Hạ Long, viên ngọc quý của du lịch Việt Nam, nhưng vẫn luôn ẩn chứa những rủi ro khó lường. Thảm kịch xảy ra vào ngày 19/7/2025, khi tàu du lịch QN-7105 (Vịnh Xanh 58/Wonder Sea) bị lật giữa vịnh trong điều kiện thời tiết tưởng như yên bình, đã trở thành một cú sốc chưa từng có. Tính đến thời điểm hiện tại, con số thương vong đã lên đến hàng chục người, nhiều người vẫn mất tích, trong khi chỉ vỏn vẹn 10 người may mắn sống sót.
Nỗi đau ấy không chỉ của riêng ai, mà là nỗi đau chung của cả nước, thôi thúc chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật để tìm ra lời giải cho câu hỏi: Liệu tai nạn có thể được phòng tránh?
"LỐC ĐỊA PHƯƠNG" – LÝ DO KHÁCH QUAN HAY LỜI BÀO CHỮA CHƯA THỎA ĐÁNG?
Nguyên nhân ban đầu được xác định là do một hiện tượng thời tiết hiếm gặp mang tên "lốc địa phương". Cụm từ này nghe có vẻ khách quan, song lại dấy lên sự hoài nghi lớn trong dư luận. Nhiều người đặt câu hỏi: Làm sao một cơn lốc có thể xuất hiện bất ngờ đến vậy, trong điều kiện trời trong xanh, nắng gắt, không hề có dấu hiệu báo trước? Và tại sao chỉ riêng chiếc tàu QN-7105 bị lật úp, trong khi các tàu thuyền khác gần đó vẫn an toàn?
Để lý giải, "lốc địa phương" thực chất là tên gọi dân gian của các cơn giông mạnh, thường hình thành cục bộ trên diện hẹp trong thời gian ngắn, đặc biệt vào những ngày nắng nóng kéo dài và độ ẩm cao. Về mặt chuyên môn, đây là dạng mây đối lưu mạnh hoặc hệ thống mưa dông quy mô trung, có khả năng sinh ra gió giật mạnh cấp 9–11, kèm theo mưa lớn, thậm chí hình thành vòi rồng hoặc lốc xoáy.
Điều trớ trêu là đặc điểm của "lốc địa phương" nằm ở khả năng khó dự báo chính xác về thời gian và vị trí cụ thể. Mặc dù Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đã phát cảnh báo vào lúc 11h45 và 13h30 cùng ngày 19/7, nhưng trên thực tế, không phải tất cả các tàu đều được cập nhật thông tin kịp thời, và không phải ai cũng ý thức được mức độ nghiêm trọng của những cảnh báo này.
Hiện tượng "lốc địa phương" không phải là mới lạ ở Quảng Ninh, và đã từng để lại những hậu quả bi thương.
Thực tế, bản thân người viết cũng đã từng 2 lần tận mắt chứng kiến.
Lần thứ nhất vào khoảng tháng 7/2004, khi đang di chuyển trên xà lan chở quặng kẽm từ Móng Cái về cảng Hải Phòng. Vừa qua khu vực cửa Đại, một hiện tượng thời tiết bất thường bất ngờ xuất hiện. Nhờ sự cảnh giác, thuyền viên đã kịp yêu cầu thuyền trưởng chuyển hướng vào luồng trong sát bờ. Chỉ vài phút sau đó, sóng lớn từ phía cửa Đại ập tới, nhấn chìm một chiếc xà lan chở than gần đó.
Lần thứ hai là vào ngày 21/11/2006 tại cảng Cái Lân. Một cơn lốc bất ngờ ập đến, quật đổ hai cần cẩu QC, nhấn chìm một đầu kéo xà lan và khiến hai người tử vong tại chỗ.
Cả hai lần, những đặc điểm chung đều rợn người gồm bầu trời trong xanh, nắng gắt, không có dấu hiệu mây giông hay cảnh báo nào – cho đến khi cơn lốc đột ngột ập đến, dữ dội và tàn khốc. Đáng buồn thay, vụ tai nạn ngày 19/7/2025 cũng diễn ra theo một kịch bản tương tự.
TẠI SAO LẠI LÀ TÀU QN‑7105?
Bi kịch của tàu QN-7105 đã khiến dư luận đặt ra hàng loạt câu hỏi chính đáng, đòi hỏi lời giải đáp thỏa đáng từ các cơ quan chức năng.
Thứ nhất, tại sao tàu QN-7105 lại bị lật, trong khi các tàu du lịch khác hoạt động gần đó vẫn bình an vô sự? Liệu có phải thiết kế tàu thiếu ổn định trong điều kiện sóng lớn và gió giật mạnh?
Thứ hai, một con tàu với chiều cao lớn như vậy đã được cấp phép theo tiêu chuẩn nào? Ai là đơn vị chịu trách nhiệm phê duyệt thiết kế và cấp phép cho tàu hoạt động trên vịnh?
Thứ ba, quy trình kiểm định và đăng kiểm tàu có được thực hiện đầy đủ và nghiêm ngặt không? Lần kiểm định gần nhất diễn ra khi nào, và có bất kỳ lưu ý đặc biệt nào về an toàn hay không?
Thứ tư, công tác đảm bảo an toàn trên tàu có được triển khai đúng quy định không? Các thiết bị cứu sinh như áo phao, hệ thống cứu sinh, và hướng dẫn thoát hiểm có đầy đủ và được sử dụng đúng cách khi xảy ra sự cố không?
Thứ năm, cơ quan nào chịu trách nhiệm giám sát hoạt động của các tàu du lịch? Liệu họ có đủ năng lực và cơ chế phản ứng nhanh chóng với các cảnh báo thời tiết bất thường hay không?
Cuối cùng, công tác cứu hộ, cứu nạn đã được thực hiện kịp thời và hiệu quả đến mức nào? Khi tai nạn xảy ra, các lực lượng chức năng đã có mặt trong bao lâu? Có xảy ra tình trạng chậm trễ, thiếu thiết bị hoặc thiếu lực lượng chuyên môn trong quá trình cứu hộ không?
Những câu hỏi này, cho đến nay, vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng. Để những sinh mạng vừa mất đi không trở thành những con số vô nghĩa, chúng ta buộc phải truy đến tận cùng sự thật.
Theo tìm hiểu của người viết, tàu QN‑7105 là loại tàu 3 tầng, được thiết kế để phục vụ khoảng 45–60 khách. Khi gặp nạn, con tàu đang ở giữa vùng nước sâu, không thể neo bám vào bất cứ đâu. Cơn lốc đến bất ngờ, quật mạnh khiến tàu lật nghiêng rồi úp hẳn, khiến nhiều người không kịp phản ứng.
Có thể nói, đây là vụ tai nạn đường thủy gây tổn thất nhân mạng lớn nhất từ trước đến nay tại khu vực vịnh Hạ Long, một điểm đến vốn luôn được đánh giá là an toàn, hiện đại và được kiểm soát chặt chẽ. Dù yếu tố thiên nhiên đóng vai trò lớn, nhưng tai nạn chỉ thực sự xảy ra khi các yếu tố con người, thiết bị và công tác quản lý không theo kịp tốc độ biến đổi khôn lường của tự nhiên.
PHÒNG TRÁNH TAI NẠN ĐƯỜNG THỦY: KHÔNG PHẢI LÀ ĐIỀU BẤT KHẢ THI
Thực tế, sức mạnh con người chúng ta không thể ngăn chặn lốc xoáy hình thành, song hoàn toàn có thể giảm thiểu rủi ro và thiệt hại nếu thực hiện tốt những biện pháp sau.
Đầu tiên và quan trọng nhất, cần tăng cường cập nhật và phổ biến cảnh báo thời tiết một cách kịp thời và rõ ràng, đặc biệt đối với các tàu nhỏ hoạt động xa bờ. Bên cạnh đó, việc đánh giá lại toàn bộ quy chuẩn thiết kế tàu du lịch, bao gồm giới hạn chiều cao và khả năng chống lật, là vô cùng cấp thiết.
Tiếp theo, cần nâng cao tiêu chuẩn kiểm định, đặc biệt với các tàu hoạt động ở những vùng có khí hậu và địa hình phức tạp như Hạ Long. Đồng thời, xây dựng một quy trình ứng phó khẩn cấp toàn diện, bao gồm việc huấn luyện nhân viên tàu, diễn tập định kỳ và đầu tư vào hệ thống cứu sinh hiện đại.
Không những vậy, việc ban hành quy định cứng rắn về cấm rời bến trong thời điểm có cảnh báo thời tiết xấu là điều bắt buộc.
Cuối cùng, cần thiết lập một hệ thống giám sát thời tiết và tàu thuyền theo thời gian thực, tích hợp các công nghệ tiên tiến như AI để đưa ra dự báo sớm và chính xác hơn.
Bác sĩ Trần Văn Phúc, hiện công tác tại bệnh viện Saint Paul, Hà Nội chia sẻ quan điểm về vụ việc trên trang cá nhân. Theo bác sĩ Phúc, ngoài yếu tố thiên nhiên và con người, kết cấu của con tàu cũng là yếu tố tác động để xảy ra tai nạn không mong muốn.
Theo ông, khi nhìn một con tàu, nhiều người thường thắc mắc: Với nóc tàu lớn và chân tàu nhỏ, liệu nó có dễ bị lật khi gặp gió mạnh, sóng lớn? Điều này liên quan đến nguyên lý cơ học về trọng tâm thấp, giống như con lật đật. Để đảm bảo ổn định, các tàu lớn thường được thiết kế với phần thân dưới nặng và hẹp hơn phần trên, nhằm hạ thấp trọng tâm, giúp tàu nhanh chóng lấy lại thăng bằng khi nghiêng.
Tuy nhiên, thực tế các tàu du lịch trên sông hồ và vịnh như Hạ Long lại có xu hướng ngược lại. Do mực nước cạn dần vào mùa khô hoặc chịu ảnh hưởng của thủy triều ở những khu vực gần cảng, tàu thường được thiết kế đáy phẳng.
Đồng thời, để tối ưu không gian ngắm cảnh và tiện nghi cho khách, tàu du lịch thường có nhiều tầng, với nội thất đầy đủ và tiện nghi ở các tầng trên. Điều này vô hình trung khiến trọng tâm tàu bị nâng cao, khiến chúng dễ gặp nguy hiểm trước sức cản của gió, đặc biệt là gió cắt ngang.
Mặc dù Vịnh Hạ Long hay các tuyến du lịch sông hồ hiếm khi có sóng to gió lớn, nên việc ưu tiên thiết kế tàu trọng tâm thấp dường như bị bỏ qua. Chính sự chủ quan này có thể dẫn đến thảm họa khi gặp phải những hiện tượng gió giật bất ngờ như "downburst" (gió giật xuống).