điều tiết mưa đúng nơi đúng lúc”, “giảm ngập lụt tắc đường” – đại ý là có thể “hô phong hoán vũ”… như khẳng định của ông Phan Đình Phương thì đây đích thực là một dự án rất đáng để chờ đợi!

Theo Mạnh Quân-Bích Diệp/Dân Trí

Có thể bạn quan tâm