Xoay trục để giảm thách thức cho thủy sản

Xuất khẩu thuỷ sản trong năm 2017 vừa qua tuy đạt kỷ lục trên 8,3 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2016 và là mức cao nhất từ trước đến nay nhưng ngành này vẫn đang đối mặt nhiều thách thức lớn.
Xoay trục để giảm thách thức cho thủy sản

Ngành thuỷ sản cần phải “xoay trục” lại chuỗi giá trị.

Lấy ví dụ con cá tra, ông Nguyễn Phú Hoà, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho rằng, do chưa đáp ứng các tiêu chuẩn, quy định mới phía Mỹ đặt ra nên cá tra, cá basa Việt Nam sẽ càng gặp nhiều bất trắc hơn khi nhập khẩu vào thị trường Mỹ từ tháng 3/2018. Trước nhiều rào cản khi vào Mỹ, thời gian qua cá tra đã chuyển hướng xuất mạnh vào các thị trường lân cận như Trung Quốc.

Có thể thấy rào cản kỹ thuật, bảo hộ thương mại, cũng như những thông tin bất lợi đang là thách thức lớn với ngành thuỷ sản Việt Nam trong tương lai. Bên cạnh đó, theo ông Vũ Duyên Hải, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Thủy sản), vấn đề mà ngành thuỷ sản cần quan tâm hiện nay chính là chất lượng con giống, dịch bệnh, áp dụng khoa học kỹ thuật trong nuôi trồng thuỷ sản, chế biến xuất khẩu, dịch vụ và phát triển bền vững.

Cũng theo ông Hải, có một hệ thống chính sách đang được dịch chuyển đồng bộ, nhất là với tái cơ cấu ngành nông nghiệp nói chung và với ngành thuỷ sản nói riêng. Và thời điểm này là cơ hội tốt nhất cho ngành thuỷ sản để tái cơ cấu. Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được các nhà quản lý lựa chọn để tập trung cho việc “xoay trục” ngành thuỷ sản. Bởi lẽ, khu vực này đang cung cấp khoảng 52% sản lượng thuỷ sản đánh bắt và gần 67% sản lượng thuỷ sản nuôi trồng; đồng thời chiếm 65% giá trị kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản cả nước hàng năm.

Theo quy hoạch tổng thể, đến năm 2020 và định hướng 2030, kinh tế thuỷ sản ĐBSCL đóng góp 30 - 35% GDP trong khối nông lâm ngư nghiệp. Tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành thuỷ sản từ 8 - 10%/năm. Kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản đạt 8 - 9 tỷ USD. Tổng sản lượng thuỷ sản đạt 6,5 - 7 triệu tấn, trong đó nuôi trồng chiếm 65 - 70% tổng sản lượng.

"Điều đó đòi hỏi cần “xoay trục” chiếc lược xuất khẩu cũng như chính sách nhằm tăng lợi thế cạnh tranh và phát triển bền vững.

Tuy nhiên, giữa mong muốn “xoay trục” chính sách với thực tế là cả vấn đề nan giải. TS Lê Thanh Lựu, Giám đốc Trung tâm Hợp tác quốc tế nuôi trồng & khai thác Thuỷ sản bền vững (ICAFIS) nhận định rằng, thách thức lớn nhất với ngành thuỷ sản là chất lượng sản phẩm. Xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam hiện nay thông thường cạnh tranh với giá thấp, đi theo đó đó là chất lượng thấp.

Vì vậy, trước nhiều thách thức phải đối mặt, thuỷ sản nên thay đổi tư duy về việc “xoay trục” ngành của mình. Chẳng hạn với xuất khẩu tôm, mặt hàng tôm sú đang chiếm 45% trong tổng sản lượng chung luôn là mặt hàng thương mại. Đây là cơ hội là không phải quốc gia nào cũng có. Thực chất là hiện nay chưa có doanh nghiệp thuỷ sản nào làm theo chuỗi giá trị đúng nghĩa dù họ tự nhận là mình làm theo chuỗi.

Theo Đại đoàn kết

Có thể bạn quan tâm